Điện thoại vẫn réo

Minh họa: Huỳnh Ty
Minh họa: Huỳnh Ty
TP - Nghe sếp chửi rát tai, doanh số bán hàng ba tháng liền sụt hơn hai mươi phần trăm, lương tụi tôi sụt theo. Di động cứ rung tít trong túi, tôi đợi họp kết thúc mới kiểm tra máy. Thì ra Bình “toong”. 

Cái thằng vốn không biết trên dưới là gì mà chẳng hiểu sao bố tôi dùng nó. Nó tốt nghiệp đại học Thương mại, làm ở sở Công Thương một thời gian thì bỏ việc, chạy xe ôm. Ai cũng chê nó dở người. Bố tôi giao nó trông nom ba đứa trẻ mồ côi mà ông bảo trợ.

- Mày có gì gửi cho ba nhóc không?- Bình “toong” hỏi luôn không cần rào đón.

- À, - Tôi gãi gáy - Để tao hỏi vợ đã.

- Mày thối bỏ mẹ. Không lo được thì nói toẹt ra, lại bày trò kéo con vợ vào để hẩy tội cho nó. Tám tháng nay mày trốn trách nhiệm. Ông già biết hết, ông sẽ không để mày yên.

- Ơ hay cái thằng này! Mày là bố tao chắc!

Điên tiết, tôi cắt máy. Đời tôi là cái chó gì vậy, mà từ thằng xe ôm, tới thằng sếp, thằng nào cũng cho mình cái quyền chửi tôi?

Chuyện cắt trợ cấp là do vợ tôi chứ. Nàng nói thu nhập vợ chồng không đủ chi trong nhà, sao giúp người khác được, dù là lúc ấy, tôi có chảy nước mắt hứa với bố tôi đi chăng nữa.

Tôi bực bội điện thoại về nhà. Máy bận. Tôi đành gọi số di động của vợ.

- Em buôn chuyện với ai mà dai hơn đỉa? - Tôi gắt - Anh gọi số nhà ngàn lần máy đều bận.

- Em đang bận cơm nước hầu hạ mấy bố con nhà anh, thời giờ đâu mà buôn với bán! - Nàng cao giọng.

- Thu xếp gửi “hàng” cho ba đứa nhỏ đi? - Tôi xuống giọng - tám tháng nay không gửi gì cho tụi nó, tội nghiệp.

- Để em xem nhà có gì bán đi không đã - vợ tôi vóng vót.

- Này, em kiểm tra máy điện thoại nhà mình có bị để kênh không nhé. - Tôi chán nản nói rồi ngắt máy.

Tôi muốn gọi ai đó tới bia hơi Hải xồm để xả. Gọi thằng nào bây giờ, Bình “toong” ư? Lần trước tôi đã gọi nó. Nó ra ngay, nhưng khi hỏi tôi có gì cho ba nhóc không, tôi nói không, thì nó bèn nốc nốt ly bia, dằn dỗi: “Tao về đây. Hôm nay uống không vào. Nói thật nhé, tao với mày xách dép cho ông già không xong. Thực ra, tụi mình là một lũ hèn, hèn một cách toàn diện, triệt để và sâu sắc”.

Tôi uống bia một mình.

* * *

Tôi chếnh choáng leo ba tầng cầu thang tối như hũ nút ở khu tập thể Nhà máy Dệt Kim, nặc mùi mốc, bụi và mồ hôi người lưu cữu, thêm hơi thở nồng men bia nặng nề của chính mình. Đẩy cửa bước vào căn hộ, bỗng điện thoại cố định ré lên như phải bỏng. Hàng Tàu mà. Tôi khựng lại. Vợ tôi từ bếp lật đật chạy ra.

- A lô! - Tiếng nàng choi chói.

Tôi chắt lưỡi, lắc đầu, dợm bước vào toilet. Tôi cần xả bớt nước trong bụng.

- Cứ nhấc máy lên là chả thấy tín hiệu gì nữa - Vợ tôi giận dữ dập máy điện thoại, càu nhàu - Điên! Em đã bảo anh mua cái điện thoại nào xịn xịn tý về thay mà chả thấy anh động tay động chân. Khôn hồn chớ rước đám hàng Tàu về nhà.

Hừ. Nàng bắt đầu ăn nói lớn giọng, làm như tôi là con nàng không bằng. Tôi không thèm nói, bước vào toilet. Nàng nắm tay áo tôi kéo lại.

- Chuyện này thật quái đản. Cuối chiều nào cũng có điện thoại như thế. Ai gọi thế không biết?

- Em hỏi anh thì anh biết hỏi ai? - Tôi gỡ tay vợ ra, đóng cửa toilet.

* * *

Tôi gắng mở mắt, cảm thấy ân hận. Tôi vừa gục đầu nghe bố mệt mỏi trách móc chuyện không lo tròn trách nhiệm với ba nhóc. Ông nằm đó, trên cái giường sắt trải ga trắng nhàu nhĩ của bệnh viện Việt Xô, thỉnh thoảng khẽ nhăn mặt cố chịu đựng những cơn đau từ khối u quái ác cứ ngày một dày hơn lên.

Trên cao, cái quạt trần đang hết tốc lực quay vù vù như trực thăng cất cánh, cố gắng đến tuyệt vọng xua đi cái ngột ngạt oi nóng buổi trưa mùa hạ. Sao giờ này bố không lo cho bố mà cứ lo hoài cho người khác vậy?

Tôi xoay đầu sang trái rồi sang phải. Muốn thoát khỏi chiều không gian khó chịu đựng ấy. Ánh sáng mờ mờ cố xiên qua rèm cửa sổ cũ, ngả màu cháo lòng. Nghe tiếng tivi, tiếng vợ hò hét giục cu Bu dậy ăn sáng, đi học, xen tiếng nước chảy trong bồn rửa. Người tôi mỏi rã, ê ẩm và cơn buồn chán đầy lên tận óc. Tôi không muốn đi làm.

Đến cơ quan trễ nửa tiếng. Hai tách cà phê đặc trên phố lôi tôi trở về thực tại. Làm thế nào đẩy doanh số bán hàng lên? Tôi lập kế hoạch đi công tác tỉnh, tới các đại lý xốc lại tinh thần.

Máy di động sáng lên dãy số lạ. Khách hàng mới của công ty? Tôi vồ lấy điện thoại.

- A lô, Tường “Thép Việt” nghe đây?

- Có phải cháu Tường, con bố Đồng không? - Giọng lạ hồ hởi.

- Vâng. Xin lỗi, cháu đang hân hạnh nói chuyện với ai đó?

- Chú Phùng đây, lính cũ của anh Đồng.

- Dạ. Chú khỏe không?

- Khỏe! Hôm nào rảnh ta gặp nhau trò chuyện lâu. Giờ đang gấp, chú nói vắn tắt. Chú đang nắm một nguồn vốn cần đầu tư vào các dự án bệnh viện. Cháu tìm ngay một dự án có giấy phép, đất sạch, chỉ thiếu vốn thực hiện. Ta chắp nối. Nếu thành công, cháu sẽ có phần.

Tôi thấy máu chạy rần rật. Gì chứ việc này thì tôi khoái lắm.

- Vâng, cháu sẽ tìm luôn.

- Cháu lưu số di động của chú. Có thông tin lập tức báo ngay! – Chú Phùng vội vã ngắt máy.

Tôi trân trân nhìn di động. Hình ảnh chú Phùng cao lòng khòng, lưng hơi gù, tóc bạc trước tuổi, trợ lý cho bố tôi hồi ông giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư.

Khi bố tôi bật khỏi vị trí ấy, chú Phùng nghỉ việc vào Nam làm ăn. Bố tôi kể chú mở công ty tư vấn luật. Hơn chục năm rồi tôi mới nghe tiếng chú. Trước kia, chú thường tới nhà nhậu với bố tôi dịp cuối tuần.

* * *

Bước vào nhà, tôi thấy sàn nhà ướt, sực mùi hương hoa nhài nhân tạo. Chắc vợ tôi vừa tổng vệ sinh nhà cửa. Tôi nhăn mặt, bật quạt, mở cửa sổ.

- Anh mua điện thoại mới chưa? - Nàng hỏi, ngẩng mặt lên từ đám rau muống nhặt dở.

Tôi vò đầu bứt tai, lảng chuyện:

- À, cuối chiều nay có thấy ai gọi đến nữa không?

- Chưa đâu. Anh ngồi đấy mà chờ. - Nàng ngúng nguẩy ném rau vào nồi luộc.

Tôi rất bực việc nàng cắt trợ cấp cho ba đứa trẻ, nhưng lý nào trách được.

“Bố không làm từ thiện theo phong trào. Bố chọn những đứa trẻ có thiên hướng tài năng để giúp đỡ, sau này lớn lên, chúng sẽ dùng tài năng làm việc có ích cho xã hội. Những người như vậy quý hiếm lắm con ạ. Còn loại người sau này thành rác rưởi của xã hội, bố không bao giờ cho chúng một xu!”- Bố giải thích khi tôi chất vấn ông chuyện chi tiền hàng tháng hỗ trợ ba đứa trẻ.

- Sáng nay, bỗng dưng chú Phùng người quen cũ của bố gọi điện cho anh – Tôi kể với vợ.

- Có phải chú Phùng trợ lý? - Vợ tôi quay ra hỏi - Tại sao chú ấy nhớ ra anh?

- Chú kéo anh vào một vụ làm ăn.

- Ghê nhỉ - Vợ tôi mỉm cười, nụ cười hiếm hoi nàng dành riêng cho tôi mỗi khi nàng thấy hơi tiền. - Để xem lộc lá ông nội còn không.

Xem ra áy náy, nàng rót cho tôi ly nước, bảo:

- Em vận động bạn bè gom được ít quần áo, hơn triệu bạc, anh gọi Bình “toong” đến lấy rồi chuyển cho ba đứa nhỏ.

Mở cờ trong bụng, tôi rút di động, tìm số Bình “toong”. Bỗng cái điện thoại Tàu ré lên chói lói.

- A lô - Tôi thoáng lo rằng người ở đầu dây bên kia lại chơi khăm.

- Mày đấy à? - Bình “toong” sủa ra từ cái điện thoại Tàu - Tao chưa nói xong mà mày đã dập máy là sao? Bảy giờ sáng mai tao tới nhà mày lấy “hàng” cho ba nhóc nhé?

Đầu óc quay mòng mòng, tôi hắng giọng:

- Ừm, đồng ý. Còn bây giờ mày trả lời tao hai câu hỏi.

- Hỏi nhanh?

- Thứ nhất: Tao còn chưa kịp gọi điện cho mày, thì tại sao mày đã mắng tao là dập máy khi mày chưa nghe thủng? Thứ hai: Làm sao mày biết có “hàng” cho tụi nhỏ?

- Ơ hay, chính mày vừa gọi cho tao, hồ hởi báo là có “hàng” rồi còn gì. Tao còn chưa kịp khen mày một câu thì mày đã dập máy luôn.

- Tao gọi á? - Tôi chợt dựng tóc gáy - Bằng máy nào?

- Thì bằng cái máy mà tao với mày đang nói chuyện đây này. Vì thế tao mới gọi lại máy cố định nhà mày chứ. Thằng khùng! Uống bia lắm quá đâm lẫn. Tiền bia để hỗ trợ cho ba nhóc có phải hơn không.

Tôi né đầu, trân trân nhìn vào ống nghe điện thoại Tàu. Giọng Bình “toong” vẫn lẹt xẹt phát ra từ đó, khô và rít như tiếng bàn chải cọ sắt rỉ.

* * *

Tám tháng sau, món tiền đầu tiên từ vụ làm ăn với chú Phùng đã chảy về tài khoản của tôi. Bệnh viện tư nhân của thằng bạn học cấp ba của tôi đang khát vốn, giờ bắt đầu san lấp mặt bằng. Mừng không tả xiết, rủ mấy đứa bạn nhậu đi uống lu bù xong, tôi tạt qua siêu thị điện tử,mua cái điện thoại bàn xịn nhất, rồi dông thẳng về nhà.

- Anh mua điện thoại mới rồi đây - Tôi hồ hởi khoe.

Vợ tôi nguýt dài:

- Em “khóc” cả năm anh mới chịu thay điện thoại. Vừa nãy điện thoại Tàu lại réo điếc tai. Em chẳng thèm nhấc máy.

- Sao em không nhấc máy? - Tôi rút dây nguồn điện thoại cũ cắm vào điện thoại mới - Nhỡ có ai cần gọi nhà mình thì sao?

- Ôi giời - Vợ tôi xì ra - Chẳng ai gọi đâu. Điện thoại chập mạch thì có.

Chiều nào nó cũng réo inh ỏi. Em mất công chạy ra nhấc máy, a lô xong lại chẳng có tín hiệu gì. Chỉ muốn phát điên. Hy vọng thay điện thoại mới sẽ không bị làm phiền như thế nữa.

Tôi đặt điện thoại mới xuống bàn, ngắm nghía. Điện thoại đắt tiền có khác, màu đen sang trọng với nút bấm số ánh bạc nổi bật.

- Reng…

Có cuộc gọi đến. Vợ tôi từ bếp hỏi vọng ra:

- Anh thử chuông phải không? Nghe êm ái hơn hẳn.

- Anh không thử. Có cuộc gọi đến đấy chứ.

Tôi cẩn trọng nhấc ống nghe lên, hắng giọng “e hèm”.

Từ đầu dây, một giọng quen quen cất lên.

- Cho tôi gặp ông Đồng.

Tôi tròn mắt nhìn điện thoại. Rồi tôi muốn đùa tí chút.

- Ông Đồng á? Tôi cũng muốn gặp ông ấy đây, nhưng khó quá.

- Cháu Tường phải không? Chú Phùng đây. Sao giọng cháu khác thế?

- Cháu á? Có lẽ cháu hơi quá chén, lãnh thưởng của chú nên cháu đi nhậu - Tôi giải thích - Mà chú vừa nói gì nhỉ, cháu nghe chưa rõ.

- Lúc nãy chú gọi cháu vào số di động nhưng không được, mới gọi điện về nhà để gặp bố cháu, nhờ bố cháu nói với cháu là món tiền chia cho bố cháu sẽ được chuyển vào tài khoản của cháu ngày mai theo yêu cầu của ông ấy. Vậy bố cháu đâu, cho chú nói chuyện một lát.

Tai tôi ong ong:

- Xin lỗi chú, đầu cháu hơi váng vất. Chú vừa nói cái gì mà chuyển khoản cho bố cháu với lại gặp bố cháu? Chú giải thích rõ ràng hơn được không?

- Việc này cháu hỏi bố sẽ rõ ngay. Bố cháu chưa nói gì với cháu sao?

Tôi dựng tóc gáy.

- Chú Phùng! Chú nghe rõ không? Bố cháu mất cách đây năm năm rồi!

Giọng tôi nghẹn lại.

- Tường, cháu tỉnh táo đấy chứ. Cháu bảo là bố cháu chết rồi hả? Sao lại thế được? Cuối chiều nào ông ấy cũng gọi điện bàn chuyện làm ăn với chú, bằng chính số điện thoại cố định này. Ông mách chú một số vụ ngon ăn lắm.

Tôi run rẩy, đánh rơi ống nghe chiếc điện thoại mới. Vợ tôi đã đứng đó từ lúc nào, nàng nhặt ống nghe lên, đặt trở lại điện thoại. Mắt nàng nhìn tôi dò hỏi. Tôi không thể nói gì lúc này. Tôi cần trấn tĩnh.

Vừa dướn người đứng lên khỏi bàn điện thoại, tôi giật nảy mình khi nghe tiếng điện thoại réo lên chói tai. Chiếc điện thoại cũ của Tàu, tôi đã tháo dây nguồn rồi mà, sao nó vẫn ré lên.

Tôi nhìn vợ cầu cứu. Mặt nàng đã tái nhợt.

* * *

Cố trấn tĩnh, tôi bảo vợ:

- Em thử nhấc cái máy Tàu lên xem…

- Không - Vợ tôi thì thào, lùi ra xa - Anh đi mà nghe.

Cái điện thoại Tàu vẫn ré lên trêu ngươi. Không thể thế được, có cả vợ tôi ở đây cơ mà. Tôi tiến lại, cầm ống nghe.

- A lô. - Tôi dè dặt nói vào ống nghe.

- Tường à, sao mãi mới nhấc máy vậy? - giọng xe ôm Bình “toong” rõ ràng bên kia đầu dây - Tao có chuyện lạ cần nói với mày.

Tôi bỏ ống nghe ra, nhìn lại. Không có dây cắm, tôi không mơ ngủ mà. Giọng Bình “toong” bắn ra gấp gáp, tôi áp tai nghe tiếp:

- Tao vừa gặp ba nhóc. Chúng nói trợ cấp của ông già bị cắt ba tháng. Rồi sau đó một chú xe ôm khác đều đặn mang “hàng” đến cho chúng nó. Xe ôm ấy cũng nói đó là trợ cấp của ông Đồng. Thế là chúng nó cứ nhận. Tao thực sự không hiểu chuyện này.

- Mày gọi từ máy điện thoại nào thế? - Tôi rón rén hỏi.

- Từ máy di động của tao - Bình đáp - Tao vẫn còn ở chỗ đứa lớn nhất đây.

- Mày hỏi nó xe ôm kia tên gì, ở đâu, có địa chỉ hay số điện thoại không? - Tôi hỏi dồn.

- Được, tao sẽ hỏi.

Bình “toong” ngắt máy. Tôi se sẽ để cái điện thoại Tàu bên cạnh điện thoại mới. Người tôi chưa hết run. Quay lại. Vợ tôi đang há hốc miệng nhìn cái điện thoại Tàu. Chắc nàng cũng như tôi, lo sợ nó sẽ ré lên bất cứ lúc nào.

- Làm thế nào bây giờ? - Nàng khe khẽ hỏi.

- Hay là… vứt cái điện thoại cũ này đi. - Tôi lau mồ hôi trán.

- Em không biết. - Nàng ngập ngừng - Nhưng mấy chuyện xảy ra vừa rồi, đều tốt cả. Bọn trẻ được trợ cấp, anh thì vừa trúng một vụ làm ăn…

- Thôi, ghê lắm! - Tôi xua tay - Rõ ràng là ông già đã chết rồi mà. Và dù có thế nào đi nữa, thì ông cũng không nên thò tay điều khiển cuộc sống của chúng ta chứ.

* * *

Để tránh bị điện thoại Tàu điều khiển, tôi email chú Phùng, đề nghị chú bay từ Nam ra Hà Nội gặp riêng tôi và Bình “toong” để ba mặt một nhời về chuyện của ông già.

Hai ngày sau, một buổi chiều giông gió, bụi cuốn mù mịt, Hà Nội tối sầm, sưng sỉa, ba chú cháu gặp nhau tại một quán cà phê.

- Tại sao khi bố mất, cháu không báo chú một câu? - Chú Phùng trách tôi ngay khi vừa ngồi xuống bên bàn cà phê.

- Cháu báo một số người quen của bố - Tôi gãi gáy - Nhưng không hiểu sao lại quên chú. Cháu thành thực xin lỗi.

- Hừ - chú Phùng thở dài - Không ngờ anh ấy mất đột ngột thế. Chú vẫn không tin được. Đến giờ còn gai hết người. - Chú giơ tay cho chúng tôi xem lớp gai ốc nổi sờn lên trên cánh tay rám nắng.

Tôi rùng mình, như phản ứng dây chuyền, gai ốc cũng nổi cả lên.

- Anh Đồng hay gọi điện cho chú mỗi cuối chiều, vào khoảng mười bảy giờ ba mươi. Bàn chuyện làm ăn là chủ yếu. Anh ấy nói muốn có thêm chút tiền. Chú hỏi anh cần tiền làm gì, anh ấy nói cần giúp đỡ ba nhóc mồ côi…

- Đúng là có việc bố cháu trợ cấp ba đứa nhỏ từ trước khi ông mất. Sau đó cháu đứng ra lo, nhưng thú thực với chú là năm qua cháu làm ăn khó khăn, nên đành tạm dừng trợ cấp. - Tôi giải thích, rồi chỉ sang Bình “toong” - Thằng này có nhiệm vụ hàng tháng mang hàng cho ba nhóc.

- Mấy hôm nay bố cháu… - Tôi ngập ngừng - Ý cháu là chú còn nhận được cuộc gọi cứ cho là của bố cháu không?

- Chưa - Giọng chú Phùng bâng khuâng - Chú rất nhớ anh ấy. Kể từ hôm chú chủ động gọi về số điện thoại nhà cháu, và chính cháu nhấc máy, rồi nói bố cháu mất cách nay năm năm, thì chú chưa nhận thêm cuộc gọi nào kiểu đó nữa.

- Còn việc gửi trợ cấp cho ba đứa nhỏ trong mấy tháng qua, có phải là chú Phùng gửi không? - Bình “toong” giờ mới lên tiếng, mắt nó sáng lên. - Cháu lấy được số điện thoại của xe ôm kia, gọi điện hỏi thì hắn nói làm theo yêu cầu của ông tên Phùng.

- Ừ - chú Phùng rút một điếu thuốc, nói - Anh Đồng có nhờ chú, rằng món tiền chia cho anh từ vài vụ làm ăn lẻ tẻ do anh ấy mách mối, chú cứ việc gửi dần cho tụi nhỏ mà anh bảo trợ. Chú không ở Hà Nội, nên đã nhờ một xe ôm quen. Chỉ có điều…

- Sao hả chú? - Tôi sốt ruột hỏi.

- Phi vụ bán tháo vàng, đất mà bố cháu tư vấn cho chú được quyết định đúng thời điểm. Tụi chú bán được giá cao trước khi hai loại này rớt giá thảm hại. Giờ thì tụi chú lại mua vào. Bên chú lãi nhiều, quyết định tặng bố cháu hai tỷ đồng. Số tiền lớn, nên bố cháu nói chuyển vào tài khoản của cháu để cháu lấy vốn làm ăn. Bố cháu còn nói thêm, là dạo này cháu làm ăn kém, chú nên kéo cháu vào cùng làm mấy vụ bên chú.

- Ôi, bố! - Tôi ôm đầu. Mưa bắt đầu rơi xối xả, buông lớp màn trắng mờ xuống khu phố. Tôi muốn khóc xối xả hơn thế. Bố ơi! Con là thằng hèn!

* * *

Từ đó, tôi cùng Bình “toong” đều đặn chuyển trợ cấp, thăm nom ba đứa nhỏ. Vợ chồng tôi vẫn để cái điện thoại Tàu ở chỗ cũ. Mỗi khi muốn gọi đi đâu, chúng tôi dùng điện thoại mới mua.

Cái điện thoại Tàu thỉnh thoảng vẫn ré lên vào cuối chiều, nhưng chúng tôi thống nhất với nhau không nhấc máy lên nghe nữa, có lẽ ông già đang gọi đi đâu đó tán chuyện với bạn cũ. Chúng tôi để ông tự do. Nỗi nhớ bạn bè cũ thì đâu có hại gì.

Điện thoại vẫn réo ảnh 1Đằng sau câu chuyện một chiếc điện thoại rởm cũ - phương tiện để một ông bố quá cố tiếp tục bao bọc cuộc sống của người con trai, là những kiếp sống vật vờ thụ động, thậm chí có bóng dáng của một nền kinh tế mánh mung, cơ hội. Điểm sáng, nhưng cũng là một ẩn dụ - những mánh mung này lại được dùng (một phần) để từ thiện.

Thế nên có thể nói, truyện ngắn dưới đây đã vượt quá một câu chuyện kinh dị thông thường. 

L.A.H

Truyện ngắn của Kiều Bích Hậu

MỚI - NÓNG