Thảo cầm viên Sài Gòn là điểm đến tham quan, vui chơi quen thuộc của rất nhiều người dân ở TPHCM và các địa phương mỗi dịp lễ, Tết. Tại đây có hơn 2.000 cá thể động vật nhưng chỉ có khoảng 40 người chăm sóc. Chăm sóc thú là một công việc thầm lặng, ngoài yếu tố chuyên môn còn đòi hỏi sự chịu khó, nhẫn nại để có thể gần gũi, chăm sóc chúng mỗi ngày. |
Anh Thái Ngọc Tuấn (41 tuổi) có gần 20 năm làm việc tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Vốn yêu thích động vật nên khi biết nơi đây tuyển dụng đã xin vào. Trước đó nuôi dê, hổ, tê giác. Hiện là nhân viên chăm sóc voi được khoảng 6 năm. Công việc của anh là chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi sức khỏe của voi. Trong đó không thể thiếu việc "làm nail" cho voi. |
"Làm nail" là cách nói vui. Thực ra đây là công việc kiểm tra chân voi xem có đạp phải vật nhọn nào gây tổn thương chân hay không, cũng như chăm sóc móng chân, bàn chân cho voi... |
Sau đó nhân viên sẽ tắm rửa, mát xa cho voi mát mẻ, thoải mái. |
Chị Phan Thị Thanh Lan (54 tuổi) có 18 năm làm việc tại Thảo cầm viên, chủ yếu chăm sóc vườn thú thiếu nhi. Trong đó chăm sóc hà mã ngót nghét 10 năm. Bước đến chuồng hà mã, chị Lan cất tiếng gọi đầy yêu thương “bé Dít ơi”, ngay lập tức, một chú hà mã lùn nặng hàng tấn chầm chậm bơi đến. |
Tại đây, chị Lan cầm chiếc bàn chải dài nhẹ nhàng mát xa xung quanh miệng cho hà mã, sau đó ra dấu tay, chú hà mã hiểu ý liền há miệng chờ đánh răng. Người nhân viên nhanh chóng chải răng và kiểm tra răng cho hà mã, xem thức ăn có bị dính răng vào không. Nếu có, chị Lan sẽ lấy ra. Trường hợp với thức ăn dính khó lấy thì sẽ nhờ đến bác sĩ thú y hỗ trợ. |
Sau đó, chị Lan "thưởng" cho bé Dít bí đỏ, cà rốt, dưa hấu... Mỗi ngày hà mã sẽ được cho ăn 2 cữ. Tại Thảo cầm viên Sài Gòn, hà mã được đặt nhiều tên ngộ nghĩnh như Dít, Hột Mít, Ka... |
Nhân viên lấy thức ăn dính trong răng cho hà mã, đồng thời kiểm tra răng miệng, nếu có chiếc răng nào quá dài chọc vào hàm trên sẽ được bác sĩ hỗ trợ xử lý. |
Đây là những "vú nuôi", "cha mẹ nuôi" của chúa sơn lâm tại Thảo cầm viên. Ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi), nhân viên tổ chăm sóc thú dữ (thứ 4 từ phải qua) có hơn 40 năm gắn bó với việc chăm sóc thú, trong đó có 3 năm chăm sóc hổ. Không chỉ cho ăn, người chăm hổ còn phải tập cho hổ thói quen săn mồi bằng cách treo thức ăn lên cao để chúng tự khám phá, làm "đồ chơi" cho chúng vận động, cào cấu, tránh ù lì. Hổ cũng được "làm nail" khi móng quá dài... |
Một cặp hổ được Thảo cầm viên nhân giống thành công và sinh ra tại đây, hiện đã gần 2 tuổi. |
Một "chị nuôi" chuẩn bị khẩu phần ăn cho hổ. Mỗi con hổ được ăn khoảng 5kg thịt một ngày, một tuần sẽ được nhịn một ngày nhằm kích thích đường tiêu hóa và khơi dậy sự thèm ăn. Song song với các bữa ăn, hổ còn được bổ sung các loại vitamin A, B, D và E để lông đẹp, cơ bắp săn chắc; xổ giun, tiêm vắc-xin ngừa bệnh... |
Các em nhỏ thích thú trước hình ảnh một chú hổ con đang đùa nghịch trong hồ nước tại Thảo cầm viên Sài Gòn |
Chia sẻ thêm về quy trình chăm sóc động vật ở đơn vị, ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo cầm viên Sài Gòn Trực cho biết, các loài động vật khác đều phải tuân thủ theo quy trình. Nhân viên chăm sóc mỗi năm đều được tập huấn về an toàn lao động, an toàn sức khỏe cho người chăm sóc và động vật. Đặc biệt là các cách xử lý tình huống khẩn cấp. “Chúng tôi luôn cập nhật kiến thức mới cho cán bộ nhân viên. Để đảm bảo hơn nữa, công ty có trang bị đủ bảo hộ lao động cho người lao động, đảm bảo an toàn trong làm việc như quần áo, ủng, khẩu trang đeo khi vào chuồng thú. Ngoài ra chúng tôi có quy trình sát trùng chuồng định kỳ, sát trùng đường đi, khuôn viên trước và sau lễ. Ở cổng bảo vệ cũng có bình sát trùng để sát trùng xe đơn vị, đối tác, đảm bảo không mang mầm bệnh bên ngoài vào Thảo cầm viên” – ông Trực cho biết.