Không gian buồn ở nơi được mệnh danh là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng. |
Hãng phim truyện tiếp tục xuống cấp
Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), tiền thân là Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngày 15/3/1953. Đến năm 1959, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời, đặt trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Đây là nơi sản xuất bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông, sau này là nhiều tác phẩm kinh điển như Chị Tư Hậu, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười,…
Địa chỉ số 4 Thụy Khuê gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nổi bật những tên tuổi đình đám như Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương, Lê Vân, Phương Thanh.... mà sau này hầu hết trở thành nghệ sĩ nhân dân.
Những hình ảnh mới nhất ở địa chỉ số 4 Thụy Khê cho thấy, không chỉ cơ sở hãng phim xuống cấp, mà toàn bộ giải thưởng, kỷ vật trong phòng truyền thống đều ẩm mốc, phủ bụi. Nguyên nhân hỏng, mốc do hãng phim đóng cửa lâu ngày, không bật điều hòa dẫn tới hư hại toàn bộ đồ đạc cùng cúp, bằng khen, kỷ niệm chương.
Chiếc cúp mà đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận được tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 1994 thậm chí đã biến đổi màu sắc, không nhìn rõ họa tiết trên cúp. Kỷ niệm chương giải Bông sen Vàng và các huy chương ở liên hoan phim quốc tế dù được cất trong hộp nhưng vẫn nằm dưới lớp bụi, mốc trắng xóa. Ảnh chụp của nhiều thế hệ nghệ sĩ méo mó, xô lệch trên bức tường loang lổ.
Tư liệu quý giá về mặt lịch sử tại hãng xuống cấp nghiêm trọng. |
Cuối năm 2022, NSND Nguyễn Thanh Vân - nguyên Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam- xác nhận với Tiền Phong về việc hơn 300 phim được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam bị hỏng hóc, trở thành những đống nhựa bết, dính. Ông cho rằng, khả năng phục hồi của những phim nhựa này gần như bằng không. NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải cho biết, phòng giám đốc cũ (hay còn được anh chị em nghệ sĩ coi như phòng truyền thống) đang được quét sơn mới. Tuy nhiên, chủ đầu tư không hề có biện pháp che chắn các hiện vật đang có tại đây trong quá trình thi công. Nhiều đồ đạc đã hỏng nên phải vứt bỏ. Năm 2022, đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn xin lại chiếc cúp ông nhận được tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương về phục chế và tự tay bảo quản. Tuy nhiên, đạo diễn chưa tìm được sự thống nhất với chủ đầu tư là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso.
“Thực tế, thời điểm năm 2016, 2017 hãng phim vẫn hoạt động. Các khu nhà xây theo kiểu cổ nhưng sạch sẽ. Phòng giám đốc trông sang trọng. Hãng vẫn liên tục được các giải thưởng cao. Giai đoạn đó, tôi đứng đầu nhóm hợp tác với đoàn làm phim Tây Ban Nha sản xuất phim Thi Mai - Rumbo a Vietnam (Thị Mai - Hành trình đến Việt Nam). Trong số nhiều đối tác, họ vẫn chọn chúng tôi làm đối tác chính và hai bên đã hợp tác rất tốt”, đạo diễn Bùi Trung Hải nói.
Hôm 7/12, Hãng phim truyện Việt Nam tròn 64 tuổi. Tuy nhiên, ngày kỷ niệm trôi qua im ắng, trụ sở hãng vẫn hoang tàn, đổ nát do những lùm xùm kéo dài quanh việc cổ phần hóa. Gần 8 năm sau cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, quá trình này chưa hoàn tất và gây nhiều tranh cãi. Tháng 4, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra, nhằm kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về các nội dung liên quan. Đến nay, quá thời hạn hơn nửa năm, những khúc mắc ở Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa được giải quyết.
Mong mỏi “hồi sinh”
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) 2023 với nội dung thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô được kỳ vọng mở ra hướng “giải cứu” những di sản điện ảnh ở Hãng phim truyện Việt Nam.
“Cũng như các nhà làm phim khác, tôi mong muốn Quỹ sẽ tham gia vào công việc lưu trữ, bảo tồn các tác phẩm điện ảnh Việt Nam từ thời kỳ mới ra đời, cũng như tham gia hình thành những tác phẩm điện ảnh mới đóng góp cho sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam. Việc phục chế các tác phẩm điện ảnh thời kỳ trước cũng có thể là một mục tiêu nên được ưu tiên nếu Quỹ bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô được trở thành hiện thực”, đạo diễn Bùi Trung Hải kỳ vọng.
Phòng truyền thống xập xệ, hỏng hóc. |
Ông cho rằng, Hà Nội nên chăng có phòng chiếu phim nhựa tiêu chuẩn cao, với sự giúp đỡ của Quỹ bảo tồn di sản và phát triển Văn hóa của Thủ đô. Dù kỹ thuật số phát triển, một số nhà làm phim tên tuổi vẫn chọn quay phim nhựa cho những tác phẩm đỉnh cao, tham dự nhiều giải thưởng điện ảnh lớn thế giới.
Hãng phim truyện Việt Nam là một trong những đơn vị được cổ phần hóa khá sớm, từ năm 2016. Tuy nhiên, sau lùm xùm cổ phần hóa, không chỉ cơ sở vật chất xuống cấp, hãng phim cũng suy tàn, các nghệ sĩ từ lâu đã phải tự bươn chải kiếm sống. Nhân viên phòng quay phim Nguyễn Thành Bình gắn bó với hãng từ năm 1996. Mong muốn duy nhất của anh và các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên, kỹ thuật viên là hãng phim được phục hồi và phát triển trở lại. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các ban ngành xử lý quyết liệt, dứt điểm những gì đang tồn tại ở hãng phim”, anh Bình nói.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, Hãng phim truyện Việt Nam nếu muốn tồn tại và tỏa sáng cần những bước đi táo bạo, hòa nhập với thị trường mà vẫn giữ được vị thế “anh cả” bằng cách duy trì dòng chủ lưu của nền điện ảnh như trước đây từng làm.
“Hiện nay, các nghệ sĩ ra đi từ hãng vẫn làm việc đầy hiệu quả trong thị trường điện ảnh toàn quốc. Nghĩa là họ vẫn sống mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Dòng chủ lưu của điện ảnh bất kỳ quốc gia nào cũng cần sự hỗ trợ, nâng giấc từ Nhà nước, mà cuộc hòa nhập thị trường thuần tuý không làm được”, nữ biên kịch khẳng định.
Bà cho rằng, chỉ cần Hãng phim truyện Việt Nam được phục hồi, những thế hệ tinh hoa sẽ xuất hiện và làm nên một thương hiệu mới.