Di tích sáng đèn đón khách

Áp dụng chính sách ưu đãi để hút khách tới Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: NHƯ Ý
Áp dụng chính sách ưu đãi để hút khách tới Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: NHƯ Ý
TP - Thay vì đóng cửa di tích theo giờ hành chính, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn hay di tích Nhà tù Hỏa Lò có thể mở thêm hoạt động ban đêm để kích cầu du khách.

Du lịch đóng băng, nhiều di tích chung cảnh vắng hoe. Khách lác đác vào ra nhưng di tích không thể đóng cửa. Loạt di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội như Văn Miếu, Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn hay Hoàng thành Thăng Long chủ yếu đón khách quốc tế nay đều phải tìm cách xoay xở chào mừng khách nội địa. Mỗi ban quản lý tự quyết định có hành động tức thời, hoặc đưa ra giải pháp dài hơi hơn.

Di tích sáng đèn đón khách ảnh 1 Văn Miếu-Quốc Tử Giám đẩy mạnh gian trưng bày và bán sản phẩm quà tặng, lưu niệm. Ảnh: KỲ SƠN

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, hưởng ứng chương trình kích cầu “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, Hoàng thành đưa ra gói ưu đãi hút khách. Trung tâm miễn phí thuyết minh tại điểm dành cho đoàn từ 15 khách trở lên, miễn phí gửi ô tô từ 16 chỗ cho đoàn khách du lịch. Với khách đoàn từ 50 người trở lên, Trung tâm giảm 50% combo chụp ảnh trang phục hoàng cung và vé tham quan di sản với mức giá 80 nghìn đồng/gói. Khách thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian hoàng cung và vé tham quan di sản chỉ còn 100 nghìn đồng. Ngoài ra, khách còn được tặng dịch vụ tổ chức dâng hương tưởng niệm các bậc tiên đế tại điện Kính Thiên.

Khách tới di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng được hưởng loạt ưu đãi như giá vé chỉ 30 nghìn đồng/người, được hưởng loạt dịch vụ miễn phí như trông xe, phục vụ dâng hương tại Đài tưởng niệm, nghe thuyết minh miễn phí qua thiết bị hướng dẫn, được nhận phần quà lưu niệm gắn với di tích. Khách đoàn đến Hỏa Lò dịp này được miễn phí chụp ảnh và dựng video gửi tặng đoàn sau chuyến tham quan. “Chính sách kích cầu này bước đầu có hiệu quả thu hút khách nội địa. Nhiều gia đình vào ngày nghỉ chịu khó đưa con cái tới di tích hơn. Chúng tôi cũng đón nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan sau dịch”, ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò, nói.

Không ngồi yên chờ khách, BQL đề xuất với thành phố cho phép có một góc nhỏ quảng bá và bán vé trực tiếp tại phố đi bộ Hồ Gươm. Khách mua vé tham quan Hỏa Lò tại phố đi bộ được ưu đãi giảm ngay 50%.

MỞ CỬA BAN ÐÊM

Hà Nội chủ trương kích cầu du lịch bằng cách khuyến khích một số di tích mở cửa ban đêm. Thay đổi thời gian và không gian tham quan di tích được xem là hình thức đổi mới để hút khách trở lại. TS Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội, cho biết, di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn mở cửa cho khách tham quan tới 21h ba tối cuối tuần, và vào hai ngày 30 và mồng 1 âm lịch hằng tháng. Trước đây, đền Ngọc Sơn đóng cửa theo giờ hành chính vào 17h30 chiều.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những nơi hào hứng và sẵn sàng thử sáng đèn ban đêm. “Mở cửa di tích ban đêm phức tạp hơn rất nhiều. Chúng tôi phải biên tập lại phần thuyết minh cô đọng hơn, xây dựng hệ thống đèn rọi, biển chỉ dẫn để tạo ra điểm nhấn. Ý tưởng này nhiều thử thách nhưng cũng đầy tiềm năng, bởi biết đâu du khách tò mò trải nghiệm không gian di tích vào thời điểm khác biệt”, ông Biểu nói.

Thiết kế lại sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ tại Hỏa Lò là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. “Di tích Hỏa Lò là địa chỉ đỏ ở trung tâm Thủ đô, chúng tôi tăng cường hoạt động chuyên môn, các trưng bày chuyên đề và tái hiện những câu chuyện lịch sử gắn với di tích”, ông Biểu nói. Hỏa Lò có thể hấp dẫn du khách ở những câu chuyện vượt ngục ly kỳ của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng, ở chuyện Nguyễn Hoàng Tôn không sợ bị chém đầu trước nhà tù Hỏa Lò, hay những câu chuyện và kỷ vật chân thực gửi gắm ý chí sống của những người ngã xuống vì hòa bình.

Thêm hoạt động cho các di tích ở Hà Nội vào ban đêm không phải ý tưởng quá xa lạ. Trước đây, Văn Miếu từng có thời gian thử nghiệm nhưng chưa thành công. Sự thất bại ở chỗ, mở cửa di tích ban đêm không đơn giản chỉ kéo dài thời gian hành chính, quan trọng hơn phải tạo ra hoạt động và không gian hấp dẫn mới lạ. Nhiều chuyên gia từng góp ý, Văn Miếu-Quốc Tử Giám có thể sử dụng công nghệ ánh sáng để khoác lên vẻ lung linh huyền ảo cho các công trình kiến trúc, các biểu tượng trong di tích. Một vài sự kiện trước đây như trình diễn áo dài, tổ chức lễ Trung thu ban đêm ở Văn Miếu bước đầu là phép thử để giúp di tích trở nên sống động hơn.

Từng chia sẻ ý tưởng thiết kế không gian Văn Miếu về đêm để tái hiện câu chuyện về trường đại học đầu tiên của Việt Nam, để trang hoàng di tích lộng lẫy hơn tuy nhiên ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khẳng định đó là chiến lược dài hơi cần đầu tư nghiên cứu cẩn trọng.

Thời gian này, Văn Miếu đẩy mạnh khu vực trưng bày và bán sản phẩm quà lưu niệm đặc sắc. Đó là thành quả đầu tư nghiên cứu, khảo sát nhu cầu khách hàng để đưa ra nhiều món quà tặng đẹp, chất lượng và gắn với Văn Miếu. Không chỉ là những chiếc khăn, áo, túi in hình Khuê Văn Các và các di tích đặc trưng của Văn Miếu, các mặt hàng là đồ dùng học tập cho học sinh, đèn đọc sách có hình Khuê Văn Các rất được ưa thích.    

TS Nguyễn Doãn Văn cho biết, hệ thống di tích danh lam thắng cảnh ở Hà Nội thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phục vụ khách. Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội nhấn mạnh sự thay đổi không gian trưng bày sạch sẽ đảm bảo thông thoáng để phòng chống dịch. Đền Ngọc Sơn hiện nay linh động hơn trong chương trình bán vé như miễn phí cho học sinh, trẻ nhỏ đi cùng gia đình. 

Hà Nội dự định tạo ra liên kết các di tích quốc gia đặc biệt như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu, Nhà tù Hỏa Lò, làng lụa Vạn Phúc... thành tuyến tham quan cho du khách. Khách đến một trong số các di tích này có thể yêu cầu thuyết minh mở rộng kết nối với các di tích quốc gia đặc biệt khác.

MỚI - NÓNG