Điệp viên CIA kể chuyện cứu con tin ở Iran

Điệp viên CIA kể chuyện cứu con tin ở Iran
TP - Trước ngày Ban giám khảo Oscar công bố Argo có đoạt giải hay không (sáng 25-2 theo giờ Việt Nam), cựu điệp viên CIA Tony Mendez, nguyên mẫu trong phim, kể lại chiến dịch cứu thoát 6 người Mỹ trên thực tế.

> Công nghệ 'tranh cử' Oscar: Thắng giải không hẳn Phim hay nhất
> Oscar 2013 dễ và khó đoán

Ngày 4-11-1979, đám đông sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran, bắt giữ 66 người làm con tin, yêu cầu phía Mỹ buộc nhà vua Iran bị lật đổ đang chữa bệnh ở Mỹ phải về nước hầu tòa.

Hai tuần sau, lãnh tụ tinh thần của Iran, Giáo chủ Ayatollah Khomeini, ra lệnh thả 13 con tin là người da đen, phụ nữ.

Ngày 11-4-1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phê chuẩn một chiến dịch giải cứu liều mạng, dẫn đến cái chết của 8 người Mỹ.

Cuối cùng, các con tin Mỹ được thả hôm 20-1-1981, ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Tuy nhiên, trong thời điểm khủng hoảng con tin ở Iran, sáu nhân viên Đại sứ quán Mỹ trốn thoát theo lối cửa rồi ẩn náu trong nhà riêng Đại sứ Canada.

Họ có nguy cơ bị phía Iran và truyền thông quốc tế phát hiện. Vì thế, một chiến dịch giải cứu chưa có tiền lệ được thực hiện để đưa họ về Mỹ an toàn, theo mong mỏi của Tổng thống Carter. Thông tin về vụ việc được giữ bí mật trong gần 20 năm.

Điệp viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Tony Mendez được giao nhiệm vụ tìm cách đưa về Mỹ sáu người đang trốn trong nhà riêng Đại sứ Canada.

Nhưng trước tiên, anh phải có mặt tại Tehran mà không để bản thân bị nghi ngờ. “Chúng tôi đã nghĩ ra mọi lý do để giải thích sự hiện diện của mình tại Tehran, nhưng không tìm được lý do nào hợp lý cả”, cựu điệp viên 73 tuổi kể.

“Thường thì chúng tôi sẽ chọn một vỏ bọc thật đơn giản, ít bị chú ý. Nhưng chúng tôi không thể đóng giả giáo viên vì lúc đó các trường quốc tế đóng cửa. Chúng tôi cũng không thể nhập vai kỹ thuật viên dầu khí. Chúng tôi cũng không thể giả làm chuyên gia dinh dưỡng đi kiểm tra đồng ruộng”, Mendez kể.

Đảo nghịch nguyên tắc tình báo

Tại Canada, khi làm việc với chính phủ nước này về vụ con tin Mỹ, điệp viên Mendez quyết định thay đổi nguyên tắc tạo vỏ bọc.

Thay vì vào vai nhàm chán, chóng quên, anh quyết định rằng, bản thân và sáu người cần giải cứu sẽ đóng giả người của công chúng, đối mặt giới chức và đám đông người Iran.

Cụ thể, Mendez sẽ bay tới Tehran với tư cách thành viên đoàn làm phim Hollywood tìm địa điểm quay cho một phim khoa học viễn tưởng có nội dung rất ăn khách thời bấy giờ.

“Mọi người biết rằng người của Hollywood đi tới bất cứ đâu mà họ muốn, bất kể thời gian trong lịch sử. Họ quên thực tế rằng, còn có chính trị và các mối hiểm nguy trên thế giới”, cựu điệp viên nhận định.

Một cảnh trong phim Argo (nhóm người Mỹ làm thủ tục xuất cảnh). Ảnh: Hollywood Reporter
Một cảnh trong phim Argo (nhóm người Mỹ làm thủ tục xuất cảnh). Ảnh: Hollywood Reporter.

Tháng 1-1980, mang theo 10.000 USD, điệp viên Mendez đến kinh đô Hollywood ở thành phố Los Angeles. Nhiều năm qua, CIA gắn bó với Hollywood, nhất là khi liên quan lĩnh vực hóa trang. Mendez thuê một người viết kịch bản phim rồi thuê văn phòng cho hãng phim không có thật đặt tên là Studio 6 (số con tin phải giải cứu).

Chỉ trong hai ngày, người được thuê viết kịch bản đã hoàn thành kịch bản phim Argo (tên con thuyền bay trong thần thoại Hy Lạp, nghĩa là nhanh).

Phim có nội dung giống Star Wars (Chiến tranh giữa cách vì sao) - bộ phim khoa học viễn tưởng có doanh thu phòng vé lớn nhất thời đó. Bối cảnh trong phim là một nơi bí ẩn có khu chợ kiểu vùng Trung Đông.

Để mọi việc diễn ra như thật, phòng trường hợp phía Iran kiểm tra, Mendez tổ chức họp báo hoành tráng, để các báo, tạp chí nổi tiếng chuyên về giới showbiz như Hollywood Reporter, Variety… đăng bài, ảnh chi tiết về phim Argo sắp bấm máy.

Tuy nhiên, Mendez phải mất vài tuần mới thuyết phục sếp của mình ở CIA và chính phủ Mỹ, Canada ủng hộ kế hoạch giải cứu có một không hai.

Cả Mỹ và Canada đều lo ngại khó có thể kiểm soát tình hình trong thực tế, vụ việc có thể bại lộ, con tin có thể bị hành quyết, chính phủ hai nước sẽ ê mặt. “Chiến dịch này không có kế hoạch B. Không có kế hoạch dự phòng kiểu như xe đỗ bên ngoài, nổ máy sẵn”, Mendez nói.

Hiểm nguy và vinh dự

Khi Mendez sẵn sàng tới Iran, vợ anh tuy cũng là nhân viên CIA, nhưng không biết anh thực hiện nhiệm vụ gì. Sau khi nghe thông báo về chiến dịch giải cứu con tin, Tổng thống Carter gửi Mendez một bức thư đặc biệt với nội dung Chúc may mắn.

Theo Mendez, việc một tổng thống liên lạc trực tiếp với nhân viên CIA cực kỳ hiếm xảy ra. Khi tới Tehran, Mendez thấy “buổi tối, các thành viên Vệ binh Cách mạng Iran tự giải trí bằng cách lái xe lượn lờ trên đường phố, vác súng máy bắn vào các tòa nhà bên đường. Những người cách mạng đình chỉ mọi kiểu tập trung đông người”.

Ngày 25-1-1980, Mendez gặp được sáu người Mỹ trong nhà riêng Đại sứ Canada - nơi họ ẩn mình được 86 ngày. Mendez thông báo kế hoạch của mình và đưa họ danh thiếp Studio 6 cùng quần áo thời trang để họ trông giống giới showbiz.

Mendez mang theo huy hiệu lá phong (biểu tượng của Canada) để gắn vào vali, túi xách của họ. Chính phủ Canada đã đồng ý giải pháp sử dụng hộ chiếu Canada giả cho sáu người Mỹ.

Hai ngày sau đó, nhóm người này tập luyện đối phó các câu hỏi lắt léo của cơ quan chức năng Iran; họ đều biết rằng, kế hoạch đào tẩu thuộc dạng ngàn cân treo sợi tóc.

“Người Iran có thể quyết định chặt đầu chúng tôi, hoặc buộc chúng tôi sau xe jeep, kéo lê trên đường phố. Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra”, Mendez kể.

Căn cứ thông tin tình báo về sân bay, Mendez đặt vé cho chuyến bay lúc 7 giờ của hãng hàng không Swissair tới thành phố Zurich của Thụy Sĩ.

Tờ mờ sáng 28-1-1980, nhóm người Mỹ ra sân bay Tehran. Mendez tính toán rằng, thời điểm đó, lính gác, nhân viên kiểm tra buồn ngủ, mệt mỏi nên sẽ ít chú ý đến họ. Và anh đã tính đúng. Sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Zurich, sáu người Mỹ được đưa đi và sau đó về nước an toàn.

Tháng 3-1980, CIA trao cho Mendez huy chương Ngôi sao Tình báo, nhưng anh phải trả lại ngay lập tức, vì chiến dịch thành công vừa qua là bí mật.

Người nhà của Mendez không được dự lễ trao thưởng. Điệp vụ này nhạy cảm đến nỗi không xuất hiện trên Studies in Intelligence (Nghiên cứu tình báo) - tạp chí nội bộ của CIA.

Cuối cùng, Giám đốc CIA giai đoạn 1997 to 2004, ông George Tenet, khuyến khích điệp viên Mendez kể về chiến dịch giải cứu, nguồn cảm hứng để đạo diễn, diễn viên Ben Affleck sản xuất Argo được đề cử giải Oscar ở nhiều hạng mục.

Bình Giang
Theo BBC, CNN, CBS News

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG