Điểm chuẩn sẽ tăng và chênh lệch lớn giữa các trường

Dự kiến điểm chuẩn năm nay giữa các trường sẽ có khoảng cách rộng Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Dự kiến điểm chuẩn năm nay giữa các trường sẽ có khoảng cách rộng Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Ngày 2/10, Bộ GD&ĐT bắt đầu chạy phần mềm lọc ảo tuyển sinh đại học. Năm nay do phổ điểm cao nên các trường đại học đều dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng và có sự chênh lệch lớn giữa các trường.

Sẽ chênh lệch lớn

Vài năm trở lại đây, một trong những xu hướng tuyển sinh là một số thí sinh trúng tuyển nhưng không học, nhất là ở các trường tốp giữa và tốp dưới. Không chỉ trong phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT mà ngay trong phương thức xét kết quả học bạ, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo ở các trường cũng rất cao. Phân tích thực tế cho thấy, nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên nhất của thí sinh. Những trường có số lượng lớn thí sinh đăng ký từ nguyện vọng 2 trở xuống sẽ có nguy cơ ảo nhiều hơn và đây là thường là những trường tốp thấp.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, kết quả điều chỉnh nguyện vọng cho thấy việc phân tích dữ liệu phục vụ tuyển sinh vô cùng quan trọng. Đối với trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tổng số nguyện vọng là gần 66.000, trong đó có hơn 14.000 nguyện vọng 1. Với số liệu này, ông Dũng tự tin tuyển đủ 5.000 chỉ tiêu dù điểm sàn trước đó được trường công bố có những ngành rất cao, lên đến 26 điểm/tổ hợp 3 môn xét tuyển. PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại thương, cho biết, năm nay có gần 20.000 nguyện vọng đăng ký vào trường, trong đó, số lượng đăng ký vào nhóm ngành kinh tế vẫn đông nhất. Theo bà Hiền, số lượng nguyện vọng đăng ký năm nay tương đương năm ngoái, nhưng trường đã tuyển được 50% chỉ tiêu bằng các phương thức khác nên điểm chuẩn sẽ tăng.

Trong khi đó, dù vẫn chưa công bố điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM đã quyết định ngừng tuyển sinh 2 ngành khoa học thủy sản và công nghệ vật liệu vì lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển quá ít. Những năm trước, mỗi ngành chỉ có khoảng 30 nguyện vọng, hầu hết là nguyện vọng 3, 4. Năm 2019, ngành khoa học thủy sản không tuyển được thí sinh nào, ngành công nghệ vật liệu tuyển sinh được hơn chục thí sinh. Mấy năm nay,  chưa năm nào được 40 thí sinh. Liên quan tình hình tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường, năm nay, khi kết thúc điều chỉnh nguyện vọng, tổng số nguyện vọng tăng từ 15.956 lên 20.175. Các ngành có số nguyện vọng tăng nhiều nhất là công nghệ thực phẩm (2.746 nguyện vọng), quản trị kinh doanh (2.704), kế toán (2.535) và công nghệ thông tin (1.936). Trong khi đó, một số ngành có khá ít nguyện vọng như công nghệ thủy sản (119 nguyện vọng), môi trường (148).

Bức tranh tuyển sinh ĐH chính quy của các trường ngày càng bộc lộ rõ nét thương hiệu của mỗi trường. Đối với những trường tốp trên như khối Y dược, một số trường kinh tế, kỹ thuật-công nghệ, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 bao giờ cũng chiếm tỷ lệ áp đảo và điểm thi thường rất cao. Điểm chuẩn của những trường này cũng ở mức rất cao. Nhưng với những trường ĐH ở tốp giữa, tốp dưới, điều kiện tuyển sinh không ngặt nghèo, điểm chuẩn không cao nhưng tuyển sinh lại rất chật vật.

Quy trình lọc ảo

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật nhóm trường phía Bắc, cho biết, có 52 trường trong nhóm. Trong 3 ngày lọc ảo, nhóm sẽ chạy 12 lần xen kẽ với 6 lần của Bộ GD&ĐT. Theo ông Kiên, để phần mềm lọc ảo chạy thông suốt và có được kết quả chính xác, nhóm đã yêu cầu các trường thống nhất dữ liệu như điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh, giải thưởng (nếu có). Nhóm trường ĐH phía Nam năm nay có 90 trường tham gia lọc ảo, trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM chịu trách nhiệm. Nhóm sẽ lọc ảo 10 lần xen giữa các lần chạy lọc ảo của Bộ GD&ĐT.

Theo hai nhóm, các bước quy trình xét tuyển và lọc ảo gồm  rà soát hệ số môn xét tuyển, điều kiện sơ tuyển, điều kiện so sánh, bổ sung điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khối ngành sức khỏe, nhóm ngành sư phạm... Sau đó, chọn phương thức xét tuyển toàn quốc hay xét tuyển theo nhóm. Sau khi chọn phương thức xét tuyển là đến chạy phần mềm thực hiện xét tuyển cho từng phương thức. Các trường xuất kết quả xét tuyển, báo cáo chỉ tiêu, mức điểm tham khảo sau khi nhóm điều phối thực hiện xét tuyển toàn quốc. Tiếp đó, dữ liệu này được xuất dùng cho phần mềm xét tuyển offline của các trường trong nhóm. Các trường sẽ tính toán thí sinh ảo (trong nhóm và ngoài nhóm) để điều chỉnh mức điểm, chỉ tiêu cần gọi, xuất kết quả xét tuyển dự kiến và nhập vào hệ thống cho nhóm thực hiện lọc ảo lần 1. Sau khi lọc ảo lần 1, nhóm sẽ xuất kết quả và đưa vào luồng lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Qua mỗi lần lọc ảo của  Bộ GD&ĐT, các trường lấy kết quả phân tích, rà soát. Sau đó xuất kết quả xét tuyển dự kiến và nhập vào hệ thống để nhóm thực hiện lọc ảo lần 2, lần 3…Và cứ tuần tự như thế, hai nhóm sẽ lọc ảo theo số lần đã định trong 3 ngày. Theo đánh giá của các trường ĐH tham gia hai nhóm xét tuyển, kết quả lọc ảo những năm trước, các trường đều đạt được chỉ tiêu của mình.

Thực tế cho thấy, nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên nhất của thí sinh. Những trường có số lượng lớn thí sinh đăng ký từ nguyện vọng 2 trở xuống sẽ có nguy cơ ảo nhiều hơn và đây là thường là những trường thuộc tốp thấp. 

MỚI - NÓNG