Quân nổi dậy đang bao vây thị trấn Bani Walid. Ảnh: Getty Images. |
Từ ngày 15-2 đến 19-2: Các cuộc biểu tình diện rộng đã bùng phát tại nhiều thành phố của Libya, gồm cả thủ đô Tripoli, Benghazi, yêu cầu chấm dứt 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Xung đột đã xảy ra giữa những người biểu tình với cảnh sát.
Ngày 26-2: Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua một nghị quyết cấm vận Libya gồm cả cấm vận vũ khí chống lại chính quyền Libya, cấm đi lại và phong tỏa tài sản của ông Gaddafi và các thành viên chủ chốt trong gia đình.
Ngày 13-3: Quân đội chính phủ Libya tiến vào Benghazi, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy, sau khi lấy lại thành phố Zawiyah phía Tây do quân nổi dậy chiếm giữ và một số thành phố phía Đông: Bin Jawad, Ras Lanuf, Brega và Ajdabiya.
Ngày 17-3: Hội đồng bảo an LHQ thông qua nghị quyết cho phép áp đặt khu vực cấm bay tại Libya và “tất cả các biện pháp cần thiết”, nhưng không bao gồm đưa bộ binh vào, để bảo vệ dân thường tại nước này.
Ngày 18-3: Bộ trưởng ngoại giao Libya, Musa Kusa tuyên bố lệnh ngừng bắn và dừng ngay lập tức các chiến dịch quân sự. Ông nói rằng, là một thành viên của LHQ, Libya có nghĩa vụ chấp thuận các nghị quyết của Hội đồng bảo an.
Ngày 19-3: Các binh lính trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tấn công thành phố Benghazi. Liên quân Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước khác bắt đầu không kích các mục tiêu tại Libya theo nghị quyết số 1973 của Liên Hợp Quốc, nhằm tiêu diệt hệ thống phòng thủ của chế độ Muammar Gadhafi. Toàn bộ chiến dịch được chỉ huy từ tàu sân bay USS Mount Whitney.
Ngày 24-3: Phe đối lập tại Libya thành lập chính phủ lâm thời.
Ngày 25-3: Sau khi Mỹ chính thức không còn giữ vai trò dẫn đầu chiến dịch, NATO đã đồng ý nhận vai trò chỉ huy.
Từ 26 tới 28-3: Với sự trợ giúp từ các đợt không kích của liên quân, phe đối lập chiếm được các thành phố Ajdabiya và Brega, đồng thời tiến vào thành phố dầu mỏ Ras Lanuf.
Ngày 30-3: Lực lượng trung thành với đại tá Gadhafi chiếm lại được Ras Lanuf và Brega. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Libya Moussa Koussa lại đào tẩu sang Anh, hàng chục chính trị gia và sĩ quan quân đội nối gót.
Ngày 31-3: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch tấn công Libya.
Ngày 1-4: NATO không kích nhầm khiến 9 binh sĩ phe đối lập và 4 thường dân Libya thiệt mạng.
Ngày 6-4: Gadhafi gửi thư cho Tổng thống Mỹ Barack Obama để đề nghị chấm dứt chiến dịch tấn công Libya. Tuy nhiên, ông Obama cự tuyệt bức thư riêng dài 3 trang này.
Ngày 10 và 11-4: Phái bộ Liên minh châu Phi đàm phán với đại tá Gadhafi tại Tripoli cùng đại diện của phe đối lập. Tuy nhiên, trong khi ông Gadhafi đồng ý với lộ trình hòa bình do phái bộ này đưa ra, phe đối lập từ chối ngừng bắn.
Ngày 14-4: NATO ra tối hậu thư với nội dung yêu cầu Gadhafi từ bỏ quyền lực. Liên quân cũng bắt đầu phải tính tới những nước cờ mới cho chiến dịch đã kéo dài hơn dự kiến.
Ngày 30-4: Tên lửa của NATO tấn công một ngôi nhà ở Tripoli giết chết người con trai út của ông Gaddafi Seif al-Arab và ba người cháu.
Ngày 1-6: NATO thông báo chiến dịch vốn dự định kết thúc vào tháng sáu sẽ kéo dài đến cuối tháng 9.
Ngày 27-6: Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ ông Gaddafi, người con trai Seif al-Islam và Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi vì những tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.
Ngày 15-7: Quân nổi dậy NTC được Mỹ thừa nhận như là đại diện hợp pháp của nhân dân Libya trong một cuộc họp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) của nhóm tiếp xúc về Libya.
Ngày 27-7: Anh thừa nhận lực lượng nổi dậy Libya đồng thời trục xuất các nhà ngoại giao của chính phủ Libya khỏi London.
Ngày 28-7: Abdel Fattah Younes, nguyên Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền ông Gaddafi bị một nhóm phản loạn thủ tiêu.
Ngày 5-8: Chính phủ Libya bác tin con trai của Gaddafi, Khamis, chết trong một cuộc không kích của NATO.
Ngày 11-8: Lực lượng nổi dậy Libya tuyên bố đã chiếm giữ một phần thành phố dầu lửa Brega phía Đông trong khi các lực lượng của ông Gaddafi vẫn nắm giữ các khu vực công nghiệp của thành phố nơi đặt các cơ sở dầu lửa quan trọng.
Ngày 14-8: Phe đối lập tuyên bố đã chiếm giữ Zawiyah, cửa ngõ vào Tripoli, cắt đứt tuyến đường cao tốc ven biển nối với Tunisia, tuyến đường huyết mạch cung cấp lương thực và nhiên liện cho thủ đô.
Ngày 19-8: Lực lượng nổi dậy đã tiến vào Zliten và kiểm soát phần lớn thành phố này ở mặt trận phía Tây, một bước tiến đáng kể nhằm cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường dẫn vào thủ đô Tripoli.
Ngày 20-8: Giao tranh nổ ra tại Tripoli, quân nổi dậy áp sát thành phố sau khi tuyên bố chiếm được Brega.
Ngày 21-8: Quân nổi dậy Libya tiến vào trung tâm Tripoli từ phía tây.
Gaddafi thề sẽ không đầu hàng và nói ông sẽ “ca khúc khải hoàn” trong trận chiến ở thủ đô.
NATO nói chế độ của ông Gaddafi đang sụp đổ trong khi ICC nói con trai của Gaddafi, Seif al-Islam, đã bị bắt.
Lãnh đạo cao cấp của quân nổi dậy Mahmud Jibril cảnh báo vẫn còn nhiều ổ kháng cự trong và xung quanh Tripoli, đồng thời thúc giục quân nổi dậy hành động có trách nhiệm và tránh trả thù.
Ngày 22-8: Quân nổi dậy chiếm Quảng trường Xanh, biểu tượng trung tâm của thủ đô Tripoli, kiểm soát phần lớn thành phố, bao vây dinh thự của cha con ông Moammar Gadhafi. Trong khi đó, các lực lượng của ông Gadhafi kháng cự yếu ớt.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói “kẻ bạo chúa” người Libya cần phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức để tránh đổ máu thêm và kêu gọi quân nổi dậy tôn trọng nhân quyền.
Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) xác nhận, con trai của ông Gaddafi là Saif al Islam và Al-Saadi đã bị phe đối lập bắt giữ. Một người con khác của lãnh đạo Libya - Mohammed Gaddafi - đầu hàng phe nổi dậy.
Ngày 23-8: Ông Seif al Islam, con trai ông Gadhafi, gặp gỡ báo chí quốc tế tại khách sạn Rixos ở Tripoli, bác bỏ tin mà phe nổi dậy và tòa án hình sự quốc tế (ICC) trước đó nói rằng ông bị phe nổi dậy bắt giam.
Ngày 24-8: Hàng trăm quân nổi dậy đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ đại bản doanh Bab al-Azizya - căn cứ cuối cùng nằm trong tầm kiểm soát của quân chính phủ. Trong đoạn phát biểu trên đài truyền hình của Tropili vào sáng sớm 24, ông Gaddafi thề “ chết hoặc chiến thắng” trong cuộc chiến chống lại NATO và phe nổi dậy. Ông cũng cho biết, dinh thự của ông bị phá hủy bởi 64 cuộc công kích của NATO.
Phe nổi dậy Lebel treo giải thưởng 1,7 triệu USD cho bất kì ai bắt hoặc giết được nhà lãnh đạo Lybia, còn những người thuộc phe ủng hộ ông Gaddafi, sẽ được tha bổng, không truy cứu tội.
Ngày 26-8: NATO bắn tên lửa hành trình vào trung tâm chỉ huy của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi ở thành phố quê hương Sirte, trong khi quân nổi dậy khám phá hệ thống hầm ngầm dưới dinh thự của ông ở thủ đô Tripoli.
Ngày 29-8: Quân nổi dậy tiến về phía thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, với hy vọng bắt được ông để kết thúc cuộc nổi dậy kéo dài hơn 6 tháng.
Safia - vợ Gadhafi, cùng con gái Aisha và hai con trai: Hannibal và Mohammed, vượt qua biên giới Algeria và Libya để đặt chân tới Algeria vào lúc 7h45’ (giờ GMT) ngày 29 - 8. Đại sứ Algeria tại Liên Hợp Quốc Mourad Benmehidi cho biết, Algeria cho phép gia đình Gaddafi tới nước này vì “các lý do nhân đạo”.
Trong khi đó, chưa xác minh được vị trí ẩn nấu của ông Gadhafi. Một số nguồn tin cho rằng Gadhafi đang ở trong một thị trấn bỏ hoang ở ngoại ô Tripoli và chuẩn bị cho kế hoạch đánh trả, theo chỉ huy quân sự Libya.
Ngày 4-9: Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của Libya nói sẽ cố gắng chiếm một trong số thành lũy cuối cùng của Đại tá Moammar Gaddafi mà không dùng vũ lực. Cùng ngày, hội đồng quân sự của phe nổi dậy nói đã xác định được nơi ẩn náu của ông Gaddafi.
Ngày 5-9: Lực lượng nổi dậy Libya bao vây thành phố Bani Walid và tuyên bố cuộc đàm phán với quân đội trung thành ông Gaddafi tại đây thất bại. Đồng thời, nơi ở của đại tá Gaddafi được Hội đồng chuyển giao quốc gia (NTC) khẳng định đã xác định được chố ẩn náu của đại tá Gaddafi nhưng thông tin chi tiết về địa điểm đang được giữ kín.
Hai con trai của ông Gadhafi là Saif al Islam và Mustassim cố thủ tại Bani Walid đã thoát ra ngoài thành phố này và di chuyển về phía nam Libya.
Ngày 6-9: Lực lượng trung thành với ông Moammar Gadhafi đang cố thủ tại 4 thành phố Bani Walid, Jufra, Sabha và Sirte. Trong khi đó, tài liệu tối mật mà phe nổi dậy thu được tại các kho lưu trữ ở thủ đô Tripoli khiến Mỹ, Anh và Trung Quốc bối rối.
Tuấn Nguyễn tổng hợp