Công nghệ hiện đại
Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà xử lý nước thải cho 3 xã làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế thuộc huyện Hoài Ðức, Hà Nội. Công suất thiết kế 20 nghìn m3/ngày đêm. Nhà máy khởi công xây dựng vào tháng 12/2015 và khánh thành vào đúng dịp chào mừng giải phóng Thủ đô 10/10. Ðây cũng là công trình đăng ký chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. Ðại diện chủ đầu tư là Công ty CP Ðầu tư xây dựng và thương mại Phú Ðiền cho biết: Nhà máy xử lý nước thải quy mô lên đến 20 nghìn m3/ngày đêm mà chỉ thi công trong 10 tháng là tiến bộ vượt bậc. Việc đẩy nhanh tiến độ nhà máy xử lý nước thải có ý nghĩa nhiều mặt, nhất là đối với khu vực làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Ðây cũng là nhà máy đầu tiên xử lý nước thải làng nghề được đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng nhà máy và được trả kinh phí trên cơ sở m3 nước thải đã xử lý đạt tiêu chuẩn. Với phương thức này, nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư ban đầu. Trong lĩnh vực xử lý nước thải làng nghề thì đây là nhà máy có công suất lớn nhất cả nước. Tại nhà máy này, nhà đầu tư đã áp dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại là công nghệ SBR cải tiến.
Nhà máy có mức độ tự động hóa cao.
Ưu điểm của công nghệ này là diện tích chiếm đất rất ít, nhà máy công suất 20 nghìn m3/ngày đêm nhưng chỉ cần 1 ha đất bao gồm cả khoảng cách ly an toàn môi trường, hành lang cây xanh; chi phí đầu tư và vận hành thấp; lượng bùn thải phát sinh ít. Nước thải thu gom về bao nhiêu đều được xử lý triệt để ngay nên không phát sinh mùi hôi. Nhà máy bố trí thêm hạng mục xử lý phân bùn bể phốt hiện đại, khử trùng bằng Clo đảm bảo vệ sinh môi trường. Công nghệ này đã được nhà đầu tư áp dụng cho hơn 30 công trình trên cả nước.
Sử dụng pin năng lượng mặt trời
Một cái “nhất” nữa trong dự án này đó là tại đây nhà đầu tư đã mạnh dạn áp dụng công nghệ pin năng lượng mặt trời để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Hệ thống pin này sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện và cấp ngay cho hoạt động của nhà máy xử lý nước thải. Với diện tích 1.200 m2 pin thì đây cũng là một dự án sử dụng năng lượng mặt trời quy mô lớn tại khu vực các tỉnh phía Bắc. “Nhờ có hệ thống pin năng lượng mặt trời, chúng tôi đã tiết kiệm được khoảng 15% chi phí điện năng”, đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Ngoài ra, nhà máy xử lý nước thải có mức độ tự động hóa rất cao, có thể vận hành nhà máy qua máy tính và điều khiển từ xa qua internet. Nước thải trước khi xử lý và tại từng công đoạn đều được đo tự động để giám sát việc xử lý ở mức độ tối ưu nhất. Nước thải sau xử lý được quan trắc tự động và có chế độ an toàn tuyệt đối đảm bảo nước thải chỉ có thể thải ra ngoài khi mà đạt các tiêu chuẩn. Ðây là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên hoàn thành thuộc lưu vực sông Nhuệ-Ðáy.
Nước thải sau xử lý dùng để nuôi cá.
Ðối với xử lý nước thải làng nghề có đặc điểm là biến động lưu lượng nước giữa mùa sản xuất và không sản xuất rất lớn. Như vậy thì việc thu hồi vốn của nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn. Theo số liệu khảo sát của cơ quan chức năng, tại 3 xã làng nghề nơi đặt nhà máy tình trạng ô nhiễm rất lớn, có những thông số ô nhiễm cao gấp cả chục lần so với nước thải sinh hoạt đô thị. Khu vực ba xã bị ô nhiễm nhiều vì đây là trung tâm sản xuất miến, bánh đa, bún, chăn nuôi lớn của thành phố và huyện Hoài Ðức.
Ðưa nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà vào hoạt động thực sự là tin vui trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 năm nay.
Hiện nay, Công ty CP Ðầu tư xây dựng và thương mại Phú Ðiền là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Việt Nam. Công ty là chủ đầu tư 8 nhà máy và hệ thống thu gom; quản lý, vận hành hơn 20 nhà máy xử lý nước thải có quy mô lớn trên cả nước.