Với xe khách liên tỉnh, thay vì đợi chính quyền địa phương đồng thuận, Bộ GTVT đã dùng quyền quyết định để mở lại tất cả các tuyến xe giữa các tỉnh, tối thiểu khai thác 5% tần suất.
Tín hiệu dần khả quan
Sau hơn 1 ngày cho mở lại đường bay nội địa, ngày 11/10, UBND TP Hải Phòng chính thức bỏ quy định yêu cầu bắt buộc cách ly tập trung với người từ TPHCM về. Thay vào đó, hành khách chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày. Tương tự, Hà Nội cũng phát tín hiệu sẽ bỏ quy định cách ly tập trung, thay vào đó là quy định khách về từ vùng nguy cơ cao (như TPHCM) chỉ phải cách ly tại nhà nếu tiêm đủ liều vắc xin (hoặc đã khỏi bệnh COVID-19). Với những thay đổi này, việc nối lại đường bay đi/đến Hà Nội, Hải Phòng sẽ rất thuận lợi trong những ngày tới, không còn tình trạng dù đã được cấp phép nhưng chưa thể bay.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, chỉ nên tập trung kiểm soát chặt với người từ vùng nguy cơ dịch bệnh cao về các vùng có độ phủ vắc xin thấp. Tạo điều kiện cho người dân đi lại giữa các vùng nguy cơ tương đương, hoặc từ vùng nguy cơ cao tới vùng đã tiêm phủ vắc xin.
Chiều 11/10, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho biết, trong ngày, các hãng đã khai thác 18/40 chuyến bay được cấp phép. Trước đó, trong ngày 10/10, chỉ có 11/38 chuyến chở khách nội địa đã cấp phép thực hiện được. Các chuyến bay chưa thực hiện, một phần do địa phương quy định khách tới phải đăng ký và được địa phương đồng ý, khách phải cách ly tập trung... Các chuyến bay diễn ra thuận lợi chủ yếu xuất phát từ địa phương đưa khách trở lại TPHCM, và các chuyến bay tới những địa phương không yêu cầu khách phải cách ly tập trung.
Đường bay TPHCM - Hà Nội trong ngày 10/10 chỉ thực hiện chở khách chiều từ Hà Nội đi, chiều ngược lại dù hãng đã bán vé nhưng phải hủy bay, do khách chưa đăng ký được nơi cách ly tại Hà Nội. Ngày 11/10, chuyến bay từ TPHCM đến Hà Nội chở 120 khách được thực hiện sau khi các điểm cách ly mở cho khách đăng ký. Tuy nhiên, tin từ hãng khai thác cho hay, để ra Hà Nội trên chuyến bay trên, khách cũng gặp khó khi tìm nơi cách ly, một số khách sạn báo hết phòng, số khác thu phí rất cao (có nơi hơn 40 triệu đồng cho 7 ngày cách ly)... Một số đường bay khác các hãng tạm thời phải dừng bán vé do chưa rõ về phương án tiếp nhận, cách ly...
Là một trong các địa phương mở cửa đón nhận khách tới từ vùng nguy cơ cao, nhưng khách tới không phải cách ly tập trung, ông Trần Văn Thọ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: Phú Quốc chuẩn bị thí điểm mở đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vắc xin”, nên người dân trên đảo được ưu tiên tiêm vắc xin. Tới nay, có 90% người dân từ 18 tuổi trở lên trên đảo tiêm mũi 1, dự kiến 2 tuần tới sẽ tiêm đủ mũi 2.
Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Định - ông Lê Anh Tuấn cho rằng, nhu cầu người dân đi lại rất lớn sau thời gian dài giãn cách. Vừa qua, địa phương cũng triển khai hơn 10 chuyến bay đón người từ TPHCM về nên có kinh nghiệm, quy trình để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Địa phương đã đồng thuận ngay với việc mở lại đường bay chở khách tới Bình Định, hướng tới kích cầu du lịch.
Địa phương buộc phải mở cho xe khách
Với vận tải khách đường bộ, Bộ GTVT vừa ban hành quy định tạm thời về mở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ, gồm cả xe khách từ địa phương nguy cơ dịch COVID-19 rất cao, cao tới địa phương nguy cơ thấp hơn. Theo đó, từ ngày 13 đến 20/10, các địa phương phải mở lại hoạt động xe khách liên tỉnh tuyến cố định, tần suất khai thác tối thiểu 5% và tối đa 30% so với bình thường, áp dụng với các tuyến vận tải khách giữa các địa phương vùng nguy cơ cao hoặc từ vùng nguy cơ cao sang vùng nguy cơ thấp hơn và ngược lại. Riêng các địa phương có nguy cơ cao về dịch COVID-19 hoặc “bình thường mới” phải mở lại xe khách như khi chưa có dịch, chỉ cần điều kiện xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Người đi xe khách liên tỉnh giữa vùng nguy cơ rất cao, giữa vùng nguy cơ cao tới khu vực nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải đáp ứng các điều kiện: Đã tiêm đủ liều vắc xin, mũi gần nhất tối thiểu 14 ngày (có chứng nhận); hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Tất cả khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Khách phải tuân thủ khuyến cáo 5K, khai báo y tế… Khi về địa phương, hành khách phải thực hiện khai báo và chấp hành đầy đủ quy định của địa phương. Địa phương nơi khách tới có trách nhiệm quản lý, giám sát, theo dõi và thực hiện các xét nghiệm với hành khách.
Tối 11/10, Bộ GTVT ban hành kế hoạch thí điểm khai thác lại tàu khách từ ngày 13 đến 20/10. Khách đi tàu giai đoạn này cần đạt điều kiện về tiêm vắc xin, xét nghiệm như với đi lại bằng hàng không, đường bộ. Với khách đi từ vùng nguy cơ và vùng đang ở trạng thái bình thường mới tới địa phương có điều kiện tương đương chỉ cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khách phải thông báo và chấp hành quy định tại địa phương nơi tới. Khách đi tàu từ vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được bán vé theo chỗ tại toa xe riêng trên đoàn tàu. Trong giai đoạn thí điểm, trên tuyến Hà Nội - TPHCM sẽ dừng đón/trả khách tại tất cả 23 ga ở tất cả tỉnh thành trên tuyến. Sau giai đoạn thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổng hợp kết quả, ý kiến các địa phương để báo cáo Thủ tướng.
Đường bay TPHCM – Tây Nguyên: Nơi mở, chỗ chưa
Ngày 11/10, UBND tỉnh Gia Lai mới có văn bản về việc áp dụng một số biện pháp tạm thời trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hành khách trên các chuyến bay nội địa đến Cảng Hàng không Pleiku.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu, khách tới địa phương phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ GTVT (đã tiêm vắc xin, hoặc khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2). Riêng khách từ TPHCM tới Sân bay Pleiku và lưu trú tại Gia Lai phải cách ly tập trung 7 ngày tự trả phí, sau đó cách ly tại nhà thêm 7 ngày, sau cách ly tiếp tục theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Suốt quá trình đó khách sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 với tần suất bình quân 3 ngày 1 lần.
Với vận tải khách đường bộ, Sở GTVT các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum cho hay, đang xin ý kiến UBND tỉnh để mở lại theo chỉ đạo của Bộ GTVT. (LÊ TIỀN-VŨ LONG)