Dịch tay chân miệng phát triển bất thường

Dịch tay chân miệng phát triển bất thường
TP - Một tuần trở lại đây, số trẻ nhập viện do mắc bệnh Tay chân miệng (TCM) tại Bệnh viện Nhi T.Ư tăng cao hơn thông lệ. Mỗi ngày có khoảng 20 ca bệnh. Các bác sĩ cảnh báo điều bất thường ở những bệnh nhi này là biểu hiện bệnh không điển hình nhưng diễn biến bệnh nhanh.

>Bệnh tay chân miệng lan ra 7/9 huyện của Kon Tum
>Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng

Bé Nguyễn Hải Minh, 11 tháng tuổi (Hà Nội) bị sốt có biểu hiện giật mình từ ngày 9-3 nhưng đến tối ngày 12 mới được gia đình đưa đi Bệnh viện Nhi T.Ư. Các bác sĩ kiểm tra thấy các nốt phỏng nước trên tay, chân và miệng bé. Đáng chú ý là não của bệnh nhi này đã bị ảnh hưởng của virus TCM. Đây được các bác sĩ coi là trường hợp bệnh TCM nhưng không có triệu chứng điển hình bị phát hiện muộn khi đã bị biến chứng não.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, người lớn cần theo dõi các biểu hiện trên cơ thể con để có hướng xử lý tốt nhất. Trường hợp trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở TCM cần theo dõi chặt chẽ để nắm được diễn tiến của bệnh chứ chưa nhất thiết phải đưa bé đi viện ngay. 90% số ca bệnh TCM sẽ tự khỏi nên nếu trẻ sốt nhưng vẫn tỉnh táo, ăn và chơi ngoan thì không quá lo lắng, vì cơ thể bé sẽ có sức đề kháng chống lại bệnh. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ sốt từ 39 độ C trở lên dù được dùng thuốc hạ sốt vẫn không giảm nhiệt độ, bé hay giật mình, lờ đờ thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay. Đây là những dấu hiệu bệnh của bé diễn biến nặng, cần được điều trị tích cực.

Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) đến nay, đã có hơn 320 ca bệnh TCM nhập viện. Đáng nói là so với mọi năm, phải tháng 5 hay 6 mới có nhiều bệnh nhi nhập viện, nhưng năm nay bệnh này đến sớm hơn. Trong đó nhiều trường hợp bệnh nhi dưới 1 tuổi và đang mang một căn bệnh mãn tính nào đó như tim bẩm sinh, ung thư, bệnh thận. Những bệnh nhi này, sức đề kháng còn chưa tốt nếu mắc TCM, bệnh sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng và nhanh hơn. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, cứ 10 bệnh nhi mắc TCM thì chỉ có 1 cháu nhập viện. Bệnh nhân đến từ các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh…

Thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy khoảng 25 – 27% bệnh nhi TCM có tiếp xúc với nguồn bệnh trước đó tại trường học hoặc nhà hàng xóm. Hơn 70% trường hợp còn lại không tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh, các bác sĩ nhận định chính người lớn là trung gian lây bệnh từ trẻ này sang trẻ khác. Để hạn chế đường lây bệnh TCM các bác sĩ khẳng định cách tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi trở về từ bệnh viện, đường phố về.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa yêu cầu có biện pháp mạnh để giảm tử vong cho bệnh nhân bị bệnh do TCM.

Bộ Y tế gợi ý cho địa phương tự công bố dịch

TS.Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết việc công bố dịch đã có quy định cụ thể nên các địa phương cần chủ động đánh giá về mức độ dịch để kịp thời triển khai dập dịch. Việc công bố dịch đúng thời điểm sẽ giúp huy động nguồn lực, nhân lực, hỗ trợ chuyên môn để kiểm soát dịch tốt hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG