Đi Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng: Người lao động lấy đâu ra tiền

Đi Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng: Người lao động lấy đâu ra tiền
TP - Người lao động (NLĐ) đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép mới (EPS) đang lo lắng khi nghe tin Bộ LĐ-TB&XH triển khai thí điểm việc đóng tiền ký quỹ 100 triệu đồng trước khi đi lao động.

> Đi làm ở Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng
> Những phận người kém may

Trong căn nhà tuyềnh toàng tại xã Kỳ Tân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chị L.T.H mặt buồn rười rượi vì vừa nghe tin muốn đi làm việc tại Hàn Quốc phải đóng tiền ký quỹ 100 triệu đồng. “Chồng em bỏ ra gần 30 triệu đồng để học tiếng Hàn và đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng 12/2011, nhưng đến nay vẫn ngồi chờ vì Hàn Quốc đã dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu sau này có được đi, nghèo như bọn em, lấy đâu ra 100 triệu đồng”, chị H. lo lắng.

Theo chị H, anh N.V.P (chồng chị) suốt từ cuối năm 2011 đến nay phải đi phụ hồ để kiếm tiền trang trải khoản vay ngân hàng chi vào việc đi học tiếng Hàn; tiền tàu xe, ăn, ở... khi ra Hà Nội dự thi. Sau khi đỗ, anh P chưa kịp mừng, tháng 8/2012, Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. “Tôi cứ nghĩ tới đây Hàn Quốc sẽ tiếp nhận trở lại nên cố đợi. Nhưng càng đợi, càng lo vì chứng chỉ tiếng Hàn chỉ còn 3 tháng nữa là hết hạn. Nay, lại càng hoảng khi nghe tin muốn đi Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng”, anh P bức xúc.

Anh N.T, quê Diễn Thắng (Diễn Châu, Nghệ An) cũng đỗ kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn tháng 12/2011 nói: “Nghe đài báo nói muốn đi Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng tôi thấy quá vô lý. Tại sao Bộ LĐ-TB&XH lại đẩy khó khăn cho NLĐ như vậy”. Theo T, tới đây, nếu Hàn Quốc có tiếp nhận trở lại, gia đình anh không thể có 100 triệu đồng để nộp.

Ký quỹ chắc gì không trốn

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia lâu năm về XKLĐ (xin giấu tên) cho biết, đây là quy định “cực chẳng đã” của Bộ LĐ-TB&XH. Vì bất lực trong việc triệu hồi lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước nên Bộ LĐ-TB&XH mới ban hành chính sách này.

“Một chính sách khi đưa ra áp dụng phải được nghiên cứu kỹ, không thể vội vàng. Lao động đa số đều khó khăn, họ lấy đâu ra 100 triệu đồng để ký quỹ. Hơn nữa, nếu ký quỹ, NLĐ vẫn có thể trốn ra ngoài (giống như với thị trường Nhật Bản) vì làm việc ở Hàn Quốc cho thu nhập cao, trong khi về nước không biết làm gì”, vị này nói.

TS. Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết, sở dĩ Bộ LĐ-TB&XH đề nghị ban hành chính sách trên là xuất phát từ một hội thảo gần đây để tìm kiếm giải pháp chống lao động bỏ trốn. Mục đích là giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống mức có thể chấp nhận được để Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam.

Về tính khả thi, TS. Tân từ chối bình luận. Thông tin PV Tiền Phong có được, hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang rốt ráo xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện thí điểm ký quỹ. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ký quỹ đến đâu, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khi được hỏi đều dè dặt trả lời.

Điều dư luận lo lắng nhất hiện nay là việc quản lý tiền ký quỹ sẽ thế nào. Ai đứng ra quản lý, Bộ Tài chính hay Bộ LĐ-TB&XH. Việc sử dụng, chi trả quỹ sẽ ra sao... Các vấn đề này, hiện vẫn đang rất tù mù, chưa được Bộ LĐ-TB&XH làm rõ.

“Giả sử Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam, với hơn 12.000 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn, nếu họ được đi, khoản tiền ký quỹ sẽ lên tới 1.200 tỷ đồng. Khoản tiền lớn như vậy, nếu không quản lý minh bạch, sẽ xảy ra vụ tiêu cực như từng xảy ra tại Trung tâm Lao động Ngoài nước cách đây vài năm”, một chuyên gia nói.

Lo mất thị trường vĩnh viễn

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - đơn vị được Bộ LĐ-TB&XH giao thực hiện Chương trình EPS cho biết, từ trước đến nay, NLĐ tham gia EPS vì phi lợi nhuận nên không có ràng buộc. Do đó, khi sắp hết hạn về nước, NLĐ thường hay bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc làm việc trái phép. “Việc ký quỹ là điều kiện bắt buộc, ai tham gia cũng phải thực hiện, kể cả lao động về nước đúng hạn. Bộ không thể chạy theo NLĐ mãi được”, ông Minh nói.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, với tỷ lệ bỏ trốn hiện đang ở mức gần 50% (cao nhất trong số 15 nước có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc), nhất thiết phải có biện pháp mạnh để đưa lao động về nước cũng như phòng tránh việc lao động mới sang có thể bỏ trốn.

“Nếu không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống mức nước tiếp nhận yêu cầu, nguy cơ mất hẳn thị trường XKLĐ Hàn Quốc là rất lớn”, ông Hải khẳng định. Theo ông Hải, nếu mất thị trường Hàn Quốc vĩnh viễn, trước hết, cơ hội xuất ngoại của hơn 12.000 lao động (đã có chứng chỉ tiếng Hàn) coi như chấm dứt và kéo theo hàng ngàn lao động có nhu cầu khác sẽ hết cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Theo quy định, người nghèo sẽ được vay tiền ký quỹ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Như ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng GĐ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, chỉ người nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, để vay được tiền, người nghèo (dù không phải thế chấp tài sản) phải gia nhập và là thành viên tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn (xóm), ấp, bản, buôn nơi gia đình đang sinh sống. Ngoài ra, phải được tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội gửi UBND cấp xã xác nhận.

Chương trình EPS triển khai từ tháng 8/2004. Do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao nên tháng 8/2012, Hàn Quốc dừng tiếp nhận. Theo Bộ LĐ-TB&XH, tổng số lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS vào khoảng 63.271 người. Phía Hàn Quốc cho rằng, chỉ tiếp nhận trở lại khi Việt Nam giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới 27%.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG