Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên ĐH Ngân hàng TPHCM đến thời điểm này, 63 tỉnh thành đã hoàn tất việc công bố điểm thi THPT quốc gia và cơ bản phần nào có thể dự đoán được điểm chuẩn.
“Năm nay, đề thi có độ phân hóa cao, không còn mưa điểm 9, điểm 10 như năm 2017. Tỷ lệ thí sinh có mức điểm từ 8 trở lên ở các môn thi thấp hơn rất nhiều so với năm 2017. Về tổng thể, mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn so với năm ngoái ở tất cả các môn và tổ hợp môn thi. Vì vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng điểm chuẩn trúng tuyển ở các trường sẽ giảm, thậm chí sẽ giảm mạnh” ông Sĩ nói.
Theo ông Sĩ, với những trường tốp trên chắc chắn có điểm chuẩn trúng tuyển giảm từ 3 đến 4 điểm so với năm ngoái. “Những trường, ngành năm ngoái điểm chuẩn 29, 30 điểm thì năm nay dự kiến cao nhất cũng chỉ 27 điểm; những trường có điểm chuẩn 27 điểm thì năm nay cũng chỉ dao động mức 23.5 đến 24 điểm. Vậy nên những em có điểm số từ 24 điểm (3 môn) thì cứ mạnh dạn ưu tiên xét tuyển vào nhóm trường/ nhóm ngành này”, ông Sĩ khuyên.
Phân tích sâu thêm, ông Sĩ cho rằng, đa phần thí sinh đều có điểm thi các môn từ 5 đến 8 điểm nên với những trường tốp giữa (năm trước có mức điểm từ 20 điểm đến khoảng 24 điểm), điểm chuẩn sẽ giảm nhưng sẽ không giảm mạnh. Với những trường có mức điểm chuẩn 2017 từ 23.5 điểm đến 25 điểm thì năm nay sẽ có thể chỉ còn 22 điểm đến 23 điểm, tức giảm từ 1 đến 2 điểm. Với nhóm trường có mức điểm chuẩn 2017 từ 20 điểm đến 23 điểm thì năm nay nhiều khả năng sẽ giảm 1 điểm.
Riêng với các trường nhóm dưới, theo ông Sĩ, do lượng thí sinh ở mức điểm trung bình nhiều nên điểm chuẩn sẽ gần như không thay đổi.
“Hy vọng các em thí sinh thực sự tỉnh táo và thật khôn ngoan khi nhấp chuột điều chỉnh lại nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng với các em. Chúc các em có những lựa chọn chuẩn xác nhất”, ông Sĩ nói.