Điều cấm trên Facebook: HS phản đối có thể chuyển trường
> Trường đầu tiên cấm học sinh nói xấu, chửi bậy trên Facebook
> Nữ sinh 'xúc phạm thầy cô trên Facebook' được đi học
“Nếu các nhà quản lý giáo dục không chấn chỉnh được vấn đề này thì chỉ một vài năm nữa xã hội chắc toàn người nói tục. Đây là bản nháp và phụ huynh, học sinh có thể góp ý", PGS Văn Như Cương chia sẻ về 4 điều cấm kỵ đang gây xôn xao.
Quy định "gây sốc" của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. |
Trước sự việc ngày 15-1, trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) vừa đưa ra thông báo “Những điều cấm kỵ" (nói tục, nói xấu...) khi lên mạng xã hội thu hút nhiều ý kiến trái chiều của học sinh. PV đã có cuộc trò chuyện với PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng nhà trường và nghe ông lý giải về vấn đề này.
Ông có thể chia sẻ điều gì về “Những điều “cấm kỵ” khi lên mạng xã hội được đưa lên website của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh đang khiến dư luận quan tâm?
Vừa rồi tôi đưa ra những điều “cấm kỵ” khi dùng mạng xã hội chứ chưa phải là một điều quy định như một nội quy.
Đây đang là một phép thử để tung ra lời khuyên như vậy, cuối cùng nhìn mạng xã hội để đánh giá con người, tư cách. Chúng tôi sẽ làm nhiều biện pháp để giáo dục học sinh để biết và sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng.
Thưa PGS, khi đưa ra những điều cấm kỵ dành cho tất cả học sinh trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh chắc hẳn ông cũng có những lý do giải thích cho quyết định này?
Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra những điều “cấm kỵ” này. Thứ nhất, nguyên nhân bắt nguồn từ sự việc của một nữ sinh ở Quảng Nam thóa mạ thầy cô trên mạng xã hội. Đó là một điều rất đáng ngại.
Thứ hai, mặt trái của mạng xã hội tôi đã thấy từ lâu. Hiện nay mạng xã hội phát triển rất mạnh đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, thanh niên và bộc lộ nhiều điểm không tốt. Trước hết, đó là sự mất thời gian, có những em đã bắt đầu nghiện Facebook mà không lường trước được những mặt trái rất nguy hiểm của nó.
Về mặt giáo dục, các em sử dụng ngôn ngữ không trong sáng, không lành mạnh, nói tục chửi bậy rất nhiều. Nó trở thành nơi các em “xả” bất cứ thứ gì các em thích, không có trách nhiệm với câu nói, thái độ, thậm chí cái “like” (thích) hay “comment” (phản hồi) của mình. Điều đó gây ra rất nhiều tác hại về mặt giáo dục, nhân cách, ngôn ngữ và thời gian.
Trong các trường ở thành phố, số lượng học sinh sử dụng Facebook ngày càng nhiều và lên tới hơn 40% số học sinh. Như vậy ảnh hưởng của việc nghiện này nếu chúng ta không chấn chỉnh sẽ để lại hậu quá khó lường.
Ở trường Lương Thế Vinh, các em học sinh cũng có sử dụng mạng xã hội rất nhiều, và cũng có lác đác những biểu hiện không đúng như ngôn ngữ không trong sáng, nói tục, chửi thề.
Tôi nghĩ rằng nếu các nhà quản lý giáo dục không chấn chỉnh được vấn đề này thì chỉ một vài năm nữa xã hội chắc toàn những người chửi thề và nói tục. Vì thế, tôi cần phải có những định hướng, những lưu ý cho các em học sinh của trường.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. |
Phản ứng của các em học sinh đối với quy định này như thế nào thưa ông?
Tôi cũng rất bất ngờ trong thời gian ngắn đã có khoảng 3.000 “like” và “comment”. Như vậy, tôi cũng có thể thấy lứa thanh niên nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Trong đó, phản đối cũng nhiều, ủng hộ cũng nhiều. Đặc biệt, có những người lớn tuổi thường rất ủng hộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này xâm phạm quyền tự do cá nhân của các học sinh. Ông nghĩ gì về điều này?
Sắp tới, tôi sẽ có quy định chính thức. Và không thể nói rằng quy định trái với pháp luật.
Có người lập ra hội sợ vợ hay nói tục, nếu gia nhập hội nhóm này nói một câu phải chửi thề, nói tục một câu, nếu không đáp ứng được thì ra khỏi hội. Vậy trường tôi cũng sẽ có quy định không nói tục, chửi thề, ai vi phạm thì ra khỏi trường.
Tôi có quyền quy định ở trường tôi không nói tục ở bất cứ đâu chứ không chỉ riêng ở trong trường, thậm chí trên mạng xã hội cũng không được. Nếu học sinh nào không đồng ý thì có thể chuyển sang trường khác.
Khi phát hiện ra học sinh của trường nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Nếu phát hiện học sinh nói tục chửi bậy trên mạng xã hội cũng sẽ xử lý như bình thường và cần được xem xét cụ thể trong từng trường hợp. Hình thức xử phạt cao nhất là đuổi học nhẹ hơn có thể nhắc nhở, phê bình.
Tôi cũng đã nghĩ đến trường hợp các em bị mất tài khoản và bị người khác lợi dụng, những trường hợp này cần phải xét xét kỹ lưỡng mới đưa ra kết luận. Chúng tôi phải xem xét quá trình học tập rèn luyện cũng như thái độ của học sinh đó như thế nào trước khi đưa ra hình thức xử phạt.
Đây cũng chỉ là biện pháp để giáo dục, những phải là biện pháp tốt, thuyết phục, để giáo dục đến nhiều học sinh khác.
Tôi đánh giá phản ứng của các em ở trường tôi là tốt. Ví dụ có những em ở trường khác gửi lời chia buồn cho học sinh Lương Thế Vinh, nhưng cũng có em học sinh của trường lại thể hiện rõ quan điểm khi cho rằng: tại sao phải chia buồn khi chúng tôi không nói tục, chửi bậy.
Đối với “bản nháp” của quy định mới này, các em học sinh và phụ huynh trong trường có thể đóng góp ý kiến trước khi đưa vào thực thi.
Thông báo những điều cấm kỵ trên mạng xã hội của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận. Bên cạnh những phản bác về sự "tự do" khi lên mạng, đa phần là các ý kiến đồng tình với quy định “gây sốc” này. Thành viên Trần Thịnh đưa ra ý kiến phản bác của mình: "Tôi phản đối. Đạo đức không thể trao dồi bằng phương pháp cấm đoán. Trường LTV bất lực trong công tác giản dạy đạo đức cho học sinh hay là sợ mất danh tiếng". Tuy nhiên, đó là số ít trong những phản hồi về vấn đề này. Thành viên Nguyễn Đông Sơn chia sẻ: "Tôi ủng hộ thông báo 4 điều cấm kỵ trên mạng xã hội của trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội), mong các trường khác cũng thông báo như vậy đối với học sinh của mình". Thành viên Thangquoctan chia sẻ: “Rất đồng tình với ý kiến của PGS Văn Như Cương đã dùng phương pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đây ắt hẳn là cách có hiệu quả nhất. Vì đa số học sinh trẻ hiện nay rất bồng bột có thể nói ra những điều thiếu suy nghĩ sẽ gây ảnh hương tới danh dự của nhà trường và cha mẹ. Vì vậy cần phải tích cực đấu tranh bắt đầu từ bây giờ để thực trạng đáng tiếc đau lòng sẽ không bao giờ xảy ra như em học sinh lớp 8 vừa rồi”. Bạn Phi Hùng thì nhận xét: "Điều 1 và 2 thì quá đúng và chuẩn theo đạo đức, chỉ có những người không mới "ý kiến ý cò". Điều 3 thì lại động đến sở thích của rất nhiều thành viên có sở thích bấm like dù chả biết nội dung viết gì. Tôi thấy điều 3 này vẫn đúng vì khi áp dụng điều này những thứ ấu trĩ, thô tục, bậy bạ, hoặc các nội dụng liên quan đến chính trị sẽ không được like bừa bãi. Đó là 1 điều tích cực, không có gì xấu". Nickname Tiwan lại cho rằng giáo dục hiện nay chủ trương dân chủ và để học sinh phát huy cái tôi của bản thân mình. Tuy nhiên tự do trong môi trường giáo dục vẫn cần có khuôn khổ nhất định. Theo bạn trẻ này, quyết định đã được rất nhiều thầy cô thông qua và hoàn toàn không có ý đồ áp đặt cho học sinh. Thành viên này khẳng định đây là quyết định cần thiết cho học sinh hiện nay bởi tự do ngôn luận không có nghĩa là một học trò được chửi thầy cô và văng tục chửi thề bừa bãi trên mạng. Một thành viên khác cũng có cùng quan điểm với nhà trường: “Quy định này là cần thiết. Bởi nói tục chửi thề là không đúng với đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”. Tuy nhiên thành viên này cũng rất băn khoăn về việc thực hiện quy định như thế nào, xử phạt ra sao. Bạn trẻ này đưa ví dụ: “Giả sử, tôi không đặt tên trên mạng bằng tên thật của mình, không để "đang học tại Lương Thế Vinh" thì xử lý thế nào?”. Bạn Phi Hùng đặc biệt thích nội dung “Chỉ like status (thích dòng trạng thái) khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like (thích) những status (dòng trạng thái) có nội dung xấu, chủ nhân tài khoản sẽ bị quy trách nhiệm”. Bạn này cho rằng giới trẻ cần phải có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng và xã hội, không nên tuyên truyền những nội dung xấu, thô tục, đặc biệt là liên quan đến chính trị. |
Theo An Hoàng
Infonet