Đi tìm thuốc giấu cứu ngàn trâu

Đi tìm thuốc giấu cứu ngàn trâu
TP - Vùng thượng nguồn sông Hương (tỉnh TT- Huế) rộng lớn từ bao đời vẫn truyền miệng về bài thuốc giấu chữa dứt bệnh cho hàng ngàn gia súc qua nhiều mùa đông giá rét. Đến giờ, rất nhiều người còn tin vào hiệu nghiệm của trị liệu kỳ bí.

'Vua biệt dược phòng the' thượng nguồn sông Mã
> Đội 'vác tù và' với 243 căn nhà miễn phí

Bí ẩn

Tình cờ lật báo đọc thông tin về khả năng chữa trị rắn độc cắn cứu người thần kỳ của một thầy lang vùng núi phía Bắc, anh bạn giáo viên trường huyện Hương Trà chợt nhắc về quê mình ở xã Hương Thọ, nơi có những thầy lang biết dùng khả năng huyền bí làm lành vết hoại tử nhiễm giòi ở gia súc, thậm chí cho cả con người. Theo lời đồn, bài thuốc của các thầy lang vùng thượng nguồn sông Hương có xuất xứ từ cây và lá rừng, được công phu chế luyện bằng năng lượng siêu hình và lưu truyền kỳ bí từ đời này sang đời khác…

Không khó để tìm những dị nhân chữa bệnh, trị thương cho các loài vật nuôi hiện còn sống trên vùng núi Hương Thọ. Vừa đặt chân đến bến đò Thạch Hàn nối đôi bờ Hữu Ngạn sông Hương, hỏi chuyện mấy thầy lang, người đàn ông trung niên tên Tuấn sốt sắng: “Đúng là vùng ni rồi. Cứ mùa rét là có lắm người tìm về đây nhờ chữa trị cho trâu bò. Đi một đoạn qua khỏi nhà thờ kia, hỏi bác Sở hay mệ Phận có tài trị thương cho gia súc, ai cũng biết. Về dưới kia một đoạn thì có ông Đệ, nổi tiếng nhất vùng. Kể cũng lạ, không biết mấy bác dùng cách chi mà giòi bọ từ vết hoại tử cứ ngoi ra ngoài hết trơn. Ruồi nhặng không dám bu vô nữa. Thương tích chỉ dăm ba hôm là lèng (lành) lặn trở lại”.

Thầy lang Lê Văn Đệ trú thôn La Khê Trẹm (Hương Thọ), mới ngoài 50 tuổi nhưng có thâm niên gần 30 năm dùng thuật “thuốc giấu” chữa thương cho hàng trăm gia súc các xã thượng nguồn sông Hương. Đang bấn bíu làm đồng, tưởng có khách ghé nhà nhờ chữa cho trâu, ông Đệ mặt còn lấm bùn quay vội về nhà. “Tui cất công học bài “thuốc giấu” từ người cao niên không vì mục đích tư lợi tiền bạc hay muốn nổi tiếng. Ở nơi cách sông trở đò như ri, tui học làm thuốc cốt để tự chữa cho vật nuôi nhà mình thôi. Dần dà, bà con xung quanh truyền miệng ra ngoài, chứ tui đâu dám nhận mình là thầy cô gì”, ông Đệ kể.

Mấy chục năm về trước, dân các xã vùng thượng nguồn sông Hương thường có thói quen thả rông hàng loạt trâu bò vào rừng dài ngày. Khi chúng đánh nhau, mắc bẫy thú, bị kẻ xấu chặt đuôi, ngã núi, dính thương vào mùa đông giá rét, người nuôi khó có điều kiện tiếp cận chữa trị kịp thời. Nhiều con bị lở loét, mắc giòi lăn ra chết, gây thiệt hại kinh tế. Với điều kiện thú y còn nhiều hạn chế tại vùng chia cách như Hương Thọ lúc bấy giờ, người dân chỉ còn biết dựa vào các thầy lang.

