Diễn viên quốc tế xuất sắc nhất làm mỳ ngô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vai diễn điện ảnh đầu tiên đã đoạt giải "Diễn viên quốc tế xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Paris 2021, con đường nghệ thuật của Hoàng Phượng có thể nói là xuôi gió xuôi nước. Thế nhưng, ngay khi các cơ hội đang mở ra, cô lại làm một quyết định gây sốc: về quê khởi nghiệp làm mì ngô.

Một bước ra thế giới

"Tình yêu vô hình" (Invisible love, đạo diễn: Quách Tường) là bộ phim có sự hợp tác của ba quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ, cũng là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Hoàng Phượng.

Trong phim, cô vào vai y tá Hoa - một phụ nữ mạnh mẽ, nhiều khát vọng. Sống trong bối cảnh Đông Dương những năm 30, Hoa đã dành cả thanh xuân để yêu và tìm kiếm tình yêu nhưng hành trình của cô chỉ mang lại bi kịch.

Giám đốc casting của phim kể lại rằng, đoàn phim đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn diễn viên chính. Đạo diễn muốn người đóng vai Hoa phải có chất Á Đông rõ rệt, từ khuôn mặt, làn da, cho đến phong thái, dáng điệu... và đặc biệt không được phẫu thuật thẩm mỹ. Hoàng Phượng là diễn viên cuối cùng tham gia tuyển chọn, trước đó, cô không tham gia vào hai dịp casting ở cả miền Bắc và miền Nam. Khi Phượng lên Hãng phim truyện I (đơn vị hợp tác làm phim) để thử vai, đạo diễn Quách Tường đã thốt lên: “Đúng Nguyễn Thị Hoa đây rồi”!

Y tá Hoa là một vai khó với diễn biến nội tâm phức tạp. Mặc dù đã được chọn nhưng sau khi nghiên cứu kịch bản, Hoàng Phượng kể rằng cô đã đắn đo rất nhiều, sợ mình không làm tốt được vai diễn. Nói thêm là cô gái này không phải diễn viên chuyên nghiệp, diễn xuất với cô là con đường tay ngang. Sau một quá trình tự đấu tranh, Hoàng Phượng quyết định chấp nhận thử thách, như cô đã từng đeo theo ước mơ bước khỏi cổng làng, đi ra thế giới bên ngoài và bị nhiều người cười là mộng hão.

Nhờ diễn xuất nhuần nhuyễn, Hoàng Phượng đã chiếm được cảm tình của các giám khảo cũng như khán giả quốc tế. Jena Suru - Phó giám đốc Liên hoan phim đánh giá “cô gái này là linh hồn của bộ phim”. Đó cũng là một trong những lý do giúp Hoàng Phượng đoạt giải "Nữ diễn viên quốc tế xuất sắc nhất" và là nữ diễn viên Việt Nam đầu tiên giành được giải thưởng này tại Liên hoan phim quốc tế Paris.Với vai Hoa, sau đó cô còn lọt vào top 3 diễn viên châu Á xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Houston lần thứ 54.

“Tình yêu vô hình” đóng máy năm 2018, sau đó không lâu Phượng đọc được tin tuyển diễn viên cho bộ phim “Những cô gái bên bờ biển” (Along the sea) của đạo diễn Akio Fujimoto, người từng rất thành công với đề tài nhập cư. Phim “Passage of life” do ông đạo diễn đã đoạt rất nhiều giải thưởng cả ở Nhật và quốc tế. Vẫn còn chút rụt rè nhưng Phượng vẫn quyết định thử sức.

Kết quả, chất Á đông đậm đặc và lối diễn xuất tự nhiên của Hoàng Phượng lại giúp cô trúng tuyển. Phim bắt đầu quay vào đầu năm 2020, lúc đang quay thì dịch COVID-19 bùng phát. Đây cũng là lần đầu tiên Hoàng Phượng trải nghiệm sự tê buốt của những thân phận lao động xa xứ. Quay phim trong tiết trời lạnh từ âm 6 đến âm 12 độ C, mà lại làm việc bên bờ biển với nhất nhiều cảnh đêm, cô đã phải dán chồng chéo nhiều miếng giữ nhiệt đến mức cơ thể bị bỏng nhẹ. Nhưng vượt qua tất cả, mới đây “Những cô gái bên bờ biển” đã được công chiếu ở Nhật, nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Bộ phim này cũng vừa giành giải “Phim hay nhất về nạn buôn người” tại Liên hoan phim Quốc tế Cairo.

“Tôi sinh ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân”

Hoàng Phượng sinh năm 1996, là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn. “Tôi sinh ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân” là câu văn dành cho Phượng.

Cô kể: “Ông bà, bố mẹ tôi đều làm nông, nên những việc nhà nông tôi đều trải qua và làm được đến mức “chuyên nghiệp”. Cũng chính bởi hiểu được công việc làm nông vất vả, mà ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã cố gắng nỗ lực học để được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vươn lên khỏi đói nghèo, rồi quay trở lại làm việc gì đó có ích trên chính mảnh đất lam lũ quê mình”...

Diễn viên quốc tế xuất sắc nhất làm mỳ ngô ảnh 1

Hoàng Phượng trong phim “Những cô gái bên bờ biển” (Along the sea)

Không thể kể hết những khó khăn của một cô gái tỉnh lẻ 15 tuổi đã xa gia đình, một mình xuống Hà Nội học cấp III, rồi học đại học. Nghĩ lại, Phượng bảo phải cảm ơn những khó khăn, thiếu thốn thời thơ ấu để có một Hoàng Phượng trưởng thành, mạnh mẽ và tự tin như bây giờ.

Hoàng Phượng đã tốt nghiệp khoa Đông phương học, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), từng đoạt danh hiệu “Hoa khôi học sinh thanh lịch” các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc năm 2014. Trước khi về quê khởi nghiệp, cô làm việc ở Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC với vai trò MC.

Trong khi công việc diễn xuất của Phượng đang được trải thảm đỏ thì thị trường phim ảnh đóng băng vì đại dịch. Không muốn bị động ngồi chờ, cô loay hoay tìm cách khởi động ước mơ từ thuở nhỏ: thoát nghèo và làm giàu cho quê hương. Những bước chân đầu tiên của cô trên con đường khởi nghiệp vẫn gắn chặt với đồng đất, với cây ngô, thứ cây từng nuôi lớn mấy chị em, cứu đói cho cả làng. Phượng muốn biến những hạt ngô được canh tác một cách hoàn toàn tự nhiên của bà con ở thôn Kép 1, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng trở thành những sản phẩm có thể mang ra thị trường thế giới.

Để thực hiện việc làm mì ngô một cách bài bản, Hoàng Phượng và chị gái lập ra Hợp tác xã Vietnam Napro, bản thân cô làm chủ tịch kiêm giám đốc.

Câu chuyện mì ngô

“Chúng tôi phải tự trồng và thu mua ngô trực tiếp từ bà con để có thể làm chủ vùng nguyên liệu ngô không biến đổi gien, ngoài ra các khâu nghiên cứu, chế biến, sản xuất cũng được thực hiện tại xưởng nhà. Rồi tới khâu ra mắt sản phẩm, kết nối siêu thị hay chủ động bán lẻ, xây dựng hình ảnh, tôi và chị gái đều tự làm hết. Đến thời điểm này, mì ngô Vietnam Napro được biết đến là bởi phía sau nó là một câu chuyện làm mì khó nhằn vô cùng. Hàng tấn ngô bỏ đi, ghi chép kín cả sổ mà "sợi dây kinh nghiệm" rút mãi chưa hết. Bố tôi phải nằm viện vì bị đứt gân bàn tay, một bên mắt suýt không nhìn thấy, em họ tôi bị thương trong quá trình thử nghiệm sản phẩm. Nhưng nếu để cho làm lại tôi nghĩ mình sẽ vẫn chọn con đường này. Bởi hành trình này đã cho tôi rất nhiều đam mê, niềm vui, hạnh phúc và rất nhiều những giá trị mà đến giờ tôi không tin mình có thể nhận được”, cô kể.

Diễn viên quốc tế xuất sắc nhất làm mỳ ngô ảnh 2

Chân dung Hoàng Phượng

“Tôi đã cố gắng nỗ lực học để được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vươn lên khỏi đói nghèo, rồi quay trở lại làm việc gì đó có ích trên chính mảnh đất lam lũ quê mình”.

Hoàng Phượng

Ở xưởng làm mì của Phượng, công nghệ không phải là thứ duy nhất. Chỉ có 2 loại máy được sử dụng là máy ép sợi và một máy trong phòng sấy lạnh. Còn lại các công đoạn khác từ tách vỏ, quạt sạch, vo đãi hạt, ủ bột... đều phải làm thủ công. Chính vì thế 1 mẻ mì mất đúng 1 tuần, thậm chí có đợt lên đến 9 ngày mới hoàn thành.

Nhớ lại những gian nan khởi nghiệp, Hoàng Phượng kể: Mẻ đầu tiên, ngô không ra sợi, chỗ sống chỗ chín. Bản chất ngô không kết dính được như gạo, cứ bở bùng bục. Nhìn 40 kg ngô cho ra thành phẩm không khác gì đá tảng, bố tôi bảo "ném trâu còn chết".

Cảm ơn quê nhà

Ngoài việc thu mua ngô ổn định cho bà con tại quê hương , tạo thêm việc làm cho người dân, hợp tác xã Vietnam Napro của Hoàng Phượng còn dành riêng một quỹ thiện nguyện có tên “Tô mì yêu thương”. Kinh phí hoạt động của Quỹ lấy từ lợi nhuận bán mì và được dùng để trồng cây bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan cho địa phương. Ngoài ra, Quỹ cũng sẽ trao tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó. “Đây thực sự là một ước mơ của chúng tôi từ khi còn nhỏ bởi chúng tôi là những đứa trẻ dân tộc thiểu số vươn lên trong nghèo khó”, Hoàng Phượng chia sẻ.

Nói thêm về dự án trồng cây, cô cho biết: Vừa rồi tôi đã nói chuyện với bác Chủ tịch xã về dự án trồng cây trên khắp các con đường làng. Rất mừng là dự án được chính quyền hưởng ứng nhiệt liệt. Gần 100 cây bằng lăng giống sẽ được trồng vào đúng dịp "Mùa xuân là Tết trồng cây" trong thời gian tới đây. Chúng tôi cũng dự định đây sẽ là hoạt động thường niên vào mỗi dịp Xuân. Hy vọng năm sau số lượng cây sẽ gấp 3 lần như này. Và cũng hy vọng tới đây, những ngày hoa nở đẹp nhất sẽ được đón khách đến xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, cùng thưởng bước trên những con đường bằng lăng, thưởng núi, thưởng mây...

Cả nhà lại lao vào cải tiến dần. Cuốn sổ ghi chép cứ dầy lên mỗi ngày. Món mì cũng dễ ăn hơn mỗi ngày. Đến tháng 7, tức sau gần một năm thử nghiệm với hơn một trăm lần thất bại và 5 tấn ngô bị đổ bỏ, Vietnam Napro đã tạo ra được những sợi mỳ mềm mịn, dẻo dai mà vẫn giữ được vị ngô thơm bùi.

Phượng bảo, vì đang trong giai đoạn đầu khởi nghiệp nên cô còn phải học rất nhiều bài học. Hiện cô vẫn đồng hành sát sao cùng hợp tác xã để ổn định sản xuất, đồng thời cùng chị gái nghiên cứu thêm những sản phẩm cao cấp mới từ cây ngô.

“Sau khi ổn định công việc kinh doanh, nếu còn duyên tôi cũng rất mong được tiếp tục với con đường diễn xuất, mang đến cho khán giả những vai diễn mới như chính cách tôi đang tự làm mới bản thân mình”.

MỚI - NÓNG