Dịch COVID - 19: Kiểm soát được chuỗi lây nhiễm ở bar Buddha

Quán bar Buddha (quận 2, TPHCM) là ổ dịch lớn thứ hai cả nước sau Bệnh viện Bạch Mai
Quán bar Buddha (quận 2, TPHCM) là ổ dịch lớn thứ hai cả nước sau Bệnh viện Bạch Mai
TP - Ngày 3/4, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, đã cơ bản xử lý được ổ dịch quán bar Buddha, xét nghiệm lần 2 đối với những người từng đến quán này, phát hiện 1 trường hợp có nguy cơ nhiễm cao. 

Đến nay đã có 16 trường hợp mắc COVID-19 liên quan quán bar Buddha. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ bệnh nhân 91 (phi công người Anh, là ca chỉ điểm để tìm ra các ca bệnh khác có liên quan), ngành y tế đã phát hiện được mối liên hệ tiếp xúc trong quán bar Buddha và khoanh vùng thật nhanh để xử lý. Về cơ bản, chuỗi lây nhiễm ở quán bar này đã được kiểm soát đầy đủ.

Tuy nhiên, có một số trường hợp khai báo không trung thực. Cơ quan chức năng nhiều lần thông báo tìm kiếm những trường hợp từng đến quán bar nhưng vẫn có người đến khai báo trễ. Thậm chí, có trường hợp cố tình chờ đủ 14 ngày mới đi khai báo để được xét nghiệm ngay và không phải cách ly hoặc rút ngắn thời gian cách ly. “Với các trường hợp khai báo quanh co, không khai báo sớm, phải xem xét đến chế tài, vi phạm luật phòng chống dịch bệnh nguy hiểm”, bác sĩ Dũng nói.

Theo ông Dũng, TPHCM đã lấy mẫu 255 người từng đến quán bar Buddha từ ngày 13-17/3. Một số trường hợp đang được cách ly tập trung 14 ngày tính từ ngày bắt đầu cách ly, thay vì tính từ ngày tới quán bar. Nguyên nhân được xác định là qua điều tra, tổ chức xét nghiệm nhiều lần phát hiện một vài trường hợp đã qua 14 ngày kể từ khi rời khỏi quán bar có kết quả xét nghiệm dương tính dù lần đầu âm tính. Có trường hợp xét nghiệm từ ngày thứ 13 (tính từ ngày tới quán bar) có kết quả âm tính, nhưng 3 ngày sau lại có kết quả dương tính. Do đó, TPHCM quyết định cách ly đủ 14 ngày tính từ khi bắt đầu cách ly tập trung.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, trước khi rời khỏi khu cách ly, người được cách ly cần được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính, dù trong thời gian cách ly hoàn toàn không có triệu chứng. Tại TPHCM, gần 50% các trường hợp được chẩn đoán mắc COVID-19 mà hoàn toàn không có triệu chứng.

Thậm chí một số trường hợp được phát hiện nhiễm bệnh ngay trước ngày rời khỏi khu cách ly, dù trước đó xét nghiệm lần một cho kết quả âm tính và hoàn toàn không có triệu chứng bệnh trong thời gian cách ly. Để hạn chế nguy cơ mầm bệnh ra cộng đồng, lực lượng y tế bắt buộc phải có đầy đủ kết quả của tất cả những người sẽ rời khỏi khu cách ly trong cùng ngày. “Điều đó có nghĩa là dù có kết quả âm tính, bạn vẫn phải đợi kết quả xét nghiệm của tất cả những người sẽ ra khỏi khu cách ly cùng ngày với bạn”, bác sĩ Dũng nói.

Vận chuyển miễn phí các trường hợp cấp thiết

Chiều 3/4, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, UBND TPHCM cho tổ chức giao thông với 200 ô tô từ 8 giờ ngày 4/4 để hỗ trợ người dân di chuyển trong trường hợp cấp thiết khi các phương tiện vận chuyển công cộng như xe buýt, xe khách, taxi… đã ngưng hoạt động để chống dịch. Theo bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thành phố hiện có 122 bệnh viện; mỗi ngày, Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM tiếp nhận 500-600 cuộc gọi, trong đó có khoảng 100 cuộc gọi có nhu cầu vận chuyển bệnh nhân. “Hiện nay, ngoài xe của lực lượng cấp cứu 115, người dân không biết gọi xe ở đâu”, ông Nam nói.

Trao đổi riêng với PV Tiền Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Từ Lương nói: “Nhiều trường hợp rất đáng thương, đặc biệt là bệnh nhân vừa xuất viện tại các Bệnh viện phụ sản, Nhi Đồng, Chấn thương chỉnh hình… Bà con không thể tự ngồi xe máy để di chuyển. Những trường hợp khá giả, có ô tô riêng đưa đón thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay”. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, ngay sau khi nhận được đề xuất của Hiệp hội Taxi TPHCM và Tập đoàn Mai Linh sẵn sàng hỗ trợ chính quyền TPHCM 200 xe taxi Mai Linh nhàn rỗi để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lập tức đồng ý. Toàn bộ kinh phí hoạt động (tiền lương lái xe, nhiên liệu…) do Tập đoàn Mai Linh chi trả.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, số xe trên sẽ hỗ trợ người dân di chuyển trong trường hợp cấp thiết như người bệnh cần đến bệnh viện hoặc xuất viện mà không thể dùng mô tô, xe máy. Xe không dành để vận chuyển bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi nhiễm. Người dân được phục vụ hoàn toàn miễn phí. Phạm vi hoạt động của xe là trong địa giới hành chính của TPHCM. Người dân có thể liên hệ tổng đài 115 hoặc các bệnh viện để được hướng dẫn và điều phối phương tiện.

Xét nghiệm 17 người từng đến BV Bạch Mai hiện sống tại TPHCM

 Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, qua xác minh, điều tra, có 17 người  từng đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từ ngày 13/3 và hiện sinh sống tại TPHCM. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, có 2 trường hợp âm tính, còn 15 trường hợp đang chờ kết quả.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.