Điệp viên cô đơn

Điệp viên cô đơn
TP - Hàng trăm điệp viên đã phản bội thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do bất đồng ý thức hệ hoặc động cơ tiền bạc. Jeff Carney thì khác: viên phi công người Mỹ đồng tính và cô đơn, luôn mơ tưởng một cuộc sống mới ở Đông Đức.

> Nhiều động vật bị nghi nhầm là gián điệp
> Lộ file mật, điệp viên Anh lâm nguy

Nhiều năm sau, Carney thấy quá khứ của mình trong câu chuyện của Bradley Manning - người tiết lộ hàng loạt tài liệu mật của Mỹ cho WikiLeaks.

Jeffrey Carney - lính Mỹ đồn trú ở Berlin những năm 1980 (trái) và hiện nay (phải). Ảnh: Spiegel
Jeffrey Carney - lính Mỹ đồn trú ở Berlin những năm 1980 (trái) và hiện nay (phải). Ảnh: Spiegel.

Vào giữa đêm tháng 4/1983, Jeff Carney tiến gần trạm kiểm soát Charlie, bước chân bắt đầu run rẩy và người toát mồ hôi. Khi bước qua vạch trắng chia cắt Đông và Tây Đức, Carney nghĩ rằng, mình đã an toàn ở phía đông, nhưng anh hoàn toàn nhầm. Nhóm lính canh người Đông Đức đưa anh ta tới căn phòng nhỏ, chỉ có chiếc bàn sơ sài, vài chiếc ghế và một cuốn từ điển Đức-Anh.

“Ý định của tôi khi bước qua vạch trắng vào đêm hôm đó không phải để trở thành điệp viên, mà chỉ đơn giản là chạy trốn”, Carney kể. “Tôi yêu cầu được nói chuyện với đại diện của chính phủ Đông Đức, và khi họ đến thì tôi thấy họ không phải đại diện chính quyền. Những người mặc áo khoác da đen ấy là điệp viên”.

Carney khi đó mới 19 tuổi, đang làm việc tại khu vực Marienfelde ở tây nam Berlin. Anh bị ức chế tâm lý vì những chuyện xảy ra trong gia đình, rồi gia nhập Không quân năm 17 tuổi cũng chỉ để chạy trốn.

Chán nản, Carney từng uống rượu một mình suốt đêm trong một quán bar dành cho dân đồng tính nam ở Berlin. Carney ghét công việc của mình, nhất là việc quân đội cấm quan hệ cùng giới. Quyết định đào ngũ của Carney không liên quan hệ tư tưởng, mà chỉ là hành động bốc đồng.

Nhóm điệp viên Đông Đức yêu cầu Carney quay lại làm công việc của mình và trở thành điệp viên. Nếu không, chỉ huy của anh sẽ được thông báo về việc anh đã ở đâu vào cái đêm say xỉn đó.

Trong cuốn sách mới xuất bản mang tên “Against All Enemies” (tạm dịch: Chống lại mọi kẻ thù), Carney kể rằng cuộc đời điệp viên của anh bắt đầu từ đó. Không quân Mỹ tuyển dụng Carney vì anh có khả năng ngôn ngữ tốt. Công việc của Carney là nghe lén các cuộc nói chuyện của người Đông Đức rồi dịch lại. Dù không có chức vụ cao, nhưng Carney vẫn được làm việc trong môi trường mà người ta thảo luận thông tin nhạy cảm.

Tiếng gọi của giới tính

Carney đánh cắp tài liệu mật ra khỏi căn cứ nghe lén bằng cách giấu trong giày và quần, sau đó đưa cho người quản lý có biệt danh “Ralph”, hoặc để tài liệu trong hộp đạn gần cái cây trong rừng Eiskeller, vùng rìa tây bắc của Berlin.

Giờ đã ở tuổi 50, Carney nói mình tiếc nuối rất nhiều điều vì đã làm tổn thương gia đình và đồng nghiệp cũ, nhưng khẳng định sẽ không làm khác đi nếu được quay lại 30 năm trước.

Mang biệt hiệu “Uwe”, Carney được cấp một camera giấu trong hộp trà để chụp lại các tài liệu quân sự. Dù từng tiết lộ nhiều bí mật cho lực lượng cảnh sát mật Đông Đức (Stasi), nhưng Carney cho rằng anh không phản bội người dân Mỹ vì “phản bội đất nước và phản bội chính phủ là hai việc hoàn toàn khác nhau”. Carney nói anh giúp duy trì một thế giới hòa bình và chưa từng giao nộp bất kỳ thứ gì làm hại nước Mỹ.

Một ngày, Carney nghe được Mỹ sẽ cho dàn quân để đánh lừa quân Liên Xô rằng họ sắp bị tấn công. Bằng cách theo dõi phản ứng của Liên Xô trước tình thế khẩn cấp này, Mỹ sẽ thu thập được thông tin vô giá về các giao tiếp liên lạc điện tử của họ. Nhưng Carney cho rằng, có khả năng xảy ra sự cố. Nếu Liên Xô thực sự tin họ đang bị tấn công, thì nhiều người sẽ mất mạng. Vì thế, Carney vội vã đi gửi tin nhắn cảnh báo khi ca làm việc kết thúc.

Carney kể rằng, hai năm làm gián điệp của mình tiêu tốn của nước Mỹ 15 tỷ USD - con số được phản ánh trong cuốn Từ điển lịch sử phản gián Chiến tranh Lạnh. Năm 1984, Carney được thông báo trạm nghe lén của Mỹ dừng hoạt động và anh sẽ được điều về bang Texas.

Trong một thời gian, Carney vẫn tiếp tục làm gián điệp; anh bay đến Mexico và Brazil để gặp gỡ đầu mối liên lạc. Nhưng các sếp của Carney bắt đầu nghi ngờ sức khỏe tâm thần của anh.

Tại Berlin, anh được lệnh phải đi khám bác sĩ vì bị chẩn đoán hoang tưởng. Carney bị đưa đến khoa sức khỏe tâm thần và mất quyền tiếp cận công việc. Carney quyết định đó là lúc cần hành động quyết liệt.

Anh đặt vé máy bay đi Mexico và đến Đại sứ quán Đông Đức để yêu cầu họ liên lạc với Berlin. Điều anh muốn vẫn là được sống ở Đông Đức. Carney sau đó được đưa lén lút tới Mexico, qua Cuba, Séc rồi Đông Đức. Carney đổi tên thành Jens Karney, được cấp hộ chiếu Đông Đức và một nơi ở sơ sài.

Mọi việc lại thay đổi nhanh chóng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Carney xin làm lái tàu trên tuyến tàu điện ngầm Berlin, rồi bị người Mỹ bắt giữa phố vào năm 1991. Carney bị đưa về Mỹ và kết án 38 năm tù, sau đó được giảm xuống 20 năm vì đã hợp tác điều tra. Carney ngồi gần 12 năm tù, giờ đang sống cùng con trai nuôi ở bang Ohio và dành thời gian để vẽ tranh.

Carney nói anh thấy chính câu chuyện của mình trong cuộc đời của binh nhất 25 tuổi Bradley Manning - người gần đây đổi tên thành Chelsea sau khi công khai là người đồng tính.

Cuối tháng trước, Manning bị kết án 35 năm tù vì tiết lộ nhiều tài liệu mật cho WikiLeaks. Cả hai không chỉ tương đồng về độ tuổi khi bắt đầu đánh cắp tài liệu mật của Mỹ, kinh nghiệm đầu tiên ở nước ngoài, phải gánh trách nhiệm nặng nề khi còn rất trẻ, mà cả hai cùng phải đấu tranh dữ dội với giới tính thật của mình, đều phải che giấu cuộc đời bí mật khi phục vụ trong quân đội.

BÌNH GIANG
Theo BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.