Đi đến cùng vấn đề nóng

Đi đến cùng vấn đề nóng
TP - "Năm 2012 tình hình kinh tế, xã hội thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức". Đó là điểm nhấn chung của phiên họp HĐND tại 3 thành phố hôm qua (4-12).

> Sáng sớm, trộm phá 2 lớp khóa 'hô biến' xe tay ga
> Kinh tế càng khó khăn, nạn cướp giật càng phức tạp

Ngoài ra, mỗi nơi còn đi sâu vào mổ xẻ những vấn đề riêng. Trong khi Hà Nội tỏ rõ quyết tâm sẽ làm dân chủ công khai và 19 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã sẵn sàng cho việc lấy phiếu tín nhiệm thì TP Hồ Chí Minh các đại biểu đã mổ xẻ đến cùng để tìm ra giải pháp xử lý nạn trộm cướp ngày càng lộng hành. Còn Đà Nẵng, lại trăn trở quyết bài toán phân bổ dân cư.

Hà Nội: Phiếu tín nhiệm là “gương soi”

Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định ngay tại kỳ họp HĐND thành phố diễn ra vào giữa năm 2013, Hà Nội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do HĐND bầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND thành phố) cho biết. “Đây là chủ trương rất đúng đắn và lẽ ra phải làm từ lâu”.

Ông Nam khẳng định luôn sẵn sàng với việc lấy phiếu tín nhiệm với chính chức danh đang nắm giữ.

Cũng theo ông Nam, Hà Nội sẽ có 19 chức danh sẽ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm (HĐND có 6 chức danh, UBND có 13 chức danh) gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND thành phố, các Ủy viên UBND thành phố, thường trực HĐND thành phố, các Trưởng các Ban của HĐND thành phố.

Hưởng ứng chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, việc này nếu làm thường xuyên sẽ tạo động lực để những người ở vị trí lãnh đạo không ngừng phấn đấu, rèn luyện. “Những người phiếu tín nhiệm quá thấp phải kiên quyết thay thế mới tạo hiệu quả thực sự” - ông Vân kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, điều quan trọng nhất của người lãnh đạo ngoài năng lực chuyên môn là phải có uy tín trong tập thể cơ quan. Việc lấy phiếu tín nhiệm được xem như là “gương soi” trong quá trình làm việc. Các cơ quan lấy phiếu tín nhiệm, tôi cho là một việc làm tốt. Tôi nghĩ nếu tín nhiệm thấp quá cũng nên từ chức”-Ông Độ nói.

TPHCM: Trấn áp vấn nạn trộm cướp lộng hành

Cảnh sát đặc nhiệm TPHCM truy bắt hai tên cướp máy tính xách tay của người đi đường. Ảnh: PB
Cảnh sát đặc nhiệm TPHCM truy bắt hai tên cướp máy tính xách tay của người đi đường. Ảnh: PB.
 

“Tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, tội phạm cướp giật táo tợn và tàn bạo làm nhân dân rất lo lắng, bất bình” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM vào ngày 4-12.

ĐB Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường đại học KHXH&NV thẳng thắn: Cướp giật lộng hành một cách bất thường, không đáng có. Đừng đổ thừa hoàn cảnh khách quan.

Từ sau giải phóng đến nay, công tác đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống tội ác, cướp giật TPHCM làm rất tốt, vì sao gần đây lại diễn biến phức tạp đến như vậy ? Tôi cho rằng do các sở ban ngành, trực tiếp là Công an TPHCM đã chủ quan, cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm.

Các biện pháp trấn áp, đấu tranh phòng chống tội phạm chưa làm đúng mức và hiệu quả.

Làm gì để trấn áp nạn trộm cướp đang rộ lên, tái lập lại an ninh, trật tự, khôi phục niềm tin của cử tri? Ông Lâm Đình Chiến, Chánh Thanh tra thành phố đề nghị HĐND TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề về an ninh trật tự, huy động mọi nguồn lực tham gia phòng chống tội phạm.

Theo ĐB Trần Trọng Dũng, Phó Tổng biên tập báo Công an TPHCM, muốn chống tội phạm hiệu quả, cần ưu tiên kinh phí, cơ sở vật chất.

Theo kết quả giám sát của HĐND TPHCM, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm hiện rất thiếu và lạc hậu. Nhiều xe cảnh sát đã cũ, sử dụng trên 10 năm.

Vừa qua, UBND TPHCM đồng ý trang bị xe mới nhưng do thủ tục rắc rối nên cả năm nay vẫn chưa mua được.

“Một trong những thế mạnh của TPHCM về thu hút đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài là nhờ sự thân thiện, an ninh trật tự ổn định. Nếu không trấn áp được nạn cướp giật, môi trường đầu tư, phát triển du lịch bị ảnh hưởng sẽ tác động dây chuyển đến nhiều ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm…” –ĐB Võ Văn Sen cảnh báo.

Đà Nẵng: Hạn chế nhập cư nội thành

Đó là một trong những nội dung cơ bản của tờ trình về việc thông qua Đề án “Phân bổ dân cư TP Đà Nẵng 2013 – 2020” vừa được UBND thành phố trình HĐND thành phố trong ngày họp đầu tiên vào hôm qua, 4-12. Đây là 1 trong 6 tờ trình dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, đề án “Phân bổ dân cư” được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị của miền Trung.

“Quan điểm của thành phố là tiếp tục cho phép nhập cư nhưng có sự kiểm soát và hạn chế nhập cư vào khu vực nội thành để đảm bảo về số lượng, chất lượng dân số và tránh quá tải hạ tầng” – Chủ tịch Văn Hữu Chiến cho biết.

Trước đó, trong Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 (mở rộng), Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, nhấn mạnh: “Những nỗ lực, công sức bỏ ra bao nhiêu, làm tốt bao nhiêu mà không kiểm soát được nhập cư thì sẽ “trút hết xuống sông Hàn” .

Ông Nguyễn Bá Sơn - GĐ Sở Tư pháp thành phố cho rằng Đà Nẵng đang hướng tới một thành phố đáng sống, vậy hiểu đúng nghĩa của từ đáng sống nghĩa là gì?

Trước mắt phải là không quá tải dân số. “Nếu trong tương lai nói Đà Nẵng là nơi đáng sống, nhưng ra đường là kẹt xe, tai nạn giao thông, cư dân nghèo đói, đô thị mất an ninh, dân không được chăm sóc y tế thỏa đáng, trường học chật chội thì đáng sống ở đâu?” - ông Sơn bộc bạch.

Vậy thì, Đà Nẵng không cấm nhập cư mà chỉ là hạn chế nhập cư để phân bổ dân cư cho đồng đều.

Hôm nay, 5-12, kỳ họp tiếp tục với các phiên thảo luận chung, thảo luận tổ và thông qua 3 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về phân bổ dân cư.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG