Dù không thuộc dạng đỉnh cao về số má như anh em nhà Phương “Ninh hột”, Dũng “mặt sắt”, Hùng “lốp”, Dũng “Phương”... nhưng những cái tên như: Sang “Phán”, anh em Hoàng “Mát”, Ninh “Hạt”... cũng là nỗi khiếp sợ cho người dân Quảng Ninh thời gian qua.
Từ một quân nhân xuất ngũ nhưng với mộng làm giàu bất chính, Sang “Phán” đã không từ một thủ đoạn nào để đạt được tham vọng của mình.
Sang “Phán” tên thật là Nguyễn Trọng Phan (36 tuổi, ở thị trấn Cái Rồng, H.Vân Đồn, Quảng Ninh), vốn sinh ra trong một gia đình cách mạng, bản thân từng là bộ đội biên phòng. Tuy nhiên, sau khi xuất ngũ, Sang nuôi mộng làm giàu từ việc mở tiệm cầm đồ, “bảo kê” nhà hàng… bằng việc quy tụ khoảng hai chục đàn em gồm những tên côn đồ hung hãn, nghiện hút, thậm chí cả những “con ong” tuổi vị thành niên để tập trung giành đất làm ăn.
Bắt “sâu” trên cạn
Do việc cầm đồ, “bảo kê” không thuận lợi nên tháng 8.2012, Sang “Phán” bàn với đàn em thân tín là Phạm Văn Hoàng (tức Hoàng “béo”), Hoàng Văn Tuấn (tức Tuấn “trọc”), Lê Thành Ý (tức Ý “ồ”)… chuyển hướng tới vùng biển Đông Bắc là nơi Sang am hiểu rõ địa hình khi từng là bộ đội biên phòng. “Con mồi” chúng nhắm tới là những ngư dân, thương lái chuyên thu mua hải sản tại vùng biển này.
Sau khi vào cuộc, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ tổng cộng 12 đối tượng trong băng nhóm này. Tháng 12.2013, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Sang “Phán” 10 năm tù, Hoàng “béo” 9 năm tù...
Sang “Phán” đổ tiền ra trang bị một loạt các xuồng bay, mua súng, thu nạp thêm đàn em; căn nhà gắn biển cầm đồ của Sang tại huyện đảo Cô Tô trở thành đại bản doanh cho băng nhóm này tá túc. Đám đàn em của Sang phát thông điệp tới các thương lái mua bán hải sản: bất kỳ loại hải sản nào cũng phải nộp 2.000 đồng/kg mới được chở hàng đi. Người nào không chấp nhận sẽ bị chúng đập phá, hủy hoại hàng hóa không thương tiếc.
Điển hình, ngày 15.12.2012, chị Bùi Thị Mịch (54 tuổi, ở Cô Tô) thu mua được 17 thùng hải sản và thuê anh Nguyễn Văn Tuyên (34 tuổi, ở thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn) chở đi Hà Nội. Do chị Mịch không khai báo và nộp "sâu" cho người của Sang nên khi xe của anh Tuyên đến P.Hà Khẩu, TP.Hạ Long, thì bị Tuấn “trọc” cùng 3 đàn em chặn lại. Tuấn “trọc” hùng hổ rút súng (theo nhân chứng, đó là một khẩu súng quân dụng K54) uy hiếp lái xe, sau đó cả bọn dùng dao đập phá các thùng đựng hải sản và cướp đi một số thùng để bán lấy tiền tiêu xài.
Ngày 7.3.2013, Sang “Phán” lại cho đàn em đập phá tiếp 21 thùng hải sản của chị Mịch, thậm chí đổ dầu diesel vào các thùng hàng, gây thiệt hại gần 60 triệu đồng. Chưa dừng lại, Sang “Phán” còn tổ chức cho đàn em đánh đập một số thương lái với mục đích dằn mặt các nạn nhân. Chị Mịch cùng một số thương lái quá khiếp sợ đã phải giải nghệ.
“Bảo kê” dưới biển
Không chỉ tổ chức bắt “sâu” đối với các thương lái, Sang còn cho đàn em o ép các ngư dân khi họ đang đánh bắt trên biển. Sang cũng cho ngư dân đi biển vay nặng lãi rồi khống chế để mua lại hải sản với giá rẻ mạt, sau đó đem bán lại với giá cao. Ai không nghe lời, Sang cho người dùng xuồng ra tận nơi đe dọa hoặc gây sức ép không cho tàu của nạn nhân cập cảng. Vì thế, ngư dân ở các tỉnh xa như Nghệ An, Nam Định, Hà Tĩnh… đánh bắt tại khu vực này buộc phải nghe lời chúng nếu muốn yên thân.
Vào một ngày giữa tháng 4.2013, Sang “Phán” đang ở trong tiệm cầm đồ tại Cô Tô thì đột nhiên thấy 7 đàn em thân tín bị trinh sát PC45 của Công an Quảng Ninh áp giải vào. Ngay lập tức một chiếc còng số 8 được hai trinh sát áp sát bập vào tay Sang “Phán” khi hắn chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra. Trước đó, một nhóm trinh sát khác cũng thuộc PC45, Công an tỉnh Quảng Ninh, đã hóa trang thành hành khách đi trên tàu khách từ Vân Đồn đi Cô Tô và bắt giữ nhóm đàn em của Sang khi chúng đang ở trên tàu.
Cùng vào thời điểm này, tại TP.Hạ Long và H.Vân Đồn, lực lượng của PC45 cũng đã ém sẵn tại những vị trí quan trọng. Ngay sau khi có tin báo Sang “Phán” cùng 7 đàn em bị tóm gọn, lực lượng này đã bắt giữ Hoàng "béo" cùng 2 đàn em khác của Sang tại Vân Đồn.
Theo một điều tra viên, hoạt động của băng nhóm Sang “Phán” đã nằm trong tầm ngắm từ lâu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, thông tin từ quần chúng, các điều tra viên đã "dựng" được chân dung ổ nhóm này. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ để bắt giữ chúng lại gặp khó khăn vì khi gây án chúng đều bịt mặt nên không dễ nhận diện. Thậm chí khi các trinh sát vào Nghệ An, Hà Tĩnh… để tìm bị hại, nhưng những ngư dân hiền lành, ngại va chạm, sợ bị trả thù nên không dám hợp tác. Vụ án đã có lúc tưởng như bế tắc. Tuy nhiên do kiên trì vận động, một số nạn nhân của Sang đã dũng cảm đứng lên tố cáo tội ác của bọn chúng.
“Băng nhóm do Sang cầm đầu hoạt động trên địa bàn rất rộng, cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cướp tài sản trên cả tuyến đường bộ và đường biển với tính chất mức độ công khai, trắng trợn”, một lãnh đạo PC45 - Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Theo Linh Linh