Đi xem vua

Đi xem vua
TP - Định bụng đi chợ chứ không chủ đích xem tân vương nước Bỉ, ấy thế mà vừa nghe biển người hò hét “leve de koning” (đức vua muôn năm), tôi và mẹ chồng Tây cuống cuồng nhào đến quảng trường Tòa thị chính thành phố Leuven. Sáng thứ sáu 6/9, lần đầu tiên sau gần 4 năm sống ở Bỉ, tôi đi mua sự hiếu kỳ.

> Tân vương Bỉ Philippe đăng quang
> Hà Lan có tân vương

Chính báo giới của Bỉ cũng thông cảm với người nhập cư vào nước này bởi “một đất nước khó hiểu: 7 chính phủ, 3 ngôn ngữ, hai thủ đô, hơn 500 loại bia và giờ đây, sau khi vua Albert nhường ngôi cho con trai trưởng là thái tử Filip vào ngày 21/7/2013, chúng ta có đến 3 hoàng hậu.” Tôi chắc người ta có ý than phiền, vì trong khi bà hoàng Fabiola (tức vợ vua Boudewijn- anh trai của vua Albert, đã mất cách đây 20 năm) vẫn khỏe mạnh, rồi bà Paola - vợ vua Albert vừa thoái vị nhưng vẫn phải gọi là hoàng hậu chứ còn cách nào khác, thì nay dân chúng lại có đương kim hoàng hậu Mathilde- vợ tân vương Filip.

Thời buổi châu Âu đang sống trong khủng hoảng Euro, sự hoán đổi ngôi vị vua chúa quy ra ngay tiền bạc. Từ nay cựu vương Albert và hoàng hậu Paola chỉ nhận mức lương hưu khoảng 923.000 Euro hàng năm- tương đương mức của Filip thời là thái tử, nhưng sẽ phải đóng thuế 180.000 Euro, và mỗi bà hoàng ở một cung riêng tránh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Người ta kể rằng năm 1993, khi vua Albert và hoàng hậu Paola chuyển vào hoàng cung sống (vua Albert kế vị anh trai vì vua Boudewijn đột ngột qua đời và không có con cái), hoàng hậu- quả phụ Fabiola trở về sau chuyến nghỉ ngắn ngày bỗng thấy đồ đạc của mình bị đóng gói để ở hành lang! Mẹ chồng nàng dâu hầu như chẳng mấy khi sống chung nữa là chị em dâu kiểu Âu!

Hàng chục nghìn người tụ về trung tâm thành phố Leuven đúng chính ngọ. Nhiều công chức văn phòng, các bà chủ nhà mặt phố từ tầng hai và ba tì vào cửa sổ, ban công chờ vua bước ra. Chắc hiếu kỳ là chính, chứ đón vua với một lòng thành kính ai lại đứng trên cao nhìn xuống tân vương thế bao giờ! Nắng cuối hè óng ả tơ tằm buông những dòng vàng ôm phủ kiến trúc cổ kính của tòa thị chính. “Cháu muốn xem vua”, “Còn cháu thích hoàng hậu”, hai bé gái chừng 7- 8 tuổi đứng cạnh tôi sốt ruột. Hôm nay không đi học à? Tôi hỏi. “Lớp cháu được nghỉ học để đi đón vua”. À, cũng hình thức gớm nhỉ!

Đội xiếc rất khỏe, chồng người và đi cà kheo dưới trời nắng không biết mệt mỏi, đội kèn trống yếu hơn, có cô bé chờ lâu quá ngồi bệt xuống đường ngủ khì khì. Những cờ quạt, thanh la, trống chiêng và biểu diễn nghệ thuật đường phố được chính quyền thành Leuven huy động thực ra phục vụ công chúng là chính. Coi như vua đến cũng là một dịp vui, một ngày hội, chứ vua Filip và hoàng hậu Mathilde bước ra cửa vẫy vẫy, đi bộ vài mét rồi vào xe hơi, không bắt tay dân chúng lâu như tôi tưởng. Vua đi BMW, không phải siêu xe ghê gớm cho lắm, được cái biển số “độc”. Vua Filip xuất hiện với comple ngày thường, hoàng hậu Mathilde mặt bị che một nửa bởi chiếc mũ nâu rộng vành.

Khi tôi quay lại, thấy gương mặt mẹ chồng thật khác lạ. Tưởng rằng bà bỏ cả buổi chợ và kiên nhẫn chờ tân vương để chiều lòng con dâu châu Á, ai ngờ ánh mắt bà có vẻ xúc động, giơ điện thoại di động lên chụp hình vua Filip vẫy tay qua cửa kính xe hơi. Chỉ có những đứa trẻ là được đội vương miện đồ chơi đi đón vua, còn vua nước Bỉ đầu không đội gì. “Nữ hoàng Anh và vua Hà Lan thỉnh thoảng đội vương miện vào dịp lễ đặc biệt, nhưng vua nước Bỉ thì không bao giờ, ngay cả lúc lên ngôi, vì họ muốn là vua của quần chúng nhân dân”. Mẹ chồng giải thích. Đối với Hoàng gia, bà không tôn thờ nhưng có cảm tình, dù sao đây cũng là biểu tượng cuối cùng của tình đoàn kết Vương quốc Bỉ theo ý nghĩa một quốc gia thống nhất.

Nhưng trong tôi lúc này chỉ liên tưởng đến cung điện Hoàng gia Bỉ- một cung điện “đang sống” không có hàng lính bồng súng đổi gác mỗi ngày và luôn mở cửa miễn phí cho khách tham quan mùa hè, học sinh làm thủ công ngay trong những căn phòng sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ở đất nước có quá nhiều sự khác biệt về chính trị và ngôn ngữ như Bỉ, vai trò trung lập đức vua gắng nắm giữ là cần thiết khi xung đột, căng thẳng tăng lên. Trong xã hội hiện đại, vua cứ làm vua. Tôi tán thành cái cách nhân dân tung hô vua, nhưng nhân dân cũng phán quyết- tài chính cấp cho Hoàng gia sẽ phải giảm theo từng năm, vua không muốn giản dị cũng không được!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG