Đến hẹn vẫn không nhận được vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
TP - TPHCM có hơn 33.000 trẻ chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Ngành y tế TPHCM vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc cung ứng vắc xin từ Bộ Y tế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM chiều 30/11, BS. Lê Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, thành phố có hơn 33.000 trẻ chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Ngành y tế TPHCM vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc cung ứng vắc xin từ Bộ Y tế.

Theo HCDC, căn cứ trên kế hoạch dự kiến từ Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cuối tháng 11 sẽ có vắc xin trong chương trình TCMR trong nước sản xuất và cuối tháng 12 sẽ có vắc xin nhập khẩu.

Tuy nhiên, BS. Nga nói: “Tính đến ngày hôm nay (30/11), HCDC chưa nhận được bất cứ một thông báo nào về việc cung ứng vắc xin từ chương trình TCMR quốc gia. Lần gần nhất, HCDC nhận được vắc xin là vào đầu tháng 10/2023 với 2 loại vắc xin uốn ván (VAT) và bại liệt đường uống”.

Đến hẹn vẫn không nhận được vắc xin ảnh 1

Thiếu vắc xin là nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều loại bệnh nguy hiểm ở trẻ gia tăng. Ảnh: Vân Sơn

Theo BS. Nga, đến 30/11, hầu hết các loại vắc xin trong chương trình TCMR đều đã hết. Chỉ còn một số loại như vắc xin uốn ván tiêm cho thai phụ (dự kiến hết vào tháng 12); vắc xin viêm não Nhật Bản (dự kiến sẽ hết vào tháng 1/2024).

“Nếu không nhận được nguồn vắc xin nào cung ứng từ Bộ Y tế thì tất cả các vắc xin trong chương trình TCMR sẽ hết trong thời gian tới. Việc gián đoạn cung ứng vắc xin kéo dài sẽ khiến trẻ gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở mức cao.

Khi cả cộng đồng không được cung ứng vắc xin đầy đủ thì tỷ lệ bao phủ vắc xin cho các lứa tuổi trong cộng đồng sẽ giảm dẫn tới nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh. Những loại bệnh có thể bùng phát trong thời gian tới là sởi, bạch hầu, ho gà”, BS. Nga nói.

Đồng Nai hiện cần trên 51.000 liều vắc xin các loại trong chương trình TCMR. Trong đó, vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib đang thiếu nhiều nhất với gần 8.400 liều, tiếp đó là vắc xin bại liệt, sởi, viêm gan B… Riêng tại TP Biên Hòa, hiện chỉ còn vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và vắc xin viêm não Nhật Bản (IPV) cho trẻ. Vắc xin 5 trong 1 đã hết từ đầu năm 2023, đến tháng 9 mới có trở lại nhưng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu và đã hết trở lại.

Thành phố có 2.871 trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1; tiếp đến là 3.362 trẻ chưa được tiêm mũi sởi thứ nhất. Đây là những vắc xin quan trọng nhất của trẻ dưới 1 tuổi.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, có 8.882 trẻ chưa được tiêm mũi sởi thứ hai; 18.084 trẻ chưa được tiêm mũi nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà vào thời điểm 18 tháng.

Hiện nay, tất cả các phường, xã ở TPHCM đã lập danh sách trẻ tiêm thiếu vắc xin để đến khi có nguồn cung ứng, ngành y tế thành phố sẽ nhanh chóng triển khai mời trẻ ra tiêm chủng.

Hiện nay, khu vực phía Bắc đã ghi nhận sự xuất hiện của bệnh ho gà. BS. Nga nói: “Đây là loại bệnh truyền nhiễm cần phải tiêm phòng. Lâu nay, đây là loại bệnh bắt buộc phải tiêm phòng trong chương trình TCMR.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trong tình hình vắc xin TCMR đang bị gián đoạn trong cung ứng, những biện pháp dự phòng không dùng thuốc cần phải được thực hiện để bảo vệ trẻ trước bệnh ho gà”.

Mòn mỏi chờ vắc xin

Tình trạng thiếu vắc xin TCMR suốt nhiều tháng qua đang có dấu hiệu lan rộng tại TPHCM, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác, không chỉ gây khó khăn cho các gia đình nghèo, thu nhập thấp mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe trẻ em của ngành y tế.

Chị Hoàng Thị Mai (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, công nhân Công ty Pousung) cho biết, sau 2 lần lui tới Trung tâm y tế để tiêm vắc- xin 5 trong 1 cho con, nhân viên y tế thông báo hết vắc xin. Con chị Mai hiện nay đã 3 tháng tuổi nhưng bé chỉ mới được tiêm ngừa viêm gan siêu vi B và lao. "Nhân viên y tế tư vấn đưa bé đến tiêm vắc xin dịch vụ nhưng do chi phí quá cao so với điều kiện kinh tế của gia đình nên tôi đang dành dụm tiền và chờ vắc xin TCMR có trở lại", chị Mai cho hay.

Tương tự, chị Nguyễn Phương Linh (28 tuổi, ngụ tại phường 5, quận 8, TPHCM) cho biết, con chị mới 5 tháng tuổi. Do vắc xin TCMR không còn, bác sĩ khuyên đưa bé đi tiêm dịch vụ.

Chị Linh bộc bạch: "Tôi mới sinh, chưa đi làm được. Chồng thì đang thất nghiệp. Bé lớn đang học lớp 5, chi phí cũng tốn kém. Nếu tiêm dịch vụ với vắc xin 5 trong 1 thì tổng 3 mũi mất gần 2,4 triệu đồng, vắc xin 6 trong 1 thì còn đắt hơn. Tôi rất muốn cho con tiêm càng sớm càng tốt nhưng kinh tế quá khó khăn".

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, cho biết, tình trạng thiếu vắc xin đã xảy ra từ sau dịch COVID- 19, chủ yếu là vắc xin 5 trong 1, trong khi địa bàn lại đông công nhân đang trong độ tuổi sinh sản, tỷ lệ trẻ em cần được tiêm chủng rất nhiều. “Tình trạng không tiêm vắc xin, tiêm vắc xin không đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng và sức khỏe của trẻ em”, ông Phước cảnh báo.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, kho vắc xin của tỉnh đã cạn kiệt vì đã phân bổ hết trong tháng 11. Tình hình thiếu hụt nhiều loại vắc xin trong Chương trình TCMR đã kéo dài từ năm 2022 đến nay.

"Vắc xin TCMR nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn vắc xin này đều do Bộ Y tế phân bổ nên địa phương không chủ động được", ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho hay.

MỚI - NÓNG