Sau thành công của bộ phim “Star Wars: The Last Jedi” (Star Wars: Jedi cuối cùng - 2017), nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt Kelly Marie Tran đã bất ngờ bị tấn công trên mạng xã hội. Những bình luận ác ý, kỳ thị đến từ những người không thích vai diễn của cô liên tục xuất hiện trên tài khoản mạng xã hội của Tran.
Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện của việc thích hay không thích một nhân vật điện ảnh, mà câu chuyện đã được báo chí Mỹ đưa ra như một trường hợp điển hình của những bất công, phân biệt đối xử với những diễn viên “thiểu số”, những diễn viên đại diện cho những nhóm cộng đồng dân cư thiểu số trong xã hội Mỹ.
Đã có nhiều tờ tin tức, nhiều bạn đồng nghiệp lên tiếng bênh vực Kelly Marie Tran, mặc dù vậy, nữ diễn viên 29 tuổi đã không tránh khỏi những khủng hoảng và vào tháng 6/2018, Tran đã xóa tất cả những đăng tải của mình trên trang Instagram sau nhiều tháng bị tấn công trên mạng bằng những bình luận tiêu cực hướng vào cô.
Sự việc đã khiến đạo diễn Rian Johnson, người dàn dựng “The Last Jedi”, lên tiếng chỉ trích những người đã tấn công tinh thần đối với Tran. Nhiều fan yêu thích loạt phim “Star Wars” cũng thể hiện sự ủng hộ dành cho Tran.
Đến cuối tháng 8 này, sau một quãng thời gian im lặng không có bất cứ phản ứng nào trước những gì đã xảy ra, lần đầu tiên Tran đã có một bài viết do chính cô thực hiện, đăng tải trên tờ tin tức New York Times (Mỹ) để bày tỏ thái độ của mình.
Bài viết đầy cảm xúc và mang nhiều ý nghĩa đã nhận được sự quan tâm lớn từ độc giả khi thu hút gần 400 lượt bình luận. Dưới đây là bài viết của nữ diễn viên Kelly Marie Tran trên New York Times. Bài viết có tiêu đề: “Tôi sẽ không gục ngã vì những quấy rối trên mạng”:
Vấn đề không phải là những gì họ viết về tôi, vấn đề là tôi đã bắt đầu tin vào những gì họ viết. Những gì họ viết ra đã khẳng định thêm cho trải nghiệm trưởng thành của những phụ nữ “thiểu số” như tôi, đó là tôi chỉ ở bên lề, ở khoảng trống, chỉ là nhân vật phụ.
Những lời họ viết ra đánh thức những điều thẳm sâu trong tôi, một cảm nhận mà tôi tưởng rằng mình đã thoát ra được. Đó là cảm nhận tôi đã có từ năm lên 9 tuổi, khi tôi ngừng nói tiếng Việt và bắt đầu chỉ nói toàn tiếng Anh, vì không muốn những đứa trẻ khác trêu chọc mình.
Tới năm 17 tuổi, khi ăn tối với bạn trai người da trắng và gia đình của cậu ấy, tôi đã gọi món bằng tiếng Anh một cách hoàn hảo, khiến cho người phục vụ bàn rất đỗi ngạc nhiên.
Tất cả những chuyện ấy chỉ khắc sâu thêm rằng tôi luôn khác với họ, tôi không thuộc về cùng một cộng đồng với họ, tôi không đủ ấn tượng, giỏi giang, chỉ bởi tôi không giống họ.
Cảm giác đó, giờ tôi đã nhận ra, nó giống như nỗi xấu hổ, vì tôi khác biệt, vì tôi đến từ một nền văn hóa khác.
Từ những trải nghiệm của mình, tôi hiểu rằng mình tồn tại chỉ để làm nền, thậm chí thường gắn với những công việc như làm móng cho họ, chăm sóc sức khỏe cho họ. Và có lẽ điều gây tổn thương nhất chính là chờ đợi họ đưa lại cơ hội cho mình.
Trong một thời gian dài, tôi đã tin vào những suy nghĩ ấy. Tôi đã bắt đầu tự đổ lỗi cho mình và muốn thay đổi những gì vốn dĩ thuộc về mình. Trong những tháng qua, tôi đã rơi xuống đáy sâu của sự tự căm ghét chính mình, tự giằng xé chính mình và đặt những lời lẽ thù ghét, kỳ thị lên cao hơn giá trị bản thân.
Đó cũng chính là lúc tôi nhận ra mình đã bị lừa dối. Tôi đã bị tẩy não vì chính những lời thù ghét ấy, khiến cho bản thân tin rằng sự tồn tại của mình giới hạn trong khuôn khổ những gì được người khác ủng hộ, tán dương. Rằng tôi chỉ xinh đẹp nếu người khác cũng thấy thế.
Chính khi nhận ra những điều này, tôi cảm thấy một nỗi xấu hổ khác, không phải về bản thân mình, mà về cách chúng ta thường hay đối xử với những người khác mình.
Tôi không phải người duy nhất trưởng thành với những trải nghiệm đáng buồn như vậy. Tôi khao khát được sống trong một thế giới nơi phụ nữ không bị phán xét vì diện mạo, vì hành động của họ. Tôi muốn sống trong một thế giới nơi mọi người thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, đẳng cấp, giới tính, và năng lực đều được nhìn nhận công bằng là những-con-người.
Đó là thế giới mà tôi vẫn đang hướng đến, cũng là những suy nghĩ vẫn thường xuất hiện trong đầu tôi mỗi khi tôi nhận một kịch bản hoặc mua một cuốn sách. Tôi biết cơ hội được trao cho mình rất ít. Và tôi phải kể ra câu chuyện này để nó được lắng nghe, đó là điều quan trọng. Tôi sẽ không bỏ cuộc.
Có thể các bạn chỉ biết tên tôi là Kelly.
Rằng tôi là người phụ nữ đầu tiên không thuộc nhóm nữ diễn viên da trắng mà lại có một vai diễn quan trọng trong seri “Star Wars”.
Rằng tôi là phụ nữ gốc Á đầu tiên xuất hiện trên trang bìa Vanity Fair.
Và tên thật của tôi là Loan nhé. Tôi mới chỉ bắt đầu chặng hành trình của mình thôi.