Địa phương dành hàng trăm tỷ đồng chăm sóc, hỗ trợ trẻ trong Tháng hành động vì trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, các địa phương đã dành ngân sách và kêu gọi ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em.

Đánh giá tổng kết Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, hàng trăm tỷ đồng từ các địa phương đã được dành cho các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em.

Tiêu biểu như, Hà Nội bố trí ngân sách trên 6 tỷ đồng và vận động trên 16 tỷ đồng cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Thanh Hoá bố trí ngân sách 3,3 tỷ đồng và vận động 8,7 tỷ đồng để chăm lo trẻ em…

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động như: phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật nụ cười, trao học bổng, tặng xe đạp, sữa cho hơn 2.700 lượt trẻ em với tổng kinh phí hỗ trợ 2,4 tỷ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo để triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác truyền thông tại cộng đồng được chú trọng, triển khai tới gia đình, nhà trường, trẻ em về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cộng đồng trong việc quan tâm đối với trẻ em.

Từ cấp trung ương tới địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện thiết thực dành cho trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với thực hiện quyền trẻ em.

Các cấp ngành, địa phương đã quan tâm triển khai chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; huy động toàn xã hội chung tay, góp sức, dành những điều tốt nhất về cả vật chất và tinh thần cho trẻ em. Các địa phương tổ chức tốt hoạt động thăm hỏi, tặng quà, cấp học bổng và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Địa phương dành hàng trăm tỷ đồng chăm sóc, hỗ trợ trẻ trong Tháng hành động vì trẻ em ảnh 1

Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, bài về các hoạt động thiết thực và ý nghĩa trong Tháng hành động vì trẻ em của các bộ, ban, ngành, tổ chức và các địa phương trên cả nước. Bộ LĐ-TB&XH cũng sản xuất các phóng sự, video ngắn về thông điệp Tháng hành động vì trẻ em phát trên các kênh truyền hình, màn hình ở nơi công cộng; truyền thông về Tổng đài 111 trên xe bus tại Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình…

Bộ Công an tổ chức 30 lượt hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức hỗ trợ kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho con cán bộ, chiến sĩ; gửi tin nhắn đến các thuê bao di động với nội dung về phòng ngừa đuối nước cho trẻ em…

Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (Bộ Quốc phòng) đã tích cực duy trì hoạt động có hiệu quả trang Fanpage “Truyền thông Dân số, Gia đình và Trẻ em”; tổ chức cuộc thi “Clip tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình”, Ban Tổ chức đã nhận được 167 clip dự thi của 49/60 đơn vị; Chương trình Mẹ đỡ đầu... trong cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quân. Uỷ ban cũng phối hợp tổ chức các hoạt động “Em yêu biển đảo quê hương”, tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Chắp cánh ước mơ” với số tiền 500 triệu đồng. Đã nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu 142 trẻ em mồ côi; tặng 195 sổ tiết kiệm với số tiền 1,9 tỷ đồng và 413 xuất quà với tổng giá trị 896 triệu đồng…

Các địa phương tăng cường đăng tải, truyền thông điệp và khẩu hiệu truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương.

Các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; lắp đặt biển cảnh báo, biển cấm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã…

MỚI - NÓNG