Điểm nóng: Đừng để thị trường... tổn thương

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Hơn 4 tháng kể từ đầu năm, thị trường vàng im lặng như tờ, chứng khoán đều đặn lên xuống theo nhịp mua vào bán ra, rồi xảy ra diễn biến trên biển Đông, thị trường tài chính đột nhiên kéo theo những phản ứng bất thường.

Ngày 8/5, thị trường chứng khoán “rớt đài” thê thảm với chỉ số VN- Index xuống thấp hơn mức khởi điểm đầu năm và tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán bị “bốc hơi” trong ngày lên tới 2,5 tỷ USD; giá vàng sau cú duy nhất đột biến ngày Thần Tài cũng đột nhiên ngóc đầu trở dậy với lượng mua tăng vọt.

Không chỉ đi ngược chiều với giá thế giới “một mình một chợ” tăng mà kim loại quý này còn lên trên mức 37 triệu đồng/lượng cao nhất từ Tết đến nay. E ngại hơn cả là khi giá đô la chợ đen bỗng có những ngày trồi sụt thất thường; đi kèm đó, trên thị trường giao dịch liên ngân hàng, tỷ giá cũng căng hết mức có thể.

Dù đại diện các NHTM lớn từ Vietcombank, BIDV, Vietinbank đều nhất loạt cho rằng sự biến động tỷ giá chỉ là nhất thời, nhưng vẫn dấy lên quan ngại: khối ngoại lo gom ngoại tệ và nhiều nhà đầu tư có thể rút vốn về. Thậm chí, đã rục rịch hiện tượng người dân đi rút tiết kiệm quay sang mua vàng hay ngoại tệ…

Trước tất cả những diễn biến đó, giới quan sát đều thừa nhận, thị trường tài chính ngân hàng đã chịu tác động tâm lý và sức ép không hề nhỏ đến từ tình hình biển Đông, đã và đang xảy ra ít nhiều sự tổn thương. Tuy nhiên, rất may khi đến thời điểm này, mọi việc đã tạm lắng và yên ổn.

Chứng khoán sau tuần hoảng loạn, được sự lên tiếng trấn an kịp thời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phân tích kỹ tình thế, giới đầu tư đã dần lấy lại niềm tin. Sự mua ròng bền bỉ xuyên suốt các phiên của khối ngoại khiến các nhà đầu tư nhỏ đã an tâm hơn, dòng tiền nội cũng vì thế quay lại.

Thị trường trường tiền tệ, theo thông tin liên tục cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, hoạt động vẫn thông suốt, huy động vốn từ các tổ chức tín thể hiện vẫn tăng.

Tại phiên họp báo thường kỳ NHNN hôm qua 28/5, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng khi nói về tỷ giá cũng cho hay: “Trên yếu tố cung cầu: xuất khẩu tốt, dòng kiều hối, FDI, trực tiếp, gián tiếp, dự báo cán cân thanh toán thặng dư mạnh. Tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp, người dân đều được đáp ứng đầy đủ thông suốt”.

Với thị trường vàng, bà Hồng cũng khẳng định: “Giá vàng tăng cao, qua đánh giá diễn biến vàng quốc tế, giao dịch vàng trong nước, NHNN nhận thấy là tâm lý chứ không phải bản chất kinh tế và NHNN đã chủ động các biện pháp, mỗi đơn vị chức năng theo từng mảng của mình theo dõi sát diễn biến để kịp thời có những giải pháp cụ thể, duy trì sự ổn định tiền tệ của hoạt động ngân hàng”.

Trong kinh tế, tác động tâm lý thường là một yếu tố không thể lượng hoá cụ thể bằng con số vật chất. Nhưng thực tế cũng minh chứng: nếu để nó diễn biến vượt tầm kiểm soát, mức độ “tổn thương” sẽ rất khó đo lường, thậm chí dẫn tới tổn thất lớn. Bài học này, thiết nghĩ với thị trường tiền tệ cơ quan quản lý lúc nào cũng cần sự lưu tâm đáng kể!

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.