Huyền sử chôn vàng của lãnh tụ Cần Vương
Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887) quê làng Thanh Hà huyện Duy Phúc nay là làng Cẩm Hà, Hội An (Quảng Nam), thi đỗ Phó bảng năm 32 tuổi, được vua Tự Đức bổ nhiệm làm quan phụ đạo tại kinh thành Huế, tước phong Hồng tự khanh. Vì thế, ông còn có tên tự là Hường Hiệu.
Năm 1885, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương. Hưởng ứng, Nguyễn Duy Hiệu phất cờ, lập Nghĩa hội Quảng Nam, kêu gọi nhân dân đứng lên kháng chiến cứu vua, chống Pháp.
Năm 1986, sau khi thủ hội Trần Văn Dư bị Tổng đốc Quảng Nam Châu Đình Kế mưu sát, Nguyễn Duy Hiệu làm thủ hội, lấy Tân Tỉnh làm căn cứ. Sau những chiến công hiển hách, nghĩa quân dần dần bị quân Pháp và triều đình đàn áp.
Tháng 2/1886, sau trận kịch chiến Gò May, nghĩa quân tan rã. Nguyễn Duy Hiệu cùng các tướng lĩnh tháo vòng vây chạy về Tam Kỳ. Từ điểm này, câu chuyện chôn vàng được truyền lại cho đến ngày nay...
Thung lũng Quế Lộc ngay dưới chân đèo Le những ngày nắng như đổ lửa, căn cứ Tân Tỉnh giờ chỉ là dĩ vãng.
Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc cho biết, câu chuyện chôn vàng của thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu rộ lên từ 10 năm lại đây. Đã có nhiều người dân lên đào núi tìm vàng, cũng có mấy người nơi khác đến nhưng không ăn thua. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân hiểu, đó chỉ là giai thoại lịch sử. Vì thế, cách tìm vàng tốt nhất là chăm chỉ làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất. Còn vàng ông Hường Hiệu, hãy để quá khứ ngủ yên. |
Những bậc cao niên ở thôn Lộc Tây 2 (xã Quế Lộc) vẫn nhớ như in câu chuyện kể trăm người như một của cha ông họ về sự kiện ông Hường Hiệu trước khi thất trận rời bỏ căn cứ Tân Tỉnh đã sai quân lính cùng một số người làng nửa đêm đốt đuốc đi chôn vàng.
Người chứng kiến câu chuyện này không ai còn sống, nhưng câu chuyện được kể lại gần như chính xác tuyệt đối. Họ kể rằng, đầu năm 1886, nửa đêm, quân lính ông Hường Hiệu đốt đuốc sáng trưng, lặng lẽ băng qua ngôi làng dưới chân núi Hóc Phẩm ở khu vực Miếng Kho, tiến lên núi. Đoàn người khiêng những cái rương nặng, rồi có tiếng đào đất. Ai cũng biết, những cái rương đó chứa vàng. Ước lượng khoảng hơn 1 tấn.
Ông Lê Quý (80 tuổi), có nhà ngay dưới núi, kể: Cả ông nội và cha tôi đều kể lại rằng, đêm đó quân lính ông Hường Hiệu chôn vàng. Cả dân làng đều biết nghĩa quân ông Hường có rất nhiều vàng. Đó là ngân lượng để ông ấy nuôi quân, mua sắm lương thực, khí giới, súng ống.
Ngày chúng tôi tới thôn Lộc Tây 2, thanh niên trai tráng tò mò phấn khích bởi lần đầu tiên, có nhà báo đến tìm hiểu chuyện ông Hường Hiệu chôn vàng. Anh Ngô Văn Ty (40 tuổi, nhà gần núi Hóc Phẩm), dẫn chúng tôi tới thân đập thủy lợi Hóc Ông Hạ, chỉ tay lên núi, kể: Tui tin chuyện này, thủa nhỏ ông nội và cha tui cũng kể như thế. Không khác chi một chữ. Ông nội tui nói, họ khiêng mấy chục rương, đòn gánh nặng trĩu kẽo kẹt. Quân lính khiêng như thế mấy đêm liền thì ngưng nghỉ, sau đó nghĩa quân họ rút đi cả.
Theo anh Ty, người biết khá rõ chuyện này ở thôn Lộc Tây 2 có lẽ chỉ còn bà Đỗ Thị Kiệt (85 tuổi). Ông nội của chồng bà là một trong những người dân làng tham gia nghĩa quân ông Hường Hiệu.
Bà Đỗ Thị Kiệt: “Có nghe kể chuyện chôn vàng”. ảnh: Nam Cường. |
Bà Kiệt tỏ ra khá dè dặt khi chúng tôi hỏi chuyện chôn vàng, chỉ lắc đầu: tất cả đều là tin đồn nhảm. Phải tỉ tê tâm sự khá lâu, chúng tôi mới được bà Kiệt kể: Năm 30 tuổi, bà là dâu trưởng. Về nhà chồng, hằng ngày cứ đến bữa cơm bà đều được nghe đi nghe lại chuyện chôn vàng.
“Cha chồng tôi kể nhiều, dần dần ai cũng phải tin. Ông ấy nói cha ông là quân của Nghĩa hội Quảng Nam nên ít nhiều biết được, nghĩa quân có rất nhiều vàng, sau khi thất trận đành phải khiêng vàng đi chôn. Mọi chuyện đều phải làm bí mật, ai hé lộ ra ngoài đều bị giết. Ngay cả người dân sống dưới chân núi ban đêm chứng kiến câu chuyện cũng không dám ho. Họ sợ bị giết”.
Chủ tịch xã Quế Lộc, ông Nguyễn Đình Tân xác nhận, có câu chuyện truyền miệng trong dân làng, nhưng đến nay chưa ai có thể xác định thực hư, bởi tất cả đã lùi xa 125 năm.
Có bản đồ kho báu, người tỉnh hóa điên?
Bà Kiệt kể, bố chồng bà là ông Nguyễn Yến (mất năm 1968), bởi quá tin lời kể của cha nên âm thầm lên núi tìm vàng. “Tui chứng kiến, có lần ông đào hầm vào sâu trong núi, đào mấy năm liền. Rồi một hôm, ông mang về một cục đá đen nhánh. Bề ngoài trông xù xì nhưng đêm về, cục đá nó phát sáng lấp lánh. Chuyện này đồn nhanh như thổi, một kỹ sư (thuộc chế độ cũ) ở dưới Đà Nẵng lên tìm hiểu, sau mang hòn đá này đi đâu không rõ. Ông ấy vẫn miệt mài đào”.
Ông Nguyễn Yến chết, sự nghiệp tìm vàng được chồng bà Kiệt kế thừa. Tuy nhiên, chiến tranh loạn lạc, cơm không đủ ăn, tối ngày lo chuyện sơ tán nên chồng bà Kiệt sau khi chết vẫn chưa hề thấy tăm hơi của vàng.
Như một định mệnh, anh Nguyễn Tấn Đích, dân làng còn gọi là Ba Đích, con trai của bà Kiệt tiếp tục nuôi giấc mộng tìm vàng. Anh Nguyễn Văn Tý kể lại câu chuyện cách đây 10 năm, hồi đó Ba Đích đã 35 tuổi, ngày ngày lên núi Miếng Kho phát rẫy.
Rẫy của Ba Đích ở đồi Hóc Phẩm chục năm trở lại đây nham nhở vết đào. “Chuyện Ba Đích một lần tình cờ tìm được phiến đá có khắc chữ trên đó là có thật. Phiến đá rất lạ, có chữ Hán và những đường vẽ loằng ngoằng. Ba Đích khẳng định đó là bản đồ kho báu và vào Nam nhờ người quen dịch chữ. Sau chuyến đi, phiến đá cũng mất tăm còn Ba Đích như trở thành người khác, ngơ ngẩn”.
Ba Đích dáng người thấp đậm, đầu hói, cười nói vô tư như trẻ con. Trời nắng chang chang chẳng cần nón mũ. Anh ta mới ở rừng về. Ra giếng dội nước tắm ào ào. Bắt tay tôi xong, nói tỉnh queo: Ai nói rừng Miếng Kho có vàng, toàn đồn tầm bậy tầm bạ thôi. Nếu có thì nhà nước đã lên đây khai thác rồi. Quảng Nam chỉ có Phước Sơn và Bồng Miêu là nhiều vàng, anh hiểu không?
“Có phương tiện là tui đào được vàng”!?
Trên đồi Hóc Phẩm, bên cạnh rẫy của Ba Đích là rẫy của anh Phan Thành Đại (Lộc Tây 2). Anh Đại cũng là một “tín đồ” của giai thoại chôn vàng ông Hường Hiệu. Bao năm qua, khi có dịp, anh đào rẫy tìm vàng.
Anh Phan Thanh Đại: “Có vàng thật, nếu có phương tiện là đào ra ngay”. ảnh: Nam Cường. |
Anh Đại cũng được ông nội trực tiếp kể lại câu chuyện nửa đêm đốt đuốc chôn vàng của nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam ở khu vực núi Miếng Kho vì mấy đêm đó, ông chứng kiến toàn bộ cảnh đoàn người khiêng rương vào núi.
Thậm chí, ông nội anh còn chắc mẩm, với số lượng rương và sức nặng trĩu đòn gánh, có khoảng hơn 1 tấn vàng đã được chôn ở đâu đó trên núi Miếng Kho. Vấn đề là chôn ở vị trí nào, độ sâu bao nhiêu thì mãi mãi là một bí ẩn.
Anh Đại từng là phu vàng, lăn lộn khắp các “chiến trường vàng” ở Phước Sơn như Phước Thành, Phước Hiệp hay Phước Chánh. Giải nghệ trở về làm nông cuốc rẫy, giấc mơ đổi đời từ câu chuyện của ông nội và những chuyện mù mờ của Ba Đích lại thổi bùng trong anh.
“Cách đây 5 năm tui có đào trong rẫy mình, mấy ngày trời chỉ tui cùng 2 chiến hữu dùng cuốc, xà beng và sức người bạt cây, móc đất đá nhưng chẳng ăn thua. Không hiểu sao sau lần đó tui ốm một trận thất kinh” - anh Đại tâm sự.
Năm trước, anh cùng Ba Đích tiếp tục hiện thực giấc mộng vàng bằng xà beng và cuốc xẻng. Nhưng đến nay, thu nhập chủ yếu của gia đình là nhờ 2 sào ruộng và mấy ha rẫy trồng keo tràm.
“Tui khẳng định là có vàng, nhưng không chắc ông Hường Hiệu chôn chỗ nào. Chỉ có 2 vị trí, một thuộc rẫy tui ở núi Hóc Phẩm, hai là Hóc Cây Chuồng. Bây giờ mà có phương tiện hiện đại, chắc chắn tìm ra”. Phương tiện hiện đại, như anh Đại kể là máy rà vàng có thể tầm soát được độ sâu, trữ lượng vàng và các loại máy xúc, máy ủi loại lớn.