Sơ đồ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. Ảnh: Internet. |
Đột phá
Ngày 7 - 6, Steve Jobs, Tổng giám đốc của Apple, đã khai trương dịch vụ đám mây (iCloud) đình đám tại San Francisco (Mỹ). Gói dịch vụ miễn phí này hoạt động xuyên suốt trên các ứng dụng của iPhone, iPad, iPod Touch, Mac hay PC.
Với dịch vụ này, ổ cứng máy tính trở nên vô dụng. Mọi dữ liệu của người sử dụng như ảnh chụp, các file nhạc, các cuốn sách điện tử... đều được tung lên một đám mây điện tử và lưu trữ tự động tại đó. Dễ hiểu hơn, nếu trước đây người ta mất 5G ổ cứng để lưu toàn bộ kho dữ liệu trên thì nay ổ cứng chỉ để làm cảnh. Đám mây điện tử đã làm thay nhiệm vụ này. Người dùng có thể tải không dây các dữ liệu xuống thiết bị của mình.
Cũng không còn chuyện phải cắm thiết bị vào máy tính để cập nhật. Các chương trình sẽ tự cập nhật thông qua kết nối không dây. Người sử dụng các dòng sản phẩm Apple chạy iOS (bao gồm iPad, iPhone và iPod Touch) hoặc máy tính Windows cài iTunes có thể được thử nghiệm ngay công nghệ này.
Apple cũng cho biết đã hoàn thành trung tâm dữ liệu trị giá một tỷ USD cho dịch vụ iCloud tại Bắc Carolina (Mỹ). Các dữ liệu như danh bạ, mail, nhạc trên iTunes, ảnh, ứng dụng và các thông tin khác sẽ được đồng bộ hóa tại đây.
Chuyên gia công nghệ thông tin đánh giá, đây là bước đột phá về công nghệ, đưa các thiết bị cầm tay như iphone, ipad lên ngôi khi người dùng không còn bị lệ thuộc vào các thiết bị lưu trữ nặng nề thường đi kèm với PC (máy tính cá nhân).
Dịch vụ đám mây ở Việt Nam
Tại Việt Nam, cách đây ít lâu, không ít doanh nghiệp vẫn còn mù mờ về điện toán đám mây nhưng nay lại hào hứng tham gia mô hình này. Điện toán đám mây được dự báo sẽ trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi công nghệ điện toán đám mây ở Việt Nam vào năm 2015.
FPT mới đây đã hợp tác với Microsoft xây dựng trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây và sẽ cung cấp dịch vụ này trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam.
Chia sẻ về lợi ích của điện toán đám mây, ông Nguyễn Huy Cương, Tổng giám đốc của Tinh Vân Consulting, cho rằng, doanh nghiệp không cần tập trung quá nhiều cho cơ sở hạ tầng, như đầu tư hệ thống máy chủ với hàng trăm máy tính, hoặc nâng cấp ứng dụng; không đòi hỏi nguồn nhân lực lớn vận hành hệ thống.
Doanh nghiệp chỉ cần tập trung sản xuất và đã có các dịch vụ đám mây chịu trách nhiệm về cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Chi phí dựa trên số lượng tài nguyên mà doanh nghiệp khai thác.
Theo ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm&Nội dung số Việt Nam (NISCI), điện toán đám mây hội tụ đủ những lợi thế về tốc độ, chi phí lưu trữ, kiến trúc dịch vụ cũng như tạo nền tảng cho rất nhiều dịch vụ công nghệ thông tin khác.
Các bước đi của một số tập đoàn lớn trong ứng dụng điện toán đám mây cũng là bước khích lệ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây, Coca-Cola ký thỏa thuận đưa tất cả tài khoản e-mail của họ (khoảng 75.000) lên dịch vụ trực tuyến Microsoft Exchange Online. Tuy nhiên, chưa doanh nghiệp nào ở Việt Nam dám làm như vậy.
Ông Nguyễn Thanh Sơn- Tập đoàn Cisco Systems Việt Nam thừa nhận, vấn đề chính sách, đường truyền băng thông và nhận thức của doanh nghiệp là những thách thức lớn nhất với công nghệ mới này. Với các rào cản kỹ thuật, điều kiện an toàn thông tin hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc có nên chuyển từ giao thức cũ sang điện toán đám mây hay không.
Một số doanh nghiệp cho biết đã và đang sử dụng để làm quen các dịch vụ đám mây miễn phí như Google Apps, nhưng vẫn cần thời gian để tìm hiểu nhiều hơn lợi ích cũng như rủi ro về an toàn dữ liệu. Trong một hội thảo về điện toán đám mây mới đây, ông Lê Đức Quyết, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới Vận tải, vẫn còn e ngại khi đưa những thông tin liên quan đến tài chính của công ty lên dịch vụ điện toán đám mây vì không biết được dữ liệu của mình ở đâu đó trên mạng. |