'Địa đạo' chọc thủng định kiến phim chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
TP - ​Không tô hồng, không lên gân, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối làm được việc mà điện ảnh Việt né tránh suốt hàng chục năm: Nói về chiến tranh bằng sự thô ráp, khốc liệt và chân thật như nó vốn là. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên để lòng đất kể lại một phần lịch sử bằng sự yên lặng đau đớn nhất.

Một bộ phim có thể mang ra thế giới

Một trong những điều khiến Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối trở thành bộ phim chiến tranh đặc biệt trong điện ảnh Việt, chính là cách nó từ chối tô hồng lịch sử và né tránh mọi thứ “đẹp hơn sự thật”.

Trong khi phần lớn các phim chiến tranh nội địa vẫn mắc kẹt trong kiểu làm phim sân khấu hóa, xây dựng hình ảnh người lính luôn sạch sẽ, phát biểu câu nào cũng gồng gánh triết lý, Địa đạo đi thẳng vào phần tối của chiến tranh.

Bối cảnh địa đạo ở chiến trường Bình An Đông (huyện Củ Chi) hiện lên chật hẹp, ngột ngạt, ẩm thấp và tối tăm đúng như những gì nó từng là, một thế giới ngầm vừa nuôi sống, vừa che chở, vừa đè nặng lên thể xác lẫn tinh thần những người du kích “chân trần chí thép”.

Địa đạo không có tham vọng tái hiện toàn bộ cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài 21 năm ở Việt Nam. Nó chỉ là một lát cắt, một câu chuyện nhỏ trong cả trường thiên chiến tranh nhân dân. Nó không phải là Phía Tây không có gì lạ (bộ phim chiến tranh của Đức gây chấn động năm 2022 khi tái hiện Thế chiến I với những đại cảnh hoành tráng, thắng lớn tại Oscar 2023 với 4 tượng vàng), mà nó là Bên dưới đồi 60 (Beneath Hill 60, bộ phim Úc kể về câu chuyện có thật của đại đội công binh số 1 Úc trong Thế chiến I, khi họ đào hầm dưới chiến trường để đặt thuốc nổ dưới phòng tuyến của Đức), là ​Trốn trong lòng địch (In Darkness, 2011, dựa trên câu chuyện có thật về một công nhân cống ngầm ở Ba Lan, trong Thế chiến II, đã giúp giấu một nhóm người Do Thái trong hệ thống cống để tránh sự truy bắt của Đức Quốc xã).

'Địa đạo' chọc thủng định kiến phim chiến tranh ảnh 1

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và anh hùng Tư Cang (chỉ huy cụm tình báo H63), anh hùng Tô Văn Đực (nguyên mẫu của nhân vật Tư Đạp) trong buổi ra mắt phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

Về cơ bản, chúng đều là những bộ phim lớn. Nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương: “Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ đồ sộ là lớn, mà Ông già và biển cả, Người đẹp say ngủ mỏng tang cũng là lớn. Tác phẩm lớn đôi khi mổ một tế bào thôi nhưng trong tế bào ấy nó có đầy đủ tố chất của dân tộc, đâu phải cứ đại cảnh nghìn trang mới là tác phẩm lớn đâu”.

Ở đây, không thể không nói đến sự kiểm soát không gian và ánh sáng, hai yếu tố then chốt trong việc tái hiện địa đạo Củ Chi như một sinh thể sống. Bối cảnh dưới lòng đất thoát khỏi chức năng phông nền, trở thành một nhân vật: chật hẹp, ẩm ướt, âm u và luôn đe dọa bóp nghẹt những người sống trong nó. Ánh sáng được xử lý hạn chế, chủ yếu từ đèn dầu, tạo cảm giác tù túng, thiếu dưỡng khí và cảm giác giam hãm, bó buộc con người trong không gian chiến tranh. Chuyển động máy quay của Địa đạo mang tính quan sát hơn là áp đặt cảm xúc, giống như con mắt đứng ngoài, lạnh lùng, buộc khán giả phải tự chiêm nghiệm. Tiếng súng, bom, tiếng trực thăng gầm rú từ trên cao của những trận càn, tiếng nước bơm vào hầm, tiếng thở gấp, tiếng sụt đất, thậm chí cả tiếng gà dưới lòng địa đạo đều được ghi nhận bằng những âm nhịp gãy gọn, chính xác, gần như phẫu thuật.

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối lấy bối cảnh tại địa đạo Củ Chi năm 1967 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Phim tập trung vào đội du kích 21 người tại căn cứ Bình An Đông, do Bảy Theo (Thái Hòa thủ vai) chỉ huy, với nhiệm vụ bảo vệ nhóm tình báo chiến lược ẩn náu dưới lòng đất và đối mặt với các cuộc càn quét liên tục của quân Mỹ.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dành hơn 10 năm để phát triển dự án này, với mong muốn tái hiện chân thực sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần kiên cường của nhân dân Củ Chi. Phim được sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước .

Trong quá trình sản xuất, đoàn làm phim đã xây dựng lại hệ thống địa đạo tại phim trường để tái hiện chân thực không gian chật hẹp và ngột ngạt dưới lòng đất. Phim cũng gây chú ý với việc đưa vào một số cảnh “nóng” giữa các nhân vật, nhằm thể hiện khía cạnh con người và tình cảm trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, những cảnh này được cân nhắc kỹ lưỡng để tôn vinh yếu tố nhân bản và khát khao sống của con người trong thời chiến.

Diễn xuất của dàn diễn viên trong Địa đạo cũng là một điểm cộng. Thái Hòa, vốn quen thuộc với các vai hài, hóa thân thành Bảy Theo có sự tiết chế và chuyển biến cảm xúc tinh tế. Anh không cần gằn giọng hay sầm mặt để thể hiện vai người chỉ huy, chỉ bằng ánh mắt đăm chiêu, dáng đi trĩu nặng và vài phút trầm mặc giữa tiếng súng, cũng đủ khiến nhân vật tạo ra vô vàn khắc khoải với người xem. Quang Tuấn, như thường lệ, giữ nhịp rất tốt, còn Hồ Thu Anh là bất ngờ thú vị khi xây đắp được một nhân vật nữ giữa chiến tranh không bị lãng mạn hóa, không sa vào khung mẫu “anh hùng nữ tính”. Tất cả yếu tố này khiến người xem hiện đại, vốn đã quen với điện ảnh Hàn, Mỹ, chịu ngồi lại, tin vào một câu chuyện Việt Nam.

'Địa đạo' chọc thủng định kiến phim chiến tranh ảnh 2

Thái Hòa vai anh Bảy theo được giới chuyên môn đánh giá cao về diễn xuất

'Địa đạo' chọc thủng định kiến phim chiến tranh ảnh 3

“Địa đạo” từ chối tô hồng lịch sử và né tránh mọi thứ “đẹp hơn sự thật”

Vì sao còn ít quá những phim như Địa đạo?

Khi tôi đem câu hỏi này gửi đến những người làm việc trong ngành điện ảnh, họ có chung một ý kiến: Hạn chế về kinh phí và cơ sở hạ tầng.

“Phim về đề tài cách mạng, lịch sử thường đòi hỏi ngân sách lớn để tái hiện bối cảnh, trang phục và đạo cụ chính xác. Tuy nhiên, việc thiếu hụt kinh phí và cơ sở hạ tầng như trường quay chuyên nghiệp đã khiến nhiều dự án gặp khó khăn. Cho đến hiện tại, các phim chiến tranh của Việt Nam thường rơi vào tình trạng kinh phí không đủ, dẫn đến thiếu đầu tư cho các hạng mục quan trọng trong quá trình làm phim”, đạo diễn Hữu Mười chia sẻ. Ông từng nhận làm bộ phim chiến tranh Mùi cỏ cháy với kinh phí 5,2 tỷ đồng ở thời điểm năm 2012 theo đơn đặt hàng của Nhà nước. “Cũng phải giật gấu vá vai và chấp nhận bối cảnh giả, chứ biết làm sao”, ông nói.

Tính tới chiều 8/4, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối thu về hơn 84 tỷ đồng doanh thu chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi ra mắt. Bộ phim được dự đoán sớm cán mốc 100 tỷ đồng, với hơn 4.000 suất chiếu/ngày.

Một lý do khác, theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều là đề tài lịch sử khó làm vì khán giả không chấp nhận sự sáng tạo, coi phim lịch sử như phim tài liệu. Trên thực tế, bản chất của nghệ thuật không phải là lặp lại lịch sử, mà là làm sống lại tinh thần của lịch sử qua ngôn ngữ điện ảnh. Một bộ phim cách mạng thành công không nằm ở chỗ liệt kê đúng bao nhiêu sự kiện, mà ở chỗ khiến người xem tin vào con người trong cuộc chiến ấy, với đủ sợ hãi, giằng xé và khát sống như chính họ.

Xưa nay, làm phim chiến tranh ở Việt Nam vốn được coi là “đặc quyền” của Nhà nước, bởi chỉ có ngân sách công mới đủ sức gánh những dự án tốn kém, nhiều yêu cầu chính trị, dễ nhạy cảm và khó sinh lời. Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối có thể coi là “quân tiên phong” trong việc làm phim cách mạng bằng tiền tư nhân.

Phim cho phép người lính được run rẩy, được hoảng loạn, được chết trong cô độc, như một con người thực sự. Phim không có “kẻ thù khát máu” hay “người hùng toàn năng”, chỉ có những mảnh số phận bị ném vào một cuộc chiến sinh tồn tàn khốc. Chính sự chân thực ấy khiến bộ phim thở được, thở bằng nhịp thở nặng nề của lòng đất, của chiến tranh, chứ không phải bằng những câu thoại sượng trân và những hình ảnh đầy mị cảm.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Nông dân tự chế “thủy điện xanh”

Nông dân tự chế “thủy điện xanh”

TP - Một nông dân mới chỉ học hết lớp 3 nhưng chế tạo tua bin thủy điện mang thương hiệu riêng. Trong hơn 30 năm, ông đã tự xây dựng thành công 3 tổ máy thủy điện nhỏ thân thiện với môi trường.
Kỳ lạ bộ hài cốt trong hang động Quảng Bình

Kỳ lạ bộ hài cốt trong hang động Quảng Bình

TP - Ngày 17-11, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: Các chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã có mặt ở hang Ton để nghiên cứu về hai bộ hài cốt mà người địa phương vừa phát hiện.
Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

Ngày 6-6, Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã mời hai thí sinh thực hiện việc quay clip gian lận thi cử đến làm việc. Vị giáo viên lưu giữ và cung cấp clip cũng được một công an tỉnh tới hỏi chuyện.
Năng lượng tái tạo từ biển

Năng lượng tái tạo từ biển

TP - Dựa vào Chiến lược Biển VN đến năm 2020, năng lượng biển đúng là đang bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước đầu tư mạnh cho năng lượng biển, hoạt động triển khai ở nước ta vẫn chưa được tiến hành hệ thống.
Cần hàng nghìn nhân lực cho dự án điện hạt nhân

Cần hàng nghìn nhân lực cho dự án điện hạt nhân

TP - Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vừa cho biết: Để vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong thời gian tới, số lượng nhân viên dự kiến lên đến 2.200 người, phân bổ cho các ngành kỹ thuật hạt nhân, công nghệ thông tin, thí nghiệm và điều khiển điện tử, an toàn bức xạ...?