Nguyên nhân dịch bệnh “diễn biến phức tạp”, theo ông Phu, không liên quan đến y tế, mà là do sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động mạnh mẽ giữa các khu vực khiến mầm bệnh có thể dễ dàng bị phát tán, trở thành nguy cơ đối với những quốc gia đang nằm ngoài vùng dịch.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, nếu không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn, thì các dịch bệnh đang lưu hành và dịch bệnh mới có thể xâm nhập, bùng phát ở Việt Nam trong năm nay.
Trong khi đó, một số bệnh dịch lưu hành tại nước ta như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Zika, dại, liên cầu lợn, viêm não vi rút... vẫn còn là thách thức lớn trong việc giảm số mắc và tử vong. Kể cả các bệnh có vắc xin phòng bệnh vẫn không loại trừ khả năng có thể xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Riêng với cúm gia cầm, ông Phu “khẳng định” nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam có thể xảy ra. “Do Việt Nam có đường biên giới rất dài với Trung Quốc. Hiện tượng di trú của các loài chim hoang dã và sự nhập lậu các loại gia cầm qua đường biên giới sẽ dẫn đến việc xâm nhập dịch bệnh này vào Việt Nam”, ông nói với báo chí. Theo ông, nếu không làm tốt việc giám sát nhập lậu gia cầm qua đường biên giới, không làm tốt việc tuyên truyền, Việt Nam “có thể” có ca mắc H7N9.
Trong tháng 1/2017, Trung Quốc ghi nhận 79 người chết do cúm H7N9, cao gấp 4 lần cùng kỳ. Tính từ tháng 10/2016 đến nay, số người tử vong vì cúm H7N9 ở nước này lên đến 100 người. Cúm H7N9 tập trung ở 4 tỉnh Triết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy. Đây là các tỉnh đã từng ghi nhận các ổ dịch cúm A (H7N9) trong vài năm gần đây. Các trường hợp mắc đều có tiền sử đi qua các chợ buôn bán gia cầm sống hoặc có tiếp xúc với gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Theo Cục Y tế dự phòng, trong 2 năm qua, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm gia cầm ở người. Tuy vậy, vẫn có một số ổ dịch cúm H5N1, H5N6 trên gia cầm.
Liên quan đến thông tin từ Sở Y tế TPHCM công bố về trường hợp bệnh nhi 30 tháng tuổi (ngụ Q.8) tử vong do não mô cầu, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại bệnh viện cho kết quả âm tính. “Việc thăm khám lâm sàng thấy bé xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu, nổi ban... thì nghi ngờ bị não mô cầu. Tuy nhiên, đây là ca chưa xác định”, bác sĩ Khanh nói.
Sở Y tế TPHCM cũng đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi gửi đến Viện Pasteur TPHCM để kiểm tra. Hiện vẫn chưa có kết quả từ viện này.
Tử vong do bị chó cắn tăng mạnh
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2016, cả nước ghi nhận 91 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 13 trường hợp so với năm 2015. Đáng chú ý, các trường hợp mắc bệnh dại tập trung chủ yếu tại một số tỉnh phía Bắc. Đa số các trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng. Nhiều người không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn vì chủ quan, hoặc điều trị bằng thuốc nam và không ít người không tiêm do không hiểu biết gì về bệnh dại. Ngoài ra, nguyên nhân tử vong do bệnh dại vẫn ở mức cao là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó đạt thấp.
Năm 2016, cả nước cũng ghi nhận 90 trường hợp mắc liên cầu lợn làm 7 trường hợp tử vong. Mặc dù số ca mắc và tử vong đều giảm so với năm 2015, nhưng vẫn đáng cảnh báo vì đa số các trường hợp mắc là do ăn tiết canh sống.