Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã thông tin trên trang cá nhân của anh về sự ra đi đột ngột của dịch giả Đoàn Tử Huyến. Anh viết: "Buồn quá, sáng Chủ nhật (22/11/2020) thức dậy được tin anh vừa qua đời lúc khoảng tám giờ sáng nay tại nhà thông gia ở Sơn Tây. Hiện gia đình đang lo đưa anh về, ngày giờ tang lễ sẽ thông báo sau".
Con người của đam mê văn học
Sự ra đi của dịch giả Đoàn Tử Huyến hết sức đột ngột. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ những hình ảnh chụp Đoàn Tử Huyến vào 19/11/2020 cho thấy dịch giả vẫn rất khỏe khoắn, lạc quan, với chiếc máy ảnh quen thuộc trên tay. Những năm gần đây, dịch giả đi đâu cũng đem theo chiếc máy ảnh để chụp bạn bè, độc giả.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952, tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp ở Liên Xô. Ông từng làm nhiều công việc như Giảng viên văn học Nga Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Biên tập văn học Nhà xuất bản Lao Động. Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Hà Nội.
Với giới trí thức Hà Nội và cả nước, Đoàn Tử Huyến nổi tiếng là người đã tổ chức dịch và xuất bản nhiều tác phẩm văn học có giá trị, giàu tính thời sự. Đoàn Tử Huyến là người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Ông đã tổ chức dịch thuật phát hành sách, đồng thời tổ chức các nhà sách hiện đại đầu tiên tại Hà Nội sau những năm đổi mới. Chính từ cái nôi Trung Tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, không chỉ cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng in ấn đẹp mà cũng là nơi đào tạo, cung cấp ra đội ngũ các biên tập viên, các nhà làm sách trẻ, các nhà báo, nhà phê bình văn học... hiện làm việc cho rất nhiều công ty, nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh thành khác.
Công lao lớn nhất của Đoàn Tử Huyến chính là việc dịch, giới thiệu các tác phẩm văn học hiện đại của Nga và các nước thuộc Đông Âu. Đoàn Tử Huyến không chỉ là một chuyên gia hàng đầu về văn học Nga mà ông luôn mong muốn kết nối văn học Việt Nam với văn học Nga. Trong thời đại người người nhà nhà học đọc dịch văn học Anh, Trung Quốc, Nhật Bản... thì Đoàn Tử Huyến cũng các bạn bè, những người đồng nghiệp của ông như Thúy Toàn, Phạm Xuân Nguyên... vẫn liên tục cập nhật xuất bản các tác phẩm giá trị từ nền văn học Nga và Đông Âu.
Đoàn Tử Huyến đã dịch hơn 30 tác phẩm văn học rất có giá trị, đồng thời tổ chức mời dịch, in, giới thiệu hàng trăm đầu sách về văn học, văn hóa có giá trị. Ông có tâm niệm rằng "Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phải là một địa chỉ văn hóa tin cậy".
Những tác phẩm dịch nổi tiếng của Đoàn Tử Huyến có: Tiếng gọi vĩnh cửu (tiểu thuyết của Ivanov), Kì lạ thế đấy cuộc đời này (tiểu thuyết của D.Granin), Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ (chuyện giả tưởng của S.Lem), Nghệ nhân và Margarita (tiểu thuyết của M.Bulgacov)...
Tác phẩm Nghệ nhân và Margarita (tiểu thuyết của M.Bulgacov) của Đoàn Tử Huyến đã đoạt Giải thưởng Văn học dịch (Hội Nhà văn).
Một người anh lớn
Đoàn Tử Huyến rất nhạy bén về kinh doanh và anh đã tự hào xem mình là một trong số rất ít những người biết kinh doanh sách tại Hà Nội từ những năm 1990. Tuy vậy, cũng nhiều người nói rằng Đoàn Tử Huyến rốt cuộc vẫn chỉ là một nhà trí thức, con người của các ý tưởng và sáng tạo hơn là một doanh nhân. Anh cũng tự nhận mình là kẻ "ham chơi".
Người viết bài này từng nhiều lần được anh mời uống rượu Nga tại một quán nhỏ đối diện Bảo tàng Không quân, dù rằng tôi không biết uống rượu. Chúng tôi vẫn thường trò chuyện với nhau về văn học và cuộc đời. Đoàn Tử Huyến không phải là mẫu người yêu thích các tác phẩm kinh điển mà anh quan tâm nhiều tới các giá trị văn học đương thời.
Với mái tóc dài và phong thái của một người tiêu dao, song anh rất kỹ lưỡng trong việc in ấn biên tập. Tôi còn nhớ mãi khi tôi chuẩn bị in cuốn sách đầu tay là cuốn ký "Mùa xuân nghiêng" (2002), anh biết được, liền bảo tôi đem bản thảo tới cho trung tâm biên tập kỹ lưỡng, trình bày rồi mới giao tôi đem đi nhà in (Dù tôi không in tại trung tâm của anh). Anh nói: "Em hãy cẩn thận từng con chữ trước khi đem chúng đi nhà in". Sách in xong, tôi gửi nhà sách của anh bán 300 cuốn, anh gọi điện cho tôi sang lấy tiền bán sách, tôi nói: "Trung tâm đã biên tập giùm nên em tặng 300 cuốn sách đó cho trung tâm làm quỹ", anh Huyến rất vui, bảo: "Thế à! Anh cám ơn nhé!".
Tôi nhớ mãi lần ăn cơm tại nhà dịch giả Phạm Xuân Nguyên ở khu tập thể Liễu Giai, có anh Đoàn Tử Huyến và giáo sư Văn Như Cương. Khi ấy, Đoàn Tử Huyến và Văn Như Cương tâm đầu ý hợp với những dự án giúp cho giới trẻ Việt Nam sẽ lớn lên với những cách học hiện đại, những kiến thức hiện đại để hướng ra thế giới.
Đoàn Tử Huyến không phải người "hoạt ngôn", anh ít khi trả lời phỏng vấn hay xuất hiện trên báo chí. Bởi vậy, đánh giá về Đoàn Tử Huyến không gì hay hơn là đánh giá những công việc anh đã tâm huyết, đặc biệt trong lịch vực văn học dịch. Trong những cuộc trò chuyện thì nỗi lo của anh không gì khác ngoài việc "con người Việt Nam có thể bị tụt hậu với thế giới vì không tiếp cận được các tác phẩm, các tư tưởng và tri thức mới".
Để lại đời
Có những người làm xuất bản nhưng lại không, hoặc rất ít khi viết sách, dịch sách. Đa phần những người viết sách dịch sách ưu tiên thời gian cho việc chuyên môn và họ chỉ trao tác phẩm cho người xuất bản mà không bận tâm lo lắng gì, thậm chí chỉ việc hỏi về nhuận bút. Đoàn Tử Huyến là một trong số rất ít những người vừa dịch sách vừa tổ chức in ấn xuất bản, một mẫu hình tương tự như Nguyễn Hiến Lê tại miền Nam trước đây.
Ngoài những tác phẩm văn học dịch, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây của anh còn in ấn nhiều tác phẩm văn học trong nước. Đoàn Tử Huyến đã cho in lại những tác phẩm văn học Việt Nam như Phan Bội Châu toàn tập, Thiên Nam ngữ lục, Tuyển tập Vũ Tông Phan, Việt sử địa chí của Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ toàn tập… Trung tâm của anh cũng là nơi tổ chức những phiên chợ sách, ngày hội sách, chơi sách... giúp đánh thức văn hóa đọc trong giới trẻ trong thời đại của mạng xã hội.
Nói đến địa chỉ văn hóa, với những hoạt động văn chương, giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, tưởng niệm Hoàng Cầm... người ta lại nhớ tới Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây.
Có câu: "Sinh nghề tử nghiệp", điều ấy vận vào anh Đoàn Tử Huyến đúng chăng?
Trong một bài trả lời phỏng vấn Trần Hoàng Thiên Kim trên báo Văn Nghệ Công An, nhà báo đặt câu hỏi:
- Nếu bây giờ phải chọn một trong số hơn 30 đầu sách ông đã dịch, ông sẽ chọn cuốn nào?
Đoàn Tử Huyến trả lời: Nghệ nhân và Margarita (tiểu thuyết của Bulgacov).
Nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim lại đặt câu hỏi tiếp theo là: "Nói đến nhà văn Bulgacov, đây là một nhà văn kỳ bí nhất thế giới vì hễ cứ ai dính đến ông sẽ gặp điều không hay xảy ra, ngay cả diễn viên đóng vai ông trong phim cũng đã bị tai nạn. Ông là một người mê Bulgacov, ông có từng bị làm sao không?"
Dịch giả Đoàn Tử Huyến đáp: "Những gì người ta nói về nhà văn này đều đúng. Tôi cũng đã phải nằm viện suốt 2 tháng trong suốt thời gian dịch cuốn Nghệ nhân và Margarita".
Anh Đoàn Tử Huyến ra đi rất bất ngờ, theo cái kiểu "những tai nạn" đã xảy ra với những ai dính dáng đến tác phẩm của Bulgacov. Nhưng có chăng "tai nạn nghề dịch" đi nữa, nó cũng đã điều mà Đoàn Tử Huyến đã biết, đã chọn lựa khi anh dịch Bulgacov. Tất nhiên, giai thoại muôn đời là giai thoại huyền bí không ai giải thích được. Điều còn lại với bạn đọc đó là Nghệ nhân và Margarita của Bulgacov cũng như nhiều tác phẩm văn học thế giới và Việt Nam được anh Đoàn Tử Huyến xuất bản đã trở thành một phần không thiếu trong đời sống văn học Việt Nam.
Ngọn lửa dịch thuật, niềm khát khao tri thức và phát triển của Đoàn Tử Huyến sẽ còn mãi.
Thông tin lễ tang Dịch giả Đoàn Tử Huyến:
- 7h15 đến 9h15 ngày 24/11/2020 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội.
- An táng tại quê hương: Hoà Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh.