Đến bầu Đức cũng trở nên ít nói?

Tân Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức phát biểu trong buổi tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngay sau Đại hội VFF khoá 7. ảnh: VSI
Tân Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức phát biểu trong buổi tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngay sau Đại hội VFF khoá 7. ảnh: VSI
TP - Chủ tịch CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) Đoàn Nguyên Đức trong quá khứ là người nổi tiếng với những chỉ trích trực diện nhằm vào LĐBĐVN (VFF). Ông Đức hôm 25/3 đã trúng cử chức danh Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF.

1. Bầu Đức đã ngồi vào đúng vị trí của Chủ tịch Lê Hùng Dũng trước kia, để trở thành người nắm “hầu bao” cho VFF. Ở vị trí này, ông Dũng từng được xem là người có tiếng nói quyết định đối với nhiều vấn đề quan trọng ở VFF, bên cạnh nguyên Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, vai trò của ông Dũng càng trở nên quan trọng, thể hiện qua việc duy trì nguồn kinh phí hoạt động cho VFF cũng như tài trợ cho các giải VĐQG. Đây cũng chính là một trong những điểm mạnh của ông Dũng, giúp ông Dũng chiến thắng trong cuộc đua tới ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới dự đoán chưa qua khỏi giai đoạn khủng hoảng, kiếm tiền, càng nhiều tiền càng tốt, vẫn sẽ là yêu cầu quan trọng đối với VFF. Vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính vì vậy, hứa hẹn vẫn có tiếng nói đầy uy lực, ảnh hưởng tới các vấn đề quan trọng của bóng đá Việt Nam.

2. Hôm qua liên lạc qua điện thoại với bầu Đức. Thoáng chút ngập ngừng, ông Đức sau đó cáo bận rồi “khất” trao đổi vào dịp khác.

Trong quá khứ, bầu Đức nổi tiếng là người bộc trực, sẵn sàng chỉ trích một cách trực diện những khuