Địa ốc 2017: Bùng nổ tranh chấp, nhiều 'ông lớn' bị thanh tra

Nhiều sai phạm tại khu đô thị mới Thành phố giao lưu (Hà Nội) được Thanh tra Chính phủ kết luận
Nhiều sai phạm tại khu đô thị mới Thành phố giao lưu (Hà Nội) được Thanh tra Chính phủ kết luận
TPO - Năm 2017, rất nhiều kết luận thanh tra về những sai phạm các dự án, chủ đầu tư và cơ quan quản lý trong lĩnh vực bất động sản. Không dừng ở đấy, bước sang năm 2018, một loạt “ông lớn” tiếp tục được thanh tra như Bitexco, Geleximco, C.E.O Group.. 

Thất thu 6.000 tỷ với đủ kiểu vi phạm

Một trong những kết luận của Thanh tra Chính phủ trong năm 2017 là chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123 của UBND TP Hà Nội (giai đoạn từ 2002 đến 2014).

Qua thanh tra cho thấy việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, nâng chiều cao tầng nhà…). Những vi phạm trên làm lợi cho chủ đầu tư vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước. Điều này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, trong khi ngân sách nước bị thất thu ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trong danh sách các dự án, khu đô thị được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra với đủ kiểu sai phạm, vi phạm, với nhiều gương mặt của những ‘ông lớn’ trong giới BĐS hiện nay của Hà Nội. Đơn cử, dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ do Cty Vinaconex 2 (Vinaconex 2) hợp tác với Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.

Dự án Khu nhà ở tại số 628 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê và nhà chung cư cao cấp FLC Landmark Tower của Cty TNHH một thành viên FLC Land; Dự án thành phố Giao lưu do Cty CP Đầu tư xây dựng Quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư; Khu đô thị Xa La của Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; Dự án, khi xây dựng xong tòa nhà chung cư cao tầng có ký hiệu NO- 10 thuộc KĐT mới Dịch Vọng của Cty CP Tập đoàn Hà Đô; Cty CP Thanh Bình, chủ đầu tư dự án KĐT Dịch Vọng…

Địa ốc 2017: Bùng nổ tranh chấp, nhiều 'ông lớn' bị thanh tra ảnh 1 Khu đô thị The Manor Central Park của Bitexco liên tục nằm trong danh sách thanh tra
Bên cạnh đó, các dự án lớn theo hình thức BT cũng được Thanh tra Chính phủ công bố kết luận vi phạm trên địa bàn Hà Nội như: đường Lê Văn Lương kéo dài, Nhà máy nước Yên Sở, nút giao thông Long Biên, đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ và đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên. Các dự án đều liên quan đến các “đại gia” như Bitexco, Tasco, Cienco, Gamuda Hà Nội…

Thị trường đất nền lên cơn sốt trước thông tin xây cầu, lên quận

Đầu năm 2017, cơn sốt đất nổ ra đáng chú ý đầu tiên tại Đà Nẵng do có thông tin xây hầm chui song Hàn. Giá đất tại Sơn Trà, Cẩm Lệ có thời điểm đã độn giá lên gấp 2 – 3 lần.

Quận Liên Chiểu nằm phía bắc Đà Nẵng cũng sốt lên sau thông tin về việc xây dựng hoàng loạt dự án hạ tầng lớn ở đây. Giá cũng được đưa lên 1,5 – 2 lần.

Tại Hà Nội, cơn sốt đáng chú ý diễn ra tại huyện Đông Anh với mức tăng giá 60 - 70% do VnREA cung cấp. Cụ thể, giá đất mặt đường đẹp, gần cầu Nhật Tân dao động 30-40 triệu đồng/m2, còn trong ngõ từ 15-25 triệu đồng/m2.

Hàng loạt cơn sốt ảo đất nền, phân lô bán nền trước thông tin về việc quy hoạch xây dựng hàng loạt cầu vượt sông Hồng tại Hà Nội đã làm cho giá nhà đất tại các địa bàn như Long Biên, Đông Anh, Tây Hồ…, lên xuống như “sóng”.

Tại TP. HCM, thông tin về các huyện ven đô lên quận cùng với việc xây dựng hạ tầng giao thông, các cây cầu nối trung tâm với ngoại ô cũng làm bùng nổ cơn sốt đất diễn ra khắp các quận, huyện trên địa bàn từ khu Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) lan ra khu Nam (quận 7, 8, huyện Nhà Bè…) rồi đến khu Tây (quận 12, Tân Phú, Bình Tân ...)…

“Ngọn lửa bùng phát”, giá đất tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần khiến HoREA phải kiến nghị khẩn cấp UBND TPHCM có biện pháp “dập lửa”. Thậm chí, chính quyền TP. HCM buộc phải có các biện pháp làm giảm cơn sốt.

Địa ốc 2017: Bùng nổ tranh chấp, nhiều 'ông lớn' bị thanh tra ảnh 2 Nhà đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội) sốt vì "mồm" cò đất

Bùng nổ các vụ tranh chấp chung cư

Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội và TP HCM, từ những khu chung cư giá rẻ cho đến các dự án chung cư cao cấp như: Home City, Him Lam Thạch Bàn 2, New Horizon, Capital Garden, Golden West, Parkview Residence, Goldmark City, Goldsilk Complex, Imperia Garden, Ngoại giao đoàn, 203 Nguyễn Huy Tưởng…

Chỉ riêng ở TP. HCM trên địa bàn thành phố có 96 chung cư (trên tổng số 2.148 chung cư) phát sinh tranh chấp.

Địa ốc 2017: Bùng nổ tranh chấp, nhiều 'ông lớn' bị thanh tra ảnh 3

Việc tranh chấp chung cư vẫn chưa có lời giải

Các vấn đề tranh chấp tập trung vào những nội dung như: bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC…

Việc bùng nổ tranh chấp chung cư diễn ra đến mức Bộ Xây dựng phải có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và TP HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Theo ý kiến của cơ quan chức năng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết.

BĐS nghỉ dưỡng “hỗn loạn”, tìm cách “giải cứu” condotel

Năm 2017, thị trưởng BĐS nghỉ dưỡng tăng trưởng mạnh về số dự án mở bán mới, lượng giao dich, giá bán từ đà năm 2016. Tuy nhiên việc đổ bộ mạnh về thị trường BĐS nghỉ dưỡng khiến cho mọi thứ hỗn loạn và rất dễ xảy ra rủi ro.

Vụ tranh chấp tại dự án Bavico (Nha Trang) là một bằng chứng cho thấy khả năng chủ đầu tư không thể thực hiện được cam kết lợi nhuận là hiện hữu, đồng thời cũng là một điển hình cho sự “tắc trách” của chính quyền khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư sai lệch, tạo điều kiện cho chủ đầu tư “lừa” khách hàng.

Năm 2017 cũng là năm bùng nổ căn hộ condotel, officetel với hàng loạt dự án được chào bán trên thị trường của chủ đầu tư bất chấp về pháp lý của loại hình này chưa có. Thậm chí theo ông Phạm Văn Thường - Trưởng phòng Quản lý BĐS, Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), loại hình này chỉ dựa vào cam kế của chủ đầu tư thì sau này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Hợp đồng do chủ đầu tư soạn chứ có phải là thoả thuận.

Điều đáng nói, sau Bộ Xây dựng nhiều lần kiến nghị pháp lý cho condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng), mới đây, Bộ TN&MT vừa có tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật Đất đai 2013 sau bốn năm thực hiện, trong đó có các loại hình nhà ở trên.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) chỉ rõ, cả hai giải pháp Bộ TN&MT đưa ra để “giải cứu” condotel, officetel đều bất cập và không hợp lý.

Địa ốc 2017: Bùng nổ tranh chấp, nhiều 'ông lớn' bị thanh tra ảnh 4 Dự án condotel Panorama Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang làm chủ đầu tư vừa dính lùm xùm kiện cáo với nhà thầu Conteccons. Ttong khi đó Bộ TN&MT lại tìm cách "giải cứu" condotel

Bùng nổ DN kinh doanh địa ốc: Nên vui hay buồn

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, riêng năm 2017, cả nước có 5.065 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới với tổng số vốn trên 388.000 tỷ đồng. Trung bình một ngày có 14 doanh nghiệp bất động sản ra đời. Số vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp địa ốc là 77 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.

 Số DN thành lập mới và vốn đăng ký tăng lần lượt 15,2% và 45,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ 2016.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc có càng nhiều các công ty bất động sản nhảy vào thị trường càng làm cho thị trường rối loạn. Việc này đã từng xảy ra trong quá khứ, đã có những nhà bất động sản đẩy giá lên, tạo ra “bong bóng” và cuối cùng gây ra thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế; trong đó có vấn đề nợ xấu. “Thị trường khởi sắc thì nhiều người muốn tham gia, tuy nhiên, trong sự tích cực ấy cũng tiềm ẩn mức độ rủi ro nếu có quá nhiều doanh nghiệp được tham gia vào thị trường. Chính vì vậy, vấn đề làm sao quản lý được rủi ro cần phải được đặt ra”, TS Hiếu cảnh báo.

Địa ốc 2017: Bùng nổ tranh chấp, nhiều 'ông lớn' bị thanh tra ảnh 5 Việc bùng nổ DN địa ốc nên buồn hay vui?

Tiếp tục thanh tra hàng loạt các 'ông lớn' BĐS

 

 Năm 2017, rất nhiều kết luận thanh tra về những sai phạm các dự án, chủ đầu tư và cơ quan quản lý trong lĩnh vực bất động sản. Không dừng ở đấy, bước sang năm 2018, một loạt “ông lớn” tiếp tục được thanh tra.

Theo quyết định của Thanh tra Bộ Xây dựng về kế hoạch thanh tra năm 2018. Bộ sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án.

Địa ốc 2017: Bùng nổ tranh chấp, nhiều 'ông lớn' bị thanh tra ảnh 6

Kế hoạch năm 2018 của Bộ Xây dựng, nhiều "ông lớn" BĐS sẽ bị thanh tra

Trong số hàng loạt dự án BĐS bị điểm tên thanh tra năm 2018 có rất nhiều dự án lớn của các 'đại gia' như Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group); Khu đô thị The Manor Central Park của Bitexco; khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây của Cty TNHH Phát triển THT và loạt dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình của Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).

Một số cái tên đáng chú ý khác là: Khu nhà ở Thạch Bàn, tổ hợp văn phòng nhà ở, siêu thị cao cấp MD Complex Tower, nhà ở của Quân khu 5, nhà ở Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, khu nhà ở Bộ tư lệnh tăng thiết giáp, khu nhà ở Quân khu 7 của Tổng Cty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng; Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang của Cty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn; Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, dự án Higlander Resort của Cty TNHH TM - DV Thiên Nhân II.

Dù lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho hay, đây là hoạt động thanh tra thường kỳ trong năm 2018, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ở các thị trường “sốt nóng” như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…., việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên là cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá làm nhiễu loạn thị trường. 

MỚI - NÓNG