Theo TTCP, giai đoạn 2003-2016, UBND TP Hà Nội và các sở ngành đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành. Các khu đất sau đó đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại...
Vì sao chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ?
Dự án Hinode City có diện tích sử dụng đất hơn 2,8ha; tổng mức đầu tư hơn 4.825 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ quý I/2017 đến quý I/2021.
Theo TTCP, nguồn gốc đất trước khi chuyển đổi mục đích do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng thuê làm trụ sở làm việc và nhà xưởng. Đến năm 2011 UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện đất để thực hiện dự án.
Tại kết luận thanh tra, TTCP chỉ rõ chủ đầu tư còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 17/9/2012, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất dự án là gần 475 tỷ đồng, nhưng đến ngày 28/2/2017 chủ đầu tư mới nộp đủ số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.
“Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Tuy nhiên, TTCP cho biết, theo báo cáo giải trình của UBND thành phố Hà Nội và chủ đầu tư, trong thời gian thực hiện dự án Hinode City, chủ đầu tư đồng thời ứng trước vốn để đầu tư xây dựng 1.050 căn hộ tái định cư thuộc dự án Khu tái định cư, công viên cây xanh và trung tâm thể dục tại phường 12, quận Bình Thạnh và 1.570 căn hộ tái định cư (khu 2) thuộc khu dân cư 38,4ha, phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.
Đến nay cả 2 dự án trên đã hoàn thành và bàn giao cho UBND TP.HCM nhưng ngân sách thành phố vẫn còn khoảng 533 tỷ đồng (tiền của chủ đầu tư xây dựng hạng mục kỹ thuật toàn khu dự án Khu tái định cư phường 12, quận Bình Thạnh) chưa thanh toán.
Vì vậy, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị xem xét, giải quyết không tính tiền chậm nộp số tiền hơn 143 tỷ đồng nêu trên theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính.
Cũng theo TTCP, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Hinode City không đúng quy định.
Cụ thể, liên ngành gồm Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục thuế trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất đã đưa khoản chi phí kiểm định chất lượng phù hợp công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng thể chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không định quy định của Bộ Tài chính, với số tiền là hơn 25 tỷ đồng.
TTCP nêu rõ, trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục thuế Hà Nội và chủ đầu tư dự án.
Để làm rõ những thông tin trên, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với đại diện chủ đầu tư. Theo lý giải, Vietracimex đã hoàn thành và nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước số tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, đối với số tiền phạt chậm nộp Vietracimex đã có báo cáo đến Thanh tra Chính phủ và UBND TP. Hà Nội đối với nội dung này.
Trong đó, báo cáo nội dung về việc Bộ Tài Chính đang xem xét, thẩm định và hướng dẫn Vietracimex đối trừ chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án khu Tái định cư công viên cây xanh và trung tâm thể dục thể thao tại P12, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. UBND TP.HCM cũng đang phối hợp cùng Vietracimex báo cáo giải trình Bộ Tài chính giải quyết dứt điểm về nội dung này. Dự kiến trong năm nay sẽ có kết quả chính thức.
“Với dự án này, số tiền phạt chậm nộp sẽ thực hiện đối trừ theo phương án đề xuất của Vietracimex nên Vietracimex khẳng định mọi quyền lợi của khách hàng đều được đảm bảo và chủ đầu tư cam kết bảo vệ quyền lợi của khách hàng mua nhà tại dự án”, vị đại diện chủ đầu tư cho hay.
Chủ đầu tư nói gì về việc thế chấp dự án?
Liên quan đến thông tin Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thông báo số 67/TB-VPĐKĐĐ-TTLT, thông báo danh sách chủ đầu tư đã thế chấp tại dự án Hinode City.
Cụ thể, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, ngày 3/1/2018, đơn vị đã thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là toàn bộ dự án Hinode City tại số 201 phố Minh Khai do Vietracimex làm chủ đầu tư đăng ký thế chấp tại Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Trao đổi với PV về việc này, đại diện chủ đầu tư cho hay, tại dự án này, Vietracimex đã có văn bản số 4640/VCB-KHDN 10/01/2018 và văn bản số 182/VCB.BĐ do Vietcombank ban hành ngày 30/3/2018 về việc: "Chấp thuận giải chấp căn hộ thuộc dự án đầu tư và xây dựng khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội theo tiến độ bán hàng".
Nội dung văn bản xác nhận Công ty được quyền kí kết Hợp đồng mua bán căn hộ thuộc Dự án Hinode City với khách hàng mua căn hộ theo mẫu Hợp đồng mua bán đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phê duyệt. Vietcombank Ba Đình cam kết giải chấp căn hộ theo tiến độ bán hàng thực tế. Do đó, chủ đầu tư được quyền ký kết Hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án Hinode City với khách hàng. Khách hàng mua căn hộ tại dự án Hinode City có quyền sử dụng căn hộ đã mua bán theo quy định của pháp luật như được mua bán, cầm cố, thế chấp…
“Trên thực tế, hiện tại đã có khách hàng mua căn hộ tại dự án Hinode City có nhu cầu và được Vietracimex tiến hành giải chấp thành công. Chúng tôi cam kết đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo quy định hợp đồng”, vị này khẳng định.
Theo nhiều chuyên gia, việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp không còn là chuyện mới, điều này là hết sức bình thường bởi để có nguồn tài chính xây dựng dự án, hầu như chủ đầu tư nào cũng mang dự án đi thế chấp. Điều quan trọng, việc thế chấp dự án phải được chủ đầu tư công khai và giải chấp khi bán hàng, khi ký kết hợp đồng với người mua để tránh những rủi ro về sau.