Chuyện tự ý trùng tu chùa Trăm Gian, tượng chùa Một Cột phải che áo mưa, dân xin trả lại di tích Làng cổ Đường Lâm... gây dư luận rất phản cảm trong xã hội. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Bảo tồn, gìn giữ di sản quý của dân tộc, nhưng phải hài hòa với yêu cầu phát triển, phục vụ đời sống nhân dân. Nhiều người cho rằng, Luật Di sản văn hóa chỉ nhấn mạnh bảo tồn, không quan tâm đến phát triển là không đúng. Luật Di sản văn hóa đã có quy định hài hòa về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Nhìn vào các vụ việc này, tôi thấy chúng ta thực hiện có phần máy móc, hình thức, cứng nhắc, và đôi khi nhiệm vụ bảo tồn lại nhấn mạnh quá. Trong khi đó, lại không quan tâm nhiều đến tạo điều kiện, cơ chế để thực hiện các nội dung phát triển, đặc biệt là khai thác lợi ích di sản văn hóa để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.
Ông Đào Trọng Thi. |
“Trước hiện tượng di sản bị xâm hại, xuống cấp, không được quan tâm đúng mức, tất nhiên chúng tôi cũng rất bức xúc. Bức xúc vì điều mình mong muốn, kỳ vọng diễn tiến chậm, phải đẩy mạnh ở tầm cao hơn, quyết tâm hơn”. Ông Đào Trọng Thi |
Nhưng ngay công tác bảo tồn cũng chưa thực hiện nghiêm. Rất nhiều di tích có giá trị như chùa Trăm Gian, chùa Một Cột... bị ứng xử rất thiếu trách nhiệm, để xuống cấp nghiêm trọng, đến mức tự nó bị hủy hoại hoặc người ta buộc phải dùng biện pháp tự bảo vệ không tuân theo quy định bảo tồn di sản văn hóa.
Có những việc đã đặt ra hàng mấy năm trời, không được giải quyết. Tất nhiên, chúng ta có khó khăn về đầu tư, nhưng không có nghĩa không thể giải quyết được những việc cụ thể đó. Một chuyện rất rõ là khi đã bùng nổ, đã trở thành sự cố rồi thì đến lúc ấy chúng ta mới vào giải quyết, và cũng giải quyết tốt đấy chứ.
Như vậy, phải chăng có nguyên nhân từ sự vô cảm của cán bộ quản lý, thưa ông?
Không nên khái quát như vậy, nhưng qua việc này cho thấy rõ là thiếu trách nhiệm, thiếu cố gắng, quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ cho phép chứ cũng không bắt phải làm những gì vượt khả năng. Phải nói cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ quản lý di sản chưa chú trọng khai thác triệt để sự đóng góp của xã hội và nhân dân, mà cứ dựa, cứ ỉ lại vào ngân sách quá.
Phải nói thật là nhiều lĩnh vực có thể khai thác rất tốt xã hội hóa như trùng tu chùa chiền, di tích tôn giáo, có khi mình không kêu gọi người dân cũng sẵn sàng đóng góp, chỉ cần tạo ra một cơ chế, cho phép người ta làm thôi. Nhưng mà chúng ta không tích cực tạo ra cơ chế đó.
Cách giải quyết vừa qua cho thấy sự lúng túng, thụ động của chính quyền và cơ quan chức năng, phải chăng do cán bộ năng lực yếu kém, thiếu tâm huyết?
Có một phần là do luật của chúng ta chưa cụ thể và có những cái có thể chưa vào cuộc sống, cần sửa đổi. Nhưng quan trọng hơn là người thực thi pháp luật chưa chịu nghiên cứu kỹ để vận dụng pháp luật nhuần nhuyễn, giải quyết vấn đề của thực tiễn. Với câu chuyện những di sản vừa qua thì luật quy định rất cụ thể, có thể nói hoàn toàn thuận lợi để giải quyết vấn đề cụ thể ấy. Tôi cho lý do chính là người thực thi chứ lý do hệ thống pháp lý chưa phải là cái cốt yếu.
Nhìn lại những câu chuyện di tích xuống cấp và bị lãng quên như chùa Một Cột, làng Cổ Đường Lâm, chùa Trăm Gian... ông có suy nghĩ gì?
Một đất nước có bề dày văn hóa, và một địa phương có nhiều di sản như thủ đô mà công tác bảo tồn phát triển di sản chưa đáp ứng yêu cầu, đó là một điều đáng buồn. Nhưng chúng ta cũng không nên quá cầu toàn, quá bi quan, vì đây là sự nghiệp lớn, phải từng bước, đặc biệt phải có sự vào cuộc của chính quyền và cơ quan chức năng tích cực hơn.
Cảm ơn ông!
Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Lê Như Tiến: Phải xin lỗi dân là rất đáng tiếc
Hiện tượng chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm, Đàn Xã Tắc... cho thấy công tác quản lý di tích của chúng ta còn lúng túng. Mặc dù khi bức xúc quá, người đứng đầu Thủ đô là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã xuống tận nơi đối thoại với nhân dân, Trưởng Ban quản lý di tích cũng đã xin lỗi nhân dân ở Đường Lâm. Nhưng tôi cho rằng đó là phản ứng chậm trong xử lý, lẽ ra phải có phương án từ rất lâu rồi. Hà Nội có trên 5.000 di tích, trong đó trên 500 di tích xuống cấp, thì không thể chỉ trông chờ ngân sách, đặc biệt là ngân sách trung ương, mà phải đẩy mạnh xã hội hóa. Để di tích xuống cấp, nhân dân lên tiếng rồi mới tá hỏa đi giải quyết và xin lỗi cũng không hay. Vì mình để xảy ra rồi mới xin lỗi dân là điều rất đáng tiếc. Hồng Phúc |
Nguyễn Tuấn
Thực hiện