BS. Nguyễn Văn Hưng - Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết, bệnh nhân là Vũ Minh G. (17 tuổi, quê ở Vụ Bản, Nam Định). Bệnh nhân nhập viện lúc 14h ngày 13/1/2019 trong tình trạng kích thích, bàn tay dập nát rất đáng sợ và chưa được sơ cứu gì.
Ngay lập tức các bác sĩ đã vệ sinh vết thương sạch sẽ, băng bó, giảm đau cho bệnh nhân.
Trước đó, theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khi cháu G. đang nằm trên giường, vừa dùng điện thoại vừa sạc thì có tiếng nổ lớn. Sau khi tai nạn xảy ra, người nhà đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Nhận định về ca bệnh này, bác sĩ Hưng cho hay, toàn bộ bàn tay, ngón tay của bệnh nhân bị nát tươm, rơi lìa các ngón tay khiến bệnh nhân cụt ngón tay.
Trường hợp này, bệnh nhân bị tổn thương dập nát, không còn khả năng nối liền chi, khác với các vết thương cắt lìa là có thể vi phẫu nối lại được. Do đó, bệnh nhân sẽ bị mất các ngón tay vĩnh viễn, mất chức năng bàn tay.
Trước khi phát nổ, điện thoại thường có những dấu hiệu này:
Máy điện thoại bỗng dưng quá nóng
Bị rơi hay va chạm mạnh
Điện thoại nóng dần khi đang sạc
Sử dụng pin kém chất lượng
Sử dụng sạc kém chất lượng
Người dùng cần làm gì để bảo vệ mình?
Dừng sạc khi smartphone có dấu hiệu quá nhiệt: hãy để cho smartphone hạ nhiệt trước khi sạc trở lại và đảm bảo, bạn không dùng vỏ bảo vệ khi sạc để nhiệt trên máy dễ thoát ra ngoài.
Dùng sạc chính hãng: Nên dùng cục sạc đi kèm theo máy để đảm bảo máy nhận đúng dòng điện. Nếu dùng smartphone với cổng USB-C hoặc công nghệ sạc nhanh, tốt nhất nên sử dụng cả cáp có sẵn theo máy.
Không sạc máy trên giường: Người dùng có thói quen xem video hoặc đọc tin tức trước khi đi ngủ, sau đó sạc máy qua đêm. Sẽ tương đối nguy hiểm nếu máy gặp vấn đề khi người dùng đi ngủ. Việc đặt máy trên gối khi sạc càng gây nguy hiểm bởi máy không thể thoát nhiệt.