Điểm nhấn giáo dục: Bộ GD&ĐT nói gì về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II?

Điểm nhấn giáo dục: Bộ GD&ĐT nói gì về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II?
TPO - Bộ GD&ĐT trả lời về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II; Trưởng phòng kế hoạch Sở Giáo dục Gia Lai bị cảnh cáo; Bộ trưởng Giáo dục chỉ đạo đẩy nhanh kế hoạch chuẩn bị thi cử là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua. 

Bộ GD&ĐT trả lời về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II

Bộ GD&ĐT đã xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021. Thế nhưng, nhiều giáo viên còn băn khoăn vì sao Bộ GD-ĐT không bỏ luôn quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (TCCDNN)?  

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng, tất cả viên chức (bao gồm cả giáo viên) phải thực hiện chế độ bồi dưỡng và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo TCCDNN trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33);

Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).

Như vậy, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành Giáo dục.

Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP

Việc ban hành các Thông tư quy định mã số, TCCDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải phù hợp, không được trái với quy định của hệ thống pháp luật, không được vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.

Do đó, nội dung quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ GDĐT quy định mã số, TCCDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập (và tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây) là thực hiện quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Vì vậy, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.

Trong trường hợp Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi theo hướng nói trên thì giáo viên có thể sử dụng chứng chỉ/chứng nhận bồi dưỡng chuyên ngành để thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN.

Trưởng phòng kế hoạch Sở Giáo dục Gia Lai bị cảnh cáo

Ngày 26/2, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ông Lê Duy Định- Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Quý Sửu- Trưởng phòng Kế hoạch và Tài Chính (Sở GD&ĐT Gia Lai) vì đã gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. (xem chi tiết)

Các Đại học của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Webometrics đầu năm 2021

Webometrics vừa đưa ra kết quả xếp hạng các trường đại học trên thế giới theo định kỳ nửa năm, hàng năm. Thời điểm đầu năm 2021, vị trí xếp hạng thuộc Top 10 trường đại học (ĐH) hàng đầu Việt Nam có ít nhiều thay đổi. (xem chi tiết)

TPHCM đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học trường tư thục

Ngày 26/2, theo thông tin PV có được, Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP về đề xuất chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ cho giáo dục tiểu học tại TPHCM theo Luật Giáo dục 2019. (xem chi tiết)

Thí sinh cần lưu ý gì khi xét tuyển vào trường quân đội?

Khác với khối trường dân sự, các thí sinh muốn xét tuyển vào trường quân đội phải qua vòng sơ tuyển. Ở vòng này, thí sinh phải tuân theo các quy định, điều kiện của Bộ Quốc phòng. Qua vòng sơ tuyển thì thí sinh mới đủ điều kiện để tham gia tiếp vòng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh phải theo dõi thời gian sơ tuyển để tham gia. Thí sinh ngoài quân đội sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; quân nhân tại ngũ sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp trung đoàn và tương đương). (xem chi tiết)

Hà Nội cho học sinh quay lại trường từ ngày 2/3

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Chử Xuân Dũng vừa ký văn bản về việc cho học sinh quay lại trường học sau thời gian tạm dừng để phòng dịch COVID-19.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất  của liên sở GD&ĐT - Sở Y tế về việc cho toàn bộ trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS, THPT quay lại trường từ ngày 2/3. Đồng ý với đề xuất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc cho sinh viên, học viên quay lại trường học từ 8/3. (xem chi tiết)

Bộ trưởng Giáo dục chỉ đạo đẩy nhanh kế hoạch chuẩn bị thi cử

Chiều 26/2, Bộ GD&ĐT họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19. Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thanh Đề cho biết, đến ngày 22/2, có 49 trẻ mầm non, học sinh, sinh viên (38 tại Hải Dương, 4 tại Hà Nội, 1 tại Bình Dương, 5 tại Quảng Ninh, 1 tại Gia Lai) và 7 giáo viên (2 tại Hải Dương, 2 tại Quảng Ninh, 1 tại Hưng Yên và 2 tại Gia Lai) được xác định dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều học sinh, giáo viên thuộc diện F1 phải cách ly y tế. (xem chi tiết)

MỚI - NÓNG