Dị nhân giữ hồn thiêng đại ngàn

Cụ Vỗ Kiều cùng em trai và con út tam tấu khèn bè.
Cụ Vỗ Kiều cùng em trai và con út tam tấu khèn bè.
TP - Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở xứ non cao Đakrông của Quảng Trị này vẫn còn đó những “dị nhân” đang ngày đêm miệt mài lặng lẽ với nền văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc mình.

Hồn cốt Pakô còn lại chút này…

Dọc đường non 200 cây số từ Đông Hà lên Tà Rụt, tôi cứ nao nao khi bấm đốt ngẫm cụ giờ đã vượt cửu tuần, mà người già như chuối chín cây. Ngót bảy năm rồi còn gì… Rất mừng, khi nghe đến tên Hồ Phưa, Phó Chủ tịch kiêm phụ trách văn hóa xã Tà Rụt Tô Vên Trọng, vui giọng: “À đúng rồi, Hồ Phưa là tên khai sinh, còn đồng bào Pakô miềng gọi là Kôn Phưa hoặc Vỗ Kiều. Cụ vẫn còn, nhà áp trường cấp ba đó”.

Dị nhân giữ hồn thiêng đại ngàn ảnh 1

Cụ Vỗ Sen. Ảnh: H.T

Cô văn thư trẻ lên xe máy tay ga dẫn tôi đến nhà cụ. Trong nếp nhà sàn bạc phếch cũ mòn năm tháng, mấy bóng cụ ông cụ bà quây quanh bếp lửa rực hồng. Nhà Vỗ Kiều đang có khách, vợ chồng em trai Hồ Lương bản bên sang chơi. Em trai cụ, ông Hồ Lương là cựu chiến binh thời đánh Mỹ. Em trai lẫn con trai cụ là những hạt nhân trong đội văn nghệ xã, tham gia nhiều liên hoan cồng chiêng toàn quốc và đã đem về tiếng thơm cho xứ Tà Rụt này.

Khách miền xuôi được chủ nhà miền ngược chiêu đãi tiết mục tam tấu thú vị của cụ Kiều, Hồ Lương, Kôn Hắc. Trong tiếng khèn bè tiểu của cụ Kiều, khèn bè đại của Kôn Hắc, tiếng tù và của Hồ Lương, những âm thanh réo rắt trầm hùng quấn quyện vào nhau, như da diết, như thổn thức của người con gái hây hây má đỏ trên nương đang ngóng hẹn chàng trai bản xa; rồi tiếng chim kêu, vượn hú, thú gọi bầy, tiếng suối reo róc rách, gió gầm qua vách núi, cứ như thực như mơ…

Cụ Kiều đã 93 tuổi, sức khỏe giờ không cho phép tấu khèn lâu. Cụ dừng tay chiếc khèn bè vàng óng, châm tẩu. Trời phú cho cụ đôi bàn tay khéo. Phó Chủ tịch Trọng bảo, cái tẩu được dát bạc với những họa tiết chạm trổ rất bắt mắt mà cụ đang châm thuốc đây, cả vùng Đakrông, Hướng Hóa giữa trùng điệp bát ngát Trường Sơn này độc mỗi cụ Kiều là làm được.

Dị nhân giữ hồn thiêng đại ngàn ảnh 2

Cụ Vỗ Sen đang trình tấu nhạc cụ dân tộc.

Cái tẩu cụ làm tinh xảo kỳ công lắm. Làm để dùng và để tặng bạn tâm giao thôi. Dưới làn khói thuốc đặc sản Tà Rụt, cụ Kiều bảo, những chiếc khèn, những cây đàn, những cái tù và mà cụ chế tác được là nhờ ông thầy người Lào bên huyện Samuồi, Salavan truyền từ thủơ niên thiếu chạy giặc Pháp dạt sang đó. Làm đàn hay tù và thì đơn giản. Khó nhất là khèn bè.

Muốn có được một chiếc khèn thanh âm chuẩn, việc khó đầu tiên là chọn trúc không già, không non và phải chặt vào ban đêm lúc chớm hè cuối xuân. Rồi đến khâu vót, cắt, khoan, phơi, hơ lửa... Tất tật mỗi chiếc khèn bè làm xong non cả tháng trời dưới bàn tay điệu nghệ tinh khéo của Vỗ Kiều.

Anh trai út Kôn Hắc góp chuyện: “Không chỉ chế tác các nhạc cụ dân tộc, bố tôi còn là một thợ làm bạc chân truyền độc nhất còn lại ở Trường Sơn. Nghề này bố tôi được truyền từ đời cố nội, ông nội. Những chiếc vòng bạc được làm từ những thỏi bạc trắng thô ráp qua bàn tay của bố tôi thành trang sức duyên dáng xinh đẹp cho các cô gái Vân Kiều, Pakô một thuở”. “Nhưng đó là câu chuyện của thời hơn mươi năm trước, giờ người ta không mặn mà với những thứ… cổ xưa ấy rồi!”, bất chợt giọng Kôn Hắc chùng xuống.

Chế và chơi ngọt thập nhị nhạc cụ

Từ trung tâm thị tứ Tà Rụt vào nhà Mai Hoa Sen ở bản Ka Hẹp, tôi cứ ngẫm lời của nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà thơ đầu tiên của người Bru Vân Kiều Hồ Chư, rằng, Vỗ Sen-người lính già đầu bạc trở về từ Binh đoàn 559 là một trong những người hiếm “còn-sót-lại” ở Trường Sơn, biết chế tác, hiểu và chơi được 12 loại nhạc cụ dân tộc Vân Kiều, Pakô của mình. Đàn Abel, sáo thổi ngang, sáo thổi dọc, đàn Toong, đàn Ămpray… tất tật thập nhị nhạc cụ ông đều làm đẹp và chơi ngọt.

Dị nhân giữ hồn thiêng đại ngàn ảnh 3

Nhà nghiên cứu văn hóa Bru - Vân Kiều Hồ Chư

Vỗ Sen vừa từ Hà Nội vào, ông dẫn 21 nghệ nhân rẻo cao Đakrông mang chương trình Lễ hội Ariêuping ra Thủ đô tham gia Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Dưới nếp nhà sàn bên dòng Đakrông mùa nước cạn của lão nghệ nhân thất thập, thật bắt mắt với hàng chục chiếc chiêng, sáo, khèn bè nhỏ to dài ngắn đủ loại.

Nhà nghiên cứu Hồ Chư ngạc nhiên: “Phong danh hiệu nghệ nhân ư, lần đầu tiên tôi nghe nói đó, mặc dầu tôi là Phân hội trưởng Phân hội dân tộc tỉnh Quảng Trị này”. Còn ông Sĩ Cừ, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật kiêm Phân hội văn hóa dân gian tỉnh Quảng Trị bảo, tỉnh này hiện chưa có ai được phong nghệ nhân.

 

Mở cuốn sổ dày đặc những dòng chữ ghi chép tỉ mẩn, ông bảo, đây là những sáng tác của mình với nhiều làn điệu như Têratec tả nỗi niềm con ve sầu, hay điệu Kănaun ca ngợi người con gái đẹp, hoặc điệu Patoi thể hiện lịch sử dân tộc mình gắn với lịch sử cách mạng... Ông được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trọng tín giao việc sưu tầm và nghiên cứu những nhạc cụ, những vật dụng truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào mình.

“Mình phải nhanh chóng đưa cái hồn về cho bản làng. Mai này lớp già ra đi, lớp trẻ sẽ kế tục nhạc cụ truyền thống”, ông cười vui. Phó Chủ tịch xã Tô Vên Trọng bảo: “Nhờ nhiệt huyết Vỗ Sen mà nhiều thanh niên bản Ka Hẹp và của cả xã Tà Rụt này nữa đã biết chơi, biết chế nhạc cụ của dân tộc mình. Lớp trẻ giờ đã mặn mà với tiếng đàn Talư, tiếng khèn bè, đàn Abel, đàn Toong, sáo Aman, đàn Ânchung, đàn Kadon… lắm”.

Mai này có còn Amam

Vẫn là kiểu lắc lắc mái đầu hói tận gáy của ông bạn già Hồ Chư “Ở huyện rẻo cao Đakrông và cả miền Tây Trường Sơn này nữa, chỉ còn hai người thổi được khèn Amam thôi”. Vỗ Hôm (tên khai sinh Hồ Văn Tư) ở bản Cựp xã Húc Nghì là một trong hai nghệ nhân đó. Hai năm trước tại thị trấn huyện lỵ Krông Klang, tôi đã gặp ông trong lễ hội mừng lúa mới do huyện tổ chức. Tối đó, Vỗ Hôm không chơi khèn Amam mà biểu diễn vũ khúc Rayuak, khèn bè và làn điệu Tauaiq, một làn điệu trữ tình trong sinh hoạt văn hóa sim-langơp.

Tôi vào bản Cựp dưới cơn mưa chiều, đường trơn như đổ mỡ, bên này là suối sâu bên kia là núi cao. Hơn 3 giờ đồng hồ chưa đầy chục cây số tôi mới chạm nhà Vỗ Hôm. Con gái Vỗ Hôm nhìn tôi như… vật thể lạ bởi lần đầu tiên một nhà báo xuất hiện ở bản. Vỗ Hôm không có nhà, qua tuổi 70 rồi mà hôm qua ông vẫn bươn bả ra tận Thái Bình thăm đồng đội cũ. Nhớ tối ở thị trấn Krông Klang, ông say sưa kể về Amam. Amam độc đáo bởi tính cổ xưa, tính độc nhất vô nhị trong nhiều loại nhạc cụ hiện có của người Vân Kiều, Pakô cũng như của đồng bào các dân tộc nói chung.

Amam là khèn đôi của người Vân Kiều. Các loại khèn của người Pakô hoặc người Dao vùng Tây Bắc, người Êđê ở Tây Nguyên chỉ một người thổi, còn Amam lại dùng cho hai người thổi. Hai người, nam thanh nữ tú, thích nhau song đang ở giai đoạn tìm hiểu nhau qua “chim xanh” là khèn Amam. Amam như là nụ hôn đầu tiên của tổ tiên, của núi rừng. Amam đã gắn kết cộng đồng người Vân Kiều qua các thế hệ.

Nhà nghiên cứu Hồ Chư bảo, ngày nay, kiểu giao duyên, tìm hiểu bạn tình theo kiểu Amam bị mai một dần. Tục đi sim (một kiểu tỏ tình qua âm nhạc) theo lối hiện đại với sự xâm nhập của video, karaoke... đã làm cho thanh niên trai trẻ quên hẳn Amam. Lời của Hồ Chư cứ vảng vất, cứ xoáy trong tôi…

MỚI - NÓNG