Đi tìm Suối Mơ

0:00 / 0:00
0:00
Suối Mơ trong đền Cấm Ảnh: Duy Chiến
Suối Mơ trong đền Cấm Ảnh: Duy Chiến
TP - Phố núi Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) là nơi tôi sinh ra, lớn lên được coi là vùng sâu, vùng xa, vậy mà, một hôm nhạc sỹ Văn Cao đã ghé thăm nhà.

Đó là dịp cuối tháng 3/1984. Hôm trước có cơn mưa to làm lá cây nhãn rơi đầy ngõ, tôi lúi húi quét lá thì bỗng nhiên có tiếng nói thật ấm, thật gần: “Cháu Chiến phải không?”.

Tôi ngước ánh nhìn thấy một ông cụ mảnh dẻ, mắt sáng, chòm râu dài phất phơ bạc nhìn tôi trìu mến. Cạnh bên là thầy Hiệu trưởng Trường cấp 2 thị trấn Đồng Mỏ, nhà văn Nguyễn Trường Thanh.

Thầy Thanh giới thiệu: “Đây là bác Văn Cao, tác giả “Quốc ca Việt Nam” vừa lên thăm xứ Lạng. Biết em có năng khiếu nên thầy dẫn nhạc sỹ đến thăm. Em cho thầy và khách vào nhà chứ?”.

Tôi bất ngờ quá, vội vã dẫn khách quý vào nhà.

Bất chợt Văn Cao

Trong khi bố tôi mải đi tìm chai rượu để trong gầm tủ, nhạc sỹ Văn Cao cứ tủm tỉm cười rồi cầm lấy bàn tay tôi, nói: “Cậu gầy lắm đấy nhé. Cố gắng ăn vào thì mới ra được nhiều bài thơ. Tớ đọc thơ, văn của cậu trên các báo trung ương, văn nghệ địa phương và cả trên báo ảnh “Phụ nữ Liên Xô” nữa. Ở tận miền núi xứ Lạng, có người nhỏ tuổi làm thơ, viết văn được in là hiếm đấy”.

Nghe nhạc sỹ Văn Cao khen, tôi lí nhí đáp “dạ”, còn bố tôi vừa rót rượu vừa kể: “Cháu nó cũng có năng khiếu vẽ tranh nữa đấy bác ạ".

Đi tìm Suối Mơ ảnh 1

Nhạc sỹ Văn Cao (giữa) cùng nhà văn Trường Thanh (bìa phải) đến thăm nhà tác giả bài viết (ảnh tư liệu)

Nhạc sỹ Văn Cao kéo tôi lại gần rồi bảo: “Làm gì thì làm, nhưng không được bắt chước người khác. Quê cháu có nhiều cảnh đẹp, nên thơ lắm. Đèo Bén, Đèo Rộ, Lũng Cút, nhất là khu vực Làng Càng có những cây mơ, cây mận sai trĩu. À, phải rồi, nơi đó có trái mận quả to như chén rượu này, vỏ tím đỏ sẫm, bên trong màu vàng rực, ăn giòn, ngọt lịm, thơm lừng. Thêm nữa, ở đây, có nhiều cô gái Tày rất xinh!”.

Nói đoạn, Văn Cao nhấp một ngụm rượu men lá rồi ngước mắt nhìn về dãy núi Kai Kinh vấn vương những vạt mây trắng lan tỏa mịt mùng.

Một hồi lâu, nhạc sỹ Văn Cao bỗng nhiên nói với giọng khá mạnh: “Thôi. Không uống nữa. Ông Trường Thanh cùng tôi đi thăm lại Suối Mơ nhé. Lâu lắm rồi không quay lại nơi đây”.

-“Bác cứ thong thả uống rượu, bàn thơ. Ngày mai, rảnh rỗi thì ta đi cũng không muộn”, nhà văn Trường Thanh từ chối khéo.

Nhạc sỹ Văn Cao nhìn thẳng vào đôi mắt Trường Thanh rồi gật gù, khuôn mặt thoáng ưu tư, buồn bã. Bàn tay Văn Cao nắm chặt chén rượu rồi nhẩn nha đáp lại: “Có thể, anh Trường Thanh đã nói dối tôi, không muốn tôi chứng kiến cảnh Suối Mơ teo tóp, đơn độc rồi biến mất. Thôi, không đi nữa. Cũng chỉ tại rừng bị phá quá nhiều đấy mà!”.

Khóe mắt nhạc sỹ Văn Cao dường như ngấn nước. Ai cũng xúc động. Không gian chùng xuống...

Tình ca bên suối

Sáng hôm sau, nhà văn Trường Thanh vẫn dậy sớm để đưa nhạc sỹ Văn Cao đi đến Suối Mơ như đã hẹn và không quên cho tôi đi cùng.

Ba thầy trò thong dong hướng về khu Đền Cấm thuộc khu Hòa Bình ở góc phố Đồng Mỏ, sát chân núi Kai Kinh. Nhạc sỹ Văn Cao ngước nhìn lên phía xa rồi giới thiệu: Theo dòng nước này, ngược núi men theo thớ đá sẽ đến cội nguồn của Suối Mơ là khu vực Lũng Cút, Làng Càng, cách đây chừng trên chục cây số. Nước được chắt ra từ đá và khí trời nên trong, mát, giúp người dân có dòng nước ngọt để ăn uống và sinh hoạt.

“Ngày xưa, truyền thuyết kể lại rằng, một hôm có ba nàng tiên trên trời thấy cảnh đẹp nên đã vén mây xuống khu vực này tắm. Chiều muộn mà các nàng quên về trời nên Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi xuống thúc giục. Do vội, nên một cô tiên đã để sót một bộ váy dài mà sau này hòa vào dòng nước làm nên một Suối Mơ làm say đắm lòng người. Người ta cũng đã xây dựng một nơi ghi nhớ, gọi là Đền Cấm”. Nhạc sỹ Văn Cao kể lại.

Văn Cao nheo mắt, hồi tưởng rồi tâm sự: Khu vực đền ngày xưa yên tĩnh, mát dịu với những gốc xoài và vải rừng cổ thụ to nhiều người ôm. Ở khu vực đền, khoảng 15 giờ chiều là không còn ánh nắng do dãy núi đá Cai Kinh che ở mạn Tây. Dòng suối sau khi chảy qua Đền Cấm mở rộng ra, tạo những khoảng rộng cho dân lấy nước, tắm giặt rồi lượn vòng quanh các vườn rau ở thị trấn Đồng Mỏ.

“Không khí luôn nhẹ nhàng, mát dịu và gió nhẹ vi vu bên tai như những khúc nhạc trầm bổng. Si tình với cảnh đẹp nơi đây và cả những cô gái người Tày sống ở Làng Càng, Đền Cấm lấy nước, năm 1942, khi đó tôi độ tuổi 19, đã sáng tác ca khúc Suối Mơ như một kỷ niệm đẹp”. Nhạc sỹ Văn Cao tiết lộ.

Nói đoạn, nhạc sỹ lấy tay vốc nước té lên mặt rồi khe khẽ hát: “Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối/ Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát/ Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi”...

Nhác thấy nhạc sỹ Văn Cao sau khi hát có vẻ tương tư, đượm buồn, nhà văn Nguyễn Trường Thanh vội giải thích: “Năm 1968, khi tiến hành làm quốc lộ 1A kề cạnh khu Đền Cấm, ai đó đã vô tình làm hỏng mất cảnh quan khu vực này. Rồi chiến tranh, giặc giã, cũng như môi trường bị xâm hại dẫn đến dòng Suối Mơ có những thời điểm gần như cạn kiệt. Dân xây nhà, kè tường bưng kín lối đi. Giờ cũng chỉ còn một vài khu vườn giữ lại được nét yên tĩnh, thanh thản của ngày xưa”.

Nhạc sỹ Văn Cao gật đầu và bảo: “Cũng may bây giờ vẫn còn dòng Suối Mơ của tôi. Đôi lúc kỷ niệm cứ đeo đẳng và không thể quên. Những dấu ấn đẹp đẽ ở đây là những năm tháng tôi tìm được ra những điều mà tôi có lẽ không có nơi nào có được”.

Suối Mơ có thể xem là một kiệt tác âm nhạc thời tiền chiến của nhạc sĩ Văn Cao. Khi đó, nhạc sỹ ý định viết một trường ca về tích chàng Trương Chi trong truyện cổ. Sau đó ông tách một đoạn của trường khúc này ra để viết thành bài hát Suối Mơ (còn có tên khác là Bài thơ bên suối), còn bài Trương Chi nổi tiếng sau này có thể xem là bản Trương Chi 2.

MỚI - NÓNG