Nhờ phát triển hệ thống bán lẻ, doanh thu từ sản phẩm dệt may trong nước ngày càng tăng. Ảnh: Phục Lễ . |
Theo báo cáo, doanh thu nội địa của Vinatex trong năm 2010 đạt trên 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước và vượt 8% so với kế hoạch năm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có doanh thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn, trên 1.000 tỷ đồng như Tổng công ty Phong Phú 2.175 tỷ, Dệt May Hà Nội ((1.410 tỷ), Việt Thắng (1.199 tỷ), và các công ty thương mại thời trang Việt Nam (1.450 tỷ)...
Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ông Vũ Sỹ Nam cho biết: Doanh thu nội địa tăng phần lớn nhờ vào các doanh nghiệp chú trọng đầu tư mạnh cho thị trường nội địa, cả về sản xuất lẫn xây dựng và mở rộng hệ thống phân phối trong nước.
Trong năm 2010, Tập đoàn triển khai 81 dự án đầu tư. Các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động góp phần tăng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, trong đó sợi tăng thêm 7.700 tấn/năm; vải tăng thêm 62,4 triệu m2/năm và 1.200 tấn khăn/năm; sản phẩm may tăng thêm 2 triệu đơn vị sản phẩm/năm...
Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý chính thức, siêu thị thời trang của Vinatex và các đơn vị thành viên được mở rộng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố với hơn 3.100 đại lý, 56 siêu thị thời trang và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Theo các doanh nghiệp dệt may, việc tăng cường liên kết, sử dụng thiết bị và sản phẩm của nhau cũng đã góp phần đẩy nhanh doanh thu nội địa của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp như Sợi Phú Bài, Dệt Sơn Trà, Nhuộm Yên Mỹ liên kết để cùng khai thác thiết bị hiện đại mới được đầu tư.
Từ sự phối hợp khai thác thiết bị với Dệt Đông Á, Dệt Phong Phú đã giảm đầu tư khoảng 1 triệu USD nhưng tăng sản lượng trên 400.000m vải jean/tháng. Doanh nghiệp nhuộm Yên Mỹ từng liên kết, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp may như Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông, May 10 với sản lượng cung cấp trên 1 triệu mét vải mỗi quý.