Sáng nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội đã tổ chức diễn đàn khoa học 2020: Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID – 19 ở Việt Nam. Một trong 4 tham luận được đưa ra tại diễn đàn là của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, PGS.TS Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học về một số tác động xã hội của đại dịch COVID-19.
Kết quả của nhóm cho thấy, dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực và tích cực đến giáo dục.
Trong đó, ảnh hưởng tiêu cực của dịch đến ngành giáo dục rất rõ. Các trường học các cấp đóng cửa trong thời gian dài gây ra nhiều tác động tiêu cực trực tiếp và ngắn hạn. Học sinh, sinh viên trong cả nước phải nghỉ học dài ngày dẫn đến ảnh hưởng nội dung chương trình, nhất là học sinh phải tốt nghiệp THPT.
Trong một số trường hợp đã xuất hiện mâu thuẫn giữa nhà trường và phụ huynh về học phí online và điều này tác động trực tiếp đến việc dạy và học cũng như quan hệ giữa nhà trường và học sinh.
Nhiều sự kiện giáo dục, đào tạo như kỳ thi Olympic quốc tế các môn cho học đã bị hoãn hoặc huỷ; hàng nghìn du học sinh, sinh viên Việt Nam ở nhiều nước có dịc COVID-19 tàn phá nặng nề phải nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến hoặc tìm được về nước.
Các trường mất nhiều nguồn lực cho phòng chống dịch, thất thu do học sinh nghỉ học dài ngày và do phải đầu tư thêm cho các trang thiết bị phòng chống dịch trong trường; Áp lực học bù sau khi học sinh trở lại trường họ có thể làm tăng nguy cơ học sinh bị sang chấn tâm lý và có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Khi các trường mở cửa trở lại, không ít cơ sở giáo dục phải đối diện với những khó khăn. Nhiều trường khó tổ chức lớp học đảm bảo chỗ ngồi giãn cách cho học sinh hoặc phải chia đôi lớp.
Dịch cũng đã đặt ra thách thức rất lớn đối với các lớp mầm non, mẫu giáo và học sinh tiểu học.
Theo nhóm nghiên cứu, tác động tiêu cực đã đêm lại hậu quả dài hạn cho ngành giáo dục như nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập ở bậc học mầm non phải đóng cửa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều giáo viênmầm non, tiểu học khu vực tư nhân và làm hợp đồng bị mất việc làm.
Nguy cơ bỏ học cao, nhất là trong nhóm nghèo, dân tộc thiểu số. Nhiều học sinh nữ dân tộc thiểu số lấy chồng và bỏ học sau thời gian dài nghỉ học vì dịch. Khoảng 5% học sinh không trở lại trường sau kỳ nghỉ dài này.
Hoạt động dạy và học qua mạng sẽ là phần không thể thiếu trong giáo dục và đào tạo nhưng không phải người học nào cũng có điều kiện tiếp cận và sử dụng internet, nhất là học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điều đó có thể tạo ra bất bình đẳng số giữa các nhóm xã hội.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu của PGS. Nguyễn Đức Vinh cũng chỉ ra một số tác động tích cực do dịch COVID-19 mang lại cho ngành giáo dục. Trong đó có việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học trực tuyến.
Đồng thời, dịch COVID-19 cũng gián tiếp góp phần giảm tình trạng học thêm, dạy thêm, qua đó giảm áp lực cho học sinh cũng như chi phí cho phụ huynh; Có sự dịch chuyển du học nước ngoài sang các trường đại học trong nước và điều này góp phần phát triển hệ thống giáo dục trong nước.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự an toàn, vệ sinh ở trường học.