Điện, xăng tăng giá, người tiêu dùng ‘lĩnh đủ’

Điện, xăng tăng giá, người tiêu dùng ‘lĩnh đủ’
Các mặt hàng thiết yếu dồn dập tăng giá chỉ trong vòng một tháng khiến chuyên gia lo ngại tái diễn cảnh giật cục trong điều hành chính sách, và CPI phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục âm do sức mua kiệt quệ.
Xăng tăng 900 đồng mỗi lit từ ngày hôm qua
Xăng tăng 900 đồng mỗi lit từ ngày hôm qua.

Vừa tròn một tháng sau khi điện tăng giá 5% vào ngày 1-7, chỉ trong vòng một ngày cả xăng – ga đồng loạt điều chỉnh với mức tăng khá mạnh (900 đồng mỗi lít xăng và 52.000 đồng bình gas 12 kg). Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng chỉ trong một thời gian ngắn nhưng 3 mặt hàng thiết yếu liên tục tăng là điều bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh sức mua người dân suy kiệt, hàng tồn kho cao.

Theo ông Sơn, động thái điều chỉnh điện trước đó, nay là xăng và gas chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng trong thời gian tới. Bởi, giá xăng dầu, điện chính là nguyên liệu đầu vào tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành. "Đầu vào tăng sẽ dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa-dịch vụ 'sản phẩm đầu ra'", ông Sơn lo ngại.

Chưa đầy 12 ngày, giá xăng đã tăng hai lần với mức lần lượt là 400 đồng và 900 đồng mỗi lít. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã có 9 lần điều chỉnh với 4 lần tăng và 5 lần giảm. Tuy nhiên, tổng số 4 lần tăng lên tới 4.300 đồng mỗi lít, trong khi sau 5 lần xăng chỉ giảm vỏn vẹn 3.200 đồng. Điều này khiến chuyên gia lo ngại có khả năng hình thành "thị trường xăng dầu bất bình đẳng".

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, việc giảm nhỏ giọt vài trăm trong khi tăng mạnh tới suýt soát 1.000 đồng, thậm chí lên tới 2.100 đồng vào thời điểm 7-3 là không công bằng. Khi mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo giá thị trường, thì đương nhiên, giá trong nước sẽ căn cứ vào thế giới để biến động. Tuy nhiên, với mức "tăng nhiều, giảm ít" sẽ hình thành thị trường thiếu minh bạch. Do đó, theo ông Doanh, việc cần làm là điều chỉnh đúng quy luật.

"Thế giới thế nào, trong nước điều chỉnh tương ứng, tránh hiện tượng các doanh nghiệp 'bắt tay' câu kết tự định giá xăng dầu khiến người tiêu dùng bị thiệt", ông Doanh nêu quan điểm.

Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia từng đề xuất Bộ Tài chính có thể tiếp tục tăng giá xăng lên mức ngang bằng giá cơ sở. Trong điều kiện lạm phát đang diễn biến thuận lợi thì việc tăng giá xăng sẽ không tác động nhiều đến CPI và giúp ngân sách giảm bớt gánh nặng bù lỗ. Ủy ban này còn cho rằng việc điều chỉnh giá giúp Chính phủ có thêm dư địa điều hành, để khi giá thế giới giảm có thể kết hợp việc hạ giá xăng dầu với tăng giá điện. Khi đó, tác động của việc điều chỉnh giá điện lên lạm phát sẽ được triệt tiêu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cách điều hành như vậy là bất hợp lý. Chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi giải thích, việc tăng giá dồn dập điện, gas và xăng hiện nay thể hiện một chính sách "giật cục", thiếu tính ổn định càng làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn, còn người tiêu dùng thì mất niềm tin vào chính sách. Và khả năng thời gian tới, chỉ số CPI khó có thể tăng lên, thậm chí vẫn âm vì sức mua sẽ tiếp tục suy yếu. Do đó, ông Nhi cho rằng vấn đề hiện nay không phải là chạy theo những con số chỉ tiêu "vô hồn" mà phải làm sao khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Chuyên gia lo ngại xăng điện gas tăng sẽ khiến sức mua giảm
Chuyên gia lo ngại xăng điện gas tăng sẽ khiến sức mua giảm.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng khẳng định, vấn đề quan trọng để giải cứu doanh nghiệp là tập trung vào những nhóm giải pháp ngay tức khắc để giảm tồn kho của doanh nghiệp. Do đó, theo ông Nhi: "Việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm khi cả nước đang dồn sức giải quyết vấn đề hàng tồn kho, đẩy mạnh kích cầu là khó chấp nhận".

Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, mức tăng 900 đồng mỗi lít xăng chưa phải là con số kỷ lục bởi năm 2008, mặt hàng này đã từng lên tới 4.500 đồng mỗi lít và giá xăng tháng 3 cũng tăng gần gấp ba đợt điều chỉnh ngày hôm qua. Tuy nhiên, cùng đồng loạt xăng dầu, gas, điện sẽ khiến sản xuất và cả người tiêu dùng "lĩnh đủ".

CPI hai tháng âm liên tục cho thấy sức mua người dân đang dần cạn kiệt, sản xuất trì trệ. Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho hay, từ đầu năm đến 20-7, cả nước chỉ có gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm có 30.300 doanh nghiệp phải giải thể do gặp khó khăn. "Doanh nghiệp đang ngấp nghe phá sản sẽ bị giáng đòn mạnh", ông Long bày tỏ.

Giới chuyên gia lo ngại, mức tăng giá này sẽ lan tới các hàng hóa khác, thậm chí, điện và xăng tăng giá luôn là cái cớ để thị trường lợi dụng đẩy giá lên. Dưới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và tác động dây chuyền, một làn sóng tăng giá mới sẽ đến. Kết quả là, mọi người dân sẽ tập dần một thói quen thích ứng với hoàn cảnh là cắt giảm chi tiêu để chạy bão giá. "Điều này trái ngược với nổ lự của các cấp, các ngành đang ra sức xóa tảng băng hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng", ông Huỳnh Bửu Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện hai ngành điện và xăng dầu cho rằng đang bị "tiếng oan". Một Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải thích, để điều chỉnh giá điện phải căn cứ vào việc tổng hợp từng thời kỳ các nguyên liệu đầu vào cơ bản gồm biến động giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Nếu tổng hợp chi phí theo quý hoặc năm giảm thì giá điện phải giảm. Trường hợp sau khi tổng hợp lại, chi phí chưa bù được các khoản tăng cao trước đây thì không thể giảm giá điện, dù bối cảnh khó khăn.

Còn giám đốc một công ty xăng dầu trần tình, mức tăng 900 đồng vẫn "khiếm tốn" vì chua đủ bù lỗ cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả thế giới tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi nhìn nhận, Việt Nam cần có sự ổn định trong việc điều tiết giá cả các mặt hàng như điện, xăng để hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, và người tiêu dùng thì bớt hoang mang. Nhưng để giá xăng ổn định, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần phải được thực hiện một cách hiệu quả chứ không phải làm chiếu lệ, làm cho có như hiện nay. “Nếu có những quỹ bình ổn xăng dầu đúng nghĩa thì khi giá thế giới biến động thất thường, trong nước vẫn có thể duy trì ổn định trong thời gian dài, tránh gây sốc cho thị trường”, ông Nhi nói.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng cho rằng quý bình ổn xăng dầu đang bị phân tán ở doanh nghiệp nên việc kiểm soát số dư rất phức tạp, doanh nghiệp có thể tạm sử dụng nguồn tiền vào mục đích khác, tạo ra bất bình đẳng cho các đơn vị có quy mô quỹ khác nhau. Do vậy, hướng sửa đổi được đề xuất là trích lập ngay ở khâu nhập khẩu hay tại thời điểm bán ra cuối cùng. Quỹ sẽ được quản lý tập trung tại Kho bạc Nhà nước với cơ chế sử dụng hợp lý, tránh tình trạng xin - cho.

Theo H.Lan – L.Chi
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG