Đẹp khi làm việc thiện

Đẹp khi làm việc thiện
TP - Ngày 16-8, BTC và 40 thí sinh HHVN 2012 đến thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh tại xã Nhơn Hòa, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Cùng ngày, đoàn thí sinh thăm và tặng quà ở Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng ở Đà Nẵng.

> Thí sinh Hoa hậu: Sẻ chia, thân ái

Các thí sinh tham dự VCK Hoa hậu Việt Nam 2012 tới thăm Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng
Các thí sinh tham dự VCK Hoa hậu Việt Nam 2012 tới thăm Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Từ sáng sớm, tất cả 40 thí sinh đã tập trung để lên đường trong tấm áo xanh của Thanh niên Việt Nam. Trước khi đến 2 trung tâm, đoàn đã dâng hương, hoa viếng các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm của TP Đà Nẵng.

Những mục đích đơn giản và ý nghĩa

Thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng, Trưởng BTC, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu: “Hướng đến cộng đồng, hoạt động xã hội luôn luôn là một tiêu chí của cuộc thi HHVN. Hôm nay các thí sinh đến đây với hai mục đích rất đơn giản: Đem đến cho các cháu bị thiệt thòi thêm niềm vui; và thu hút thêm sự chú ý của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội để Trung tâm và các cháu nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa”.

Nhiều em không nghe, không nói được. Nhưng hôm nay có khách, các em múa trên nền nhạc bài Qua sông, Tự nguyện, Trống cơm.

“Nhiều em đến với trung tâm trong tình trạng tự kỷ. Không ít em thần kinh yếu, thấy đông dễ xúc động, nhưng dần dần các em vui vẻ hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Vang cho biết.

Không hát hò tưng bừng tặng các em như Tuyết Ngọc, Đặng Thu Thảo kể những câu chuyện giản dị, thấy các em nóng thì cầm nón quạt. Ban đầu mắt đỏ hoe, nhưng rất nhanh cô giấu nước mắt và chụm đầu chơi đập tay với trẻ.

Ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công với Cách mạng
Ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công với Cách mạng.

Lúc chia tay, Thảo trở thành “đối tượng” tranh chấp của hai cậu bạn-cứ giằng co điện thoại của người đẹp Bạc Liêu để lưu số điện thoại, rồi chụp hình lưu niệm.

Không khí vui nhộn nhường chỗ cho những cái ôm, nắm tay thật chặt khi thí sinh đến thăm Trung tâm Phụng dưỡng người có công với cách mạng khi trời vào trưa.

Trung tâm đang chăm sóc 65 người có công, Mẹ Việt nam anh hùng, trừ những cụ mệt nghỉ tại phòng, còn lại đều lên hội trường đón các em.

Đỗ Hoàng Anh kể: “Em từng có nhiều hoạt động như thế này, nhưng thường chỉ thăm trẻ mồ côi, đây là lần đầu đến thăm nơi chăm sóc người có công. Em cảm thấy cuộc sống của mình thật hạnh phúc, em muốn chia sẻ điều đó đến mọi người, bằng thật nhiều nụ cười và làm cho các cụ được vui”.

Chỉ mươi phút khi chương trình giao lưu bắt đầu, Trần Thị Bích Hằng lặng lẽ dìu bà Mỹ về phòng.

Hễ có tiếng ồn là bà đau đầu, không chịu được, ông Trần Công Bê, giám đốc trung tâm cho biết, bà bị thương ở Quảng Nam, suy nhược thần kinh, lại thêm chân đau.

Căn phòng hơn 20m2 kê hai chiếc giường đơn, đồ đạc giản dị, bà Mỹ giục thí sinh về hội trường với mọi người, nhưng bàn tay nắm chặt lấy cô gái 19 tuổi.

Vì lý do sức khỏe nên thí sinh nhanh chóng đưa các cụ về phòng nghỉ, cùng trò chuyện. Mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thị Cống năm nay 95 tuổi, không đi lại được.

Bốn người con, chỉ còn con gái Nguyễn Thị Huệ nay 75 tuổi, con trai mẹ hi sinh cả. Bà Huệ cũng bệnh binh, theo vào trung tâm chăm mẹ.

Mẹ Sung, người sống ở trung tâm lâu nhất, từ năm 1985 nói: “Có nghĩ lại chuyện xưa cũng không thay đổi được gì, thôi mẹ không nghĩ nữa, để còn sống vui vẻ chứ. Hôm nay thấy các cháu đến mẹ vui lắm, mừng cho các cháu”.

Mẹ Nguyễn Thị Loan ở phòng kế bên 90 tuổi vẫn còn minh mẫn, chồng và con trai độc nhất hi sinh, mẹ ở đây gần 20 năm nay. Cùng phòng có bà Kiều 86 tuổi, chồng hi sinh và sống một mình.

Hơn một tiếng ngắn ngủi cũng kịp nhen lên tình cảm thắm thiết lạ thường. Nhiều mẹ tiễn thí sinh tới tận cổng, dặn với: Con thi tốt nha. Chừng nào rảnh quay lại đây thăm bà không.

Thí sinh khóc ở trại dưỡng lão

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn thăm hỏi cụ bà cao tuổi nhất Trung tâm Phụng dưỡng người có công với Cách mạng
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn (bên phải) thăm hỏi cụ bà cao tuổi nhất Trung tâm Phụng dưỡng người có công với Cách mạng.

BTC cùng 40 thí sinh tặng mỗi trung tâm 70 triệu đồng, cùng tổng số 150 suất quà. Sau đêm chung kết, BTC cùng Hoa hậu, á hậu và các người đẹp Top 10 sẽ thăm, tặng quà tại Khoa ung bướu - Bệnh viện Đà Nẵng.

Bàn tay của cụ Nguyễn Thị Liên đầy sẹo và co quắp - hậu quả của những trận đòn tra tấn năm xưa. Nắm chặt bàn tay ấy, Trương Thị Hải Vân rưng rưng: “Cụ là thương binh nặng, không có gia đình, con cái, cả thời tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng. Câu chuyện của cụ khiến con rất xúc động…”.

Cụ Liên cười: “Biết tin các cháu đến thăm, đêm qua cụ cũng hồi hộp khó ngủ. Cụ già rồi những được ngắm các cháu trẻ đẹp thế này vui lắm”.

Cụ Liên đứng dậy khó nhọc đi lên sân khấu ca một bài dân ca bài chòi kể về thời chống Mỹ. Giọng ca nghe da diết buồn nhớ khiến nhiều người đẹp lặng đi.

Nhà báo Lê Xuân Sơn xúc động đọc tặng các cụ bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy: “Ta đi hết nửa cuộc đời/Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.

Khác với các thí sinh khác, vali của Hà Anh chủ yếu đựng chè lam thay vì quần áo bởi cô muốn dành tặng thứ quà độc đáo cho các cụ già ở Trung tâm dưỡng lão cũng như các em nhỏ ở Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam.

Hà Anh cầm những bánh chè lam mà nước mắt cứ rơi: “Ông nội em cũng đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường miền Nam, vừa mới tìm được phần mộ năm ngoái”.

Tôi cùng thí sinh Nguyễn Thùy Linh và Đỗ Hoàng Anh tới thăm phòng nhỏ bé đơn sơ của bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Cúc.

Trên nóc tủ của căn phòng có một bát hương cụ Cúc thờ người con trai duy nhất của mình hy sinh khi mới 19 tuổi cho đến bây giờ vẫn chưa tìm được mộ.

Tấm hình duy nhất của con trai cũng đã bị mất khi giặc Mỹ đốt cháy nhà của cụ. Nhưng cụ Cúc đã khiến hai người đẹp bật cười vui vẻ khi kể về cuộc sống hàng ngày đầm ấm của mình, rồi thì “thỉnh thoảng các cụ ông cũng sang đây thăm hỏi giao lưu”.

Khi Thùy Linh và Hoàng Anh ra về, cụ Cúc nhìn rất kỹ vào số báo danh trên ngực áo. Cụ nói nhỏ với tôi: “Hôm nào xem TV sẽ nhắn tin bình chọn cho hai con”. Tiếc rằng HHVN năm nay lại không có bình chọn bằng hình thức này.

Cụ Hoàng Thanh Tuyên, mặc quân phục, ngực đeo đầy huy chương, chống gậy tiễn thí sinh Thiều Thị Linh vừa đến thăm phòng mình.

Cụ Tuyên - mắt đã mờ, chân đau nhức vì vết thương, miệng xúyt xoa: “Các cô gái đẹp như những bông hoa của trời đất đến thăm các cụ thật là một quà tặng tuyệt vời. Tôi có hai đứa còn đều bị tàn tật vì chất độc da cam, giờ nhìn các cháu khỏe mạnh xinh đẹp thế này, tôi vui mà muốn khóc”.

Cụ bà bói ai là hoa hậu

Cụ Nguyễn Thị Nhạn được nhiều thí sinh xoa bóp đôi bàn tay nhăn nheo. Đáp lại, cụ có nhã ý xem bói tay cho họ.

Một số thí sinh được cụ bói tay đã thốt lên: “Cụ nói trúng quá”. Khi PV đề nghị: “Cụ thử bói xem ai sẽ là hoa hậu”, cụ cười vẻ bí hiểm: “Cụ biết ai là hoa hậu rồi”. Im lặng một lúc, cụ nói: “Với cụ, các cháu đến đây ai cũng là hoa hậu cả”.

“Chú lùn” mất ngủ vì các “nàng Bạch Tuyết”

TP - Tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam có MC Phương thân hình tí hon, gương mặt thông minh và cách dẫn chương trình rất tự tin. Bố mẹ nghèo, anh Phương không được đi học, cùng với em gái vào Trung tâm đã được 4 năm.

Đón 40 người đẹp, anh tự nhận mình giống như chú lùn được gặp các nàng Bạch Tuyết. Trước khi gặp, chú lùn 32 tuổi đã mất ngủ, và sau khi gặp sẽ còn mất ngủ.

Đẹp khi làm việc thiện ảnh 4
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.