Trước hôm chúng tôi ghé nhà, ông Đệ vừa làm thuốc chữa lành cho trâu của người hàng xóm tên Chớ bị nhiễm giòi sâu ở cổ. Ông Đệ diễn tả cách làm thuốc rất lạ. Khi chủ nuôi có yêu cầu, thầy lang không cần tiếp cận trực tiếp mà chỉ hỏi tên con vật, độ tuổi, giới tính, vị trí thương tích, nơi gặp nạn, tên chủ nuôi, sau đó ghi chép lại cẩn thận và bí mật làm thuốc. Nếu báo sai thông tin, thuật thuốc không phát huy tác dụng. Qua lần đầu dùng thuật không khỏi, thầy lang sẽ trực tiếp tác động trị thương lên con vật. “Nếu là con cái thì dùng 9 ngọn lá, con đực chỉ cần 7 ngọn để đuổi giòi, trị thương”, ông Đệ kể.

Chữa miễn phí

Đến giờ, không ai biết cây “thuốc giấu” mà ông Đệ dùng trị thương cho gia súc thuộc loại gì. Cố hỏi, ông chỉ trả lời qua quýt đó là một thứ cây mà ai cũng có thể tìm thấy trong vườn nhà vùng núi. Theo ông, người luyện thuốc mỗi ngày phải gần gũi, chuyên tâm truyền năng lượng cho cây từ lúc chúng còn non. Khi có những biểu hiện đặc biệt báo hiệu cây đã thành thuốc, người luyện kỳ mộc dược mới đưa vào sử dụng.

Đi tìm thuốc giấu cứu ngàn trâu ảnh 1

Ngoài biệt tài cứu chữa trâu bò, ông Đệ còn trị thương cho cả chó, lợn. Không chỉ dân trong vùng, mà các xã lân cận, thậm chí từ thành phố và người của trại nuôi bò quốc doanh ở vùng Bình Thành cũng hay tìm đến ông nhờ giúp miễn phí. Ông Đệ cho biết: “Vật nuôi được chữa trị phần lớn bị thương nhiễm giòi nặng ở những vị trí đặc biệt sâu trong lỗ tai, trên đầu, dưới rốn. Ngay cả chủ nuôi quen hơi mỗi ngày và thú y viên cũng rất khó tiếp cận để làm thuốc theo phương pháp thú y hiện đại, do chúng quá hung dữ, ví như chó bec-giê hay trâu bò đực. Ngoài ra là những gia súc ở tít sâu trong rừng”.

Ông Đệ học được thuật “thuốc giấu” từ một người làng, nhưng thầy lang này không nhớ nổi đã bao lần dùng nó cứu sống gia súc: “Tui học từ thầy Thân trong làng, nay ông ấy đã mất. Thầy tui còn chữa được vết thương nhiễm giòi ở người. Từ xưa tới chừ, tui không bao giờ quảng bá cách chữa trị của mình và không khuyên dùng. Ở đâu có gia súc gặp nạn cần tới thì tui giúp thôi, chưa hề nhận của ai đồng nào, nhiều lắm chỉ là gói trà. Ai không tin cũng chả sao. Là “thuốc giấu” nên chỉ có thể nói cho nhà báo đến vậy thôi. Muốn tìm hiểu thêm, các anh nên hỏi mấy bác biết làm thuốc ở làng bên”. Ngại kể về hiệu quả, ông Đệ khuyên chúng tôi nên đi hỏi dân chăn nuôi trong vùng thì hơn…

Cũng như thầy lang Đệ, ông Trương Sở (gần 80 tuổi, trú thôn Thạch Hàn) biết dùng thuật “thuốc giấu” hàng chục năm nay. Không được thầy đi trước truyền dạy căn bản như người khác, ông Sở phải mất hàng năm trời học lỏm từ một bô lão trong vùng, rồi tự mày mò hoàn thiện bài thuốc. “Cái tui học được là từ ông Mạnh cùng thôn, cách đây đã năm sáu chục năm. Ông Mạnh là thầy giỏi nhưng không truyền thuốc lại cho ai. Hồi đó vô rừng chăn trâu, tui rình xem cách ông đó chữa trị cho các vật nuôi rồi lén học lại”, ông Sở kể.

Đến nay, dù chữa cho hàng trăm gia súc, ông Sở nhớ nhất vẫn là lần trị lành cùng lúc 4 con bò cho một trại nuôi tại xã Hương Chữ (Hương Trà). Bò đánh nhau bị thương, trại nuôi có hàng trăm con nên công nhân rất khó chữa trị. Những con nhiễm giòi lại hung dữ, mỗi lần thú y và người nuôi đến gần là chúng lồng lên đá hậu rồi phóng chạy náo loạn. Một công nhân tên Sơn người Hương Thọ biết bài thuốc của ông Sở nên tìm về nhờ giúp. Trước lúc đi, chủ trại nuôi cược vui với Sơn, nếu bò lành bệnh, ông chịu chung thưởng 1 triệu đồng. Sau lần đó, Sơn mang quà đến tạ ơn, ông Sở tìm cách từ chối khéo. “Tui làm thuốc để giúp người ta thôi, không bao giờ lấy tiền. Cả nhà tui theo đạo Thiên Chúa, rất kiêng kỵ mê tín dị đoan, các con thấy tui chữa bệnh cho gia súc theo cách không rõ ràng, có vẻ thần bí, nên chúng thường ngăn cản căng lắm. Tui khẳng định đây là “thuốc giấu”, ngay cả người thân cũng không thể biết, chứ không phải thuật dị đoan bùa ngải gì đâu”, ông Sở bày tỏ.

Tin dùng

Theo đường bê tông liên xã gập ghềnh nối qua các vùng đồi núi Bình Thành, Hương Thọ, Dương Hòa, ngẫu nhiên ghé hỏi chuyện cây thuốc tại hộ chăn nuôi Huỳnh Văn Hệ (thôn Thạch Hàn), ông không chút đắn đo: “Hiệu nghiệm lắm! Đến nay, khi điều kiện thú y phát triển, dân tui vẫn tin dùng loại “thuốc giấu” ấy. Anh cứ đi hết cả vùng núi ni hỏi thử xem”. Ông Hệ khẳng định, đàn trâu nhà hơn chục con từng được chữa lành bằng “thuốc giấu”. Tháng trước, con Mực nhà ông cắn nhau với chó hàng xóm bị nhiễm giòi ở cổ cũng được trị khỏi.

Thầy lang Lê Văn Đệ và Trương Sở, những người có hàng chục năm kinh nghiệm chữa lành vết thương cho gia súc bằng
Thầy lang Lê Văn Đệ và Trương Sở, những người có hàng chục năm kinh nghiệm chữa lành vết thương cho gia súc bằng "thuốc giấu".
Đi tìm thuốc giấu cứu ngàn trâu ảnh 3

Ông Hà Văn Lành ở xóm bên cũng xác nhận công hiệu “thuốc giấu”: Thuốc không chỉ chữa khỏi cho nhiều loại gia súc. Mấy chục năm trước, trong vùng có mệ Chính bị liệt giường lở loét khắp cơ thể được chữa lành bằng “thuốc giấu”. Ông Lành nói rằng, thuốc được luyện từ cây ngái rừng (họ sung). Thầy lang dùng lá ngái chữa trực tiếp lên vết thương vật nuôi đối với những ca phức tạp, hoặc làm phép truyền năng lượng từ xa thông qua con vật mô phỏng khi đã nắm đầy đủ thông tin từ vật bệnh thực tế. Hiệu quả chữa trị còn phụ thuộc vào lòng tin của chủ nuôi. “Nghe có vẻ hoang đường ký bí, nhưng thực tế xưa nay vẫn có hàng ngàn gia súc được chữa lành vết thương bằng cách này”, ông Lành nói.

Mang chuyện “thuốc giấu” hỏi cán bộ địa phương, ông Nguyễn Mến, Chánh Văn phòng UBND xã Hương Thọ, bình thản: “Gia súc trong vùng bị thương được chữa lành bằng “thuốc giấu” là điều quá ư bình thường. Tất cả đều miễn phí. Không chỉ trâu bò mà chó, mèo, heo, gà cũng được chữa khỏi. Hiệu quả đến 100%. Thuốc này còn cứu sống cho cả người, như trường hợp mệ Choắc hoặc con ông Khánh ở trong xã. Mấy ông dưới thành phố Huế có chó béc-giê nhiễm giòi cũng hay tìm lên đây và được chữa lành. Tôi nghĩ, do khoa học chưa vào cuộc làm rõ, nên nhiều người cứ coi đây là phương pháp thần bí mà thôi”.

"Đó là phương pháp chữa trị xa xưa rồi. Cơ quan thú y không khuyến khích dùng loại thuốc này vì có thể gây nhiễm độc cho vật nuôi. Hiện nay, mạng lưới thú y viên trên địa bàn tỉnh đã phủ kín về các thôn bản, do đó sẵn sàng hỗ trợ dân giải quyết dịch bệnh trên gia súc bằng các phương pháp hiện đại, cùng những loại thuốc đặc trị."

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TT-Huế

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG