Ngày 28/3, ông Nguyễn Văn Gẩm - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh - cho biết việc đổi tên thị trấn Diên Khánh thành phường Phú Thành chỉ đang đề xuất. Theo quy định, việc sáp nhập xã, chuyển thị trấn thành phường và đổi, đặt tên mới còn phải trình lên các cơ quan lãnh đạo của huyện và tỉnh xem xét; nếu không được chấp thuận, thống nhất thì còn phải làm lại, trình lại.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính của huyện Diên Khánh cũng chỉ mới ở bước lập quy trình để trình lên các cấp xem xét và còn phải thực hiện nhiều bước nữa. Đến nay, huyện vẫn chưa thống nhất chọn tên mới nào cho thị trấn Diên Khánh để trình”, ông Gẩm nói.
Di tích Thành cổ Diên Khánh (thị trấn Diên Khánh) đã tròn 230 tuổi. |
Một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nắm thông tin về việc UBND huyện đang làm tờ trình trình cơ quan chức năng về việc thống nhất đổi tên gọi sau khi sáp nhập xã và tên gọi mới của thị trấn Diên Khánh.
“UBND huyện Diên Khánh chưa có báo cáo, tuy nhiên nếu quy trình sáp nhập, đổi tên thực hiện chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa phù hợp tỉnh sẽ yêu cầu giải trình”, vị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói.
Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 25/3, huyện Diên Khánh có cuộc họp thành viên UBND huyện cùng chủ tịch UBND các xã Diên Đồng, Diên Xuân và thị trấn Diên Khánh để thống nhất tên gọi của xã mới và thị trấn khi trở thành phường. Theo kết luận của cuộc họp đã thống nhất tên gọi của xã mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 xã Diên Đồng, Diên Xuân là Đồng Xuân; tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường là Phú Thành.
Ngay khi thông tin này được lan truyền đã nhận nhiều ý kiến phản đối. Phần lớn người dân cho rằng quyết định này là chưa hợp lý khi xóa bỏ tên gọi có hàng trăm năm gắn liền văn hóa, lịch sử của vùng đất Diên Khánh.
Diên Khánh trước đây là vùng đất của phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Năm 1832, trấn Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa, gồm 2 phủ và 4 huyện, trong đó có phủ Diên Khánh.
Năm 1793, sau khi chiếm được Diên Khánh từ nhà Tây Sơn, Chúa Nguyễn Ánh đã cho xây dựng trên vùng đất khi ấy còn heo hút một căn cứ quân sự và khu dân cư, được vây quanh bởi một tòa thành. Thành Diên Khánh rộng khoảng 36.000 m², hiện vẫn còn 4 cửa và đã được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1988.
Thị trấn Diên Khánh được thành lập vào ngày 30/9/1981 trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của xã Diên Thủy và một phần diện tích, dân số của các xã Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên An, Diên Sơn và Diên Điền. Ngày 22/9/2010, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 854/QĐ-BXD về việc công nhận thị trấn Diên Khánh là đô thị loại IV.