>> Mất hàng chục ngàn tấn than
Đây là bãi mà lái xe Xí nghiệp 790 vẫn đổ than, thay vì phải chở toàn bộ than ra Cảng theo quy định |
10 tháng, mất trên 30 ngàn tấn than
Như Tiền Phong đã thông tin số báo trước, chỉ trong tháng 12/2008, với việc lập hai hệ thống báo cáo nghiệm thu (một báo cáo thực tế, một báo cáo nghiệm thu trình Tổng Cty Than Đông Bắc), Xí nghiệp 790 đã làm mất 16.521 tấn than sạch của Nhà nước, tương đương với khoảng 6,6 tỷ đồng.
Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, cộng năm tháng cuối năm 2008, tổng số than mà Xí nghiệp 790 khai thác thực tế (theo số liệu từ biên bản nghiệm thu khối lượng mỏ) so với số than giao nội bộ Tổng Cty (theo Bảng quyết toán khối lượng mỏ), lượng than chênh lệch hơn 20.600 tấn, giá trị khoảng hơn 8 tỷ đồng.
Trong năm tháng đầu năm 2009, vẫn với cách làm trên, lượng than sạch Xí nghiệp 790 khai thác thực tế theo biên bản nghiệm thu khối lượng mỏ là 136.986 tấn, trong khi theo bảng quyết toán khối lượng mỏ thì Xí nghiệp chỉ giao nộp cho Tổng Cty Than Đông Bắc 124.645 tấn. Lượng than chênh lệch mất hơn 12.300 tấn.
Như vậy, trong vòng 10 tháng, số than chênh lệch giữa thực tế và báo cáo mất khoảng trên 30 ngàn tấn.
Theo một nguồn tin, sau khi nhận được đơn tố cáo của người lao động Xí nghiệp 790, Tổng Cty Than Đông Bắc đã cử đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Quốc Hồng, Phó Tổng giám đốc làm trưởng đoàn. Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồng cho biết: “Qua kiểm tra bước đầu cho thấy, việc Xí nghiệp 790 lập hai hệ thống báo cáo là đúng. Hiện chúng tôi đang kiểm tra từng hoá đơn chứng từ để có căn cứ kết luận. Chúng tôi đã có dự kiến kết luận và sẽ công bố trong thời gian tới”. |
Không chỉ điều chỉnh số liệu than, lãnh đạo Xí nghiệp 790 còn điều chỉnh cả số liệu liên quan đến chi phí sản xuất. Ví dụ, tại biên bản nghiệm thu khối lượng mỏ tháng 2/2009 (số lượng thực tế), tổng khối lượng vận tải của Xí nghiệp là 1.259.668 Tkm (tấn/kilomet đường, theo quy định trung bình một Tkm chi phí khoảng trên 3.000 đồng), nhưng trong bảng quyết toán khối lượng mỏ thì đội lên 1.325.986 Tkm, tăng 66.318 Tkm, tương đương giá trị khoảng hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có tháng số liệu Tkm được điều chỉnh giảm.
Điều này chứng tỏ, việc lập bảng quyết toán khối lượng mỏ không dựa theo cơ sở nào. Theo một cán bộ của Xí nghiệp, sau khi có báo cáo nghiệm thu thực tế khối lượng mỏ, cán bộ phòng kế hoạch mới dựa vào báo cáo đó để làm lại số liệu, lập bảng quyết toán khối lượng mỏ để báo cáo lãnh đạo Tổng Cty.
Ngoài ra, qua điều tra, phát hiện phần lớn cung độ (cung đường vận chuyển) cũng được điều chỉnh so với thực tế. Như cung đường vận chuyển than, tại biên bản nghiệm thu khối lượng mỏ tháng 11/2008, cung độ vận chuyển than từ vỉa Quyết Thắng đến sân Công nghiệp là 1,25 (tức 1,25 km) thì cung độ trong bảng quyết toán khối lượng mỏ được điều chỉnh lên 1,5 (1,5 km), tăng 0,25km. Việc điều chỉnh cung độ tăng, dẫn đến Tkm tăng, chi phí sản xuất một tấn than sẽ bị tăng khống...
Hệ thống kiểm soát nội bộ có vấn đề
Theo báo báo cáo mới đây của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, ngoài số than trôi nổi do dân khai thác, thu gom (số lượng không đáng kể), than xuất lậu thời gian qua có lượng lớn từ nguồn than của các đơn vị, doanh nghiệp của TKV bán trái phép ra ngoài.
Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng qua những vụ án liên quan đến những doanh nghiệp nội bộ TKV do Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, khởi tố từ năm 2008 đến nay cho thấy, tình trạng thông đồng, móc ngoặc giữa các lái xe với lực lượng bảo vệ mỏ, cán bộ KCS (kiểm tra chất lượng), nhân viên giám định, thủ kho, quản lý cân điện tử... diễn ra thường xuyên và khá phổ biến (xảy ra ở nhiều Cty than như: Dương Huy, Nam Mẫu, Núi Béo, Việt -minđô, Uông Bí, Cty Kho vận Cẩm Phả...).
Tuy nhiên, việc lập hai hệ thống báo cáo như Xí nghiệp 790 chưa hề bị phát hiện. Điều này thể hiện quy trình quản lý, giám sát của nhiều doanh nghiệp thuộc TKV rất lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các đối tượng bên ngoài thông đồng, móc ngoặc với cán bộ, nhân viên trong đơn vị để lấy than bán ra ngoài.
Đã đến lúc lãnh đạo TKV cần xem xét lại hệ thống kiểm soát nội bộ của chính mình. Nếu không, vàng đen, tài nguyên của đất nước tiếp tục bị thất thoát, làm giàu cho lãnh đạo các đơn vị sản xuất than.