> Chống lãng phí điện giữa ban ngày
Đèn chiếu sáng nhưng tối thường trực
Tuyến đường 212 (khu phố 2, phường Phước Long A, quận 9) được đầu tư, nâng cấp, mở rộng từ cuối năm 2012. Cùng với việc đầu tư làm đường, đèn chiếu sáng cao áp cũng được cải tạo, lắp đặt đầy đủ. Tuy nhiên, gần một năm nay, hệ thống đèn chiếu sáng của tuyến đường luôn tối thường trực.
Ông Phan Văn Thùy (41 tuổi, ngụ nhà 31B) cho biết đèn đường được bật sáng trong 4 ngày Tết Quý Tỵ rồi cúp tối thui đến nay. “Người dân hiến đất làm đường. Con đường sau khi hoàn thành rộng rãi, rất đẹp, phương tiện lưu thông nhiều nên thường xảy ra va quẹt. Để đảm bảo an ninh trật tự, đề phòng tai nạn giao thông, dân trong xóm đành góp tiền mua đèn compac câu mắc để chiếu sáng tạm” - ông Thùy ngậm ngùi.
Thiệt hại gần 20 tỷ đồng Theo Sở Giao thông Vận tải, trong năm 2012, toàn TPHCM đã xảy ra 1.283 vụ cắt trộm dây chiếu sáng. Tổng giá trị thiệt hại lên đến gần 19 tỷ đồng. |
Đường liên phường thuộc quận 9 cũng trong tình trạng tương tự từ nhiều năm nay. Ông Huỳnh Đăng Sơn (56 tuổi, ngụ nhà số 57/21) cho biết buổi tối người dân rất ngại ra đường, đặc biệt là phụ nữ vì đường vắng lại không có đèn chiếu sáng nên nạn cướp giật, sàm sỡ phụ nữ thường xảy ra.
Đoạn đường trên cầu vượt nút giao Tân Tạo (quận Bình Tân) hơn một năm nay luôn chìm trong bóng tối do đèn chiếu sáng không hoạt động, việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là khúc quanh đổ dốc xuống Quốc lộ 1. Đường tối, người tham gia giao thông không quan sát kỹ rất dễ xảy ra tai nạn.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, trên cầu bố trí bốn trụ điện với hệ thống đèn chùm cao áp, mỗi trụ có 8 bóng. Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân địa phương cho biết lợi dụng đường tối, nhiều đối tượng xấu đánh cắp thanh chắn hành lang đặt hai bên thành cầu. Nhiều người thiếu ý thức đem rác thải đổ ngay dưới chân cầu. Người dân nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục.
“Mới đây, một người đàn ông điều khiển xe máy từ Long An về TPHCM đã đâm vào các cọc tiêu bằng nhựa phân cách giữa làn xe tải với xe máy và bị thương nặng. Tai nạn giao thông trên cầu xảy ra như cơm bữa” – ông Hải nói.
Có cũng như không
Ông Trần Trung Hiếu, Chủ tịch UBND phường Phước Long A (quận 9) cho biết một số hộ dân chưa đồng tình với việc giải tỏa, di dời lưới điện nên cơ quan chức năng phải thi công theo kiểu da beo. Những đoạn đã thi công hoàn chỉnh thì Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị mới bàn giao hạng mục đường, hệ thống thoát nước. Riêng hạng mục chiếu sáng đến nay vẫn chưa bàn giao cho địa phương. “Người dân phản ánh nhiều. Sắp tới, địa phương sẽ có công văn đề nghị thành phố nhanh chóng bàn giao lại để sớm đưa vào vận hành, phục vụ nhu cầu của người dân” -ông Hiếu nói.
Một lãnh đạo Xí nghiệp Chiếu sáng số 5 thuộc công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TPHCM (đề nghị không nêu tên) thừa nhận, đèn đường nếu phơi mưa nắng, không vận hành, chiếu sáng thường xuyên sẽ rất lãng phí vì mau hư hỏng.
“Tuyến đường liên phường (quận 9) thường xảy ra nạn mất cắp dây điện chiếu sáng. Mới tái lập lưới điện ít ngày thì dây điện lại bị cắt trộm. Ngành chiếu sáng chỉ có trách nhiệm thi công, vận hành đèn còn chi phí đầu tư cho công trình chiếu sáng thuộc về chủ đầu tư (Khu quản lý đô thị số 2)” - vị này cho biết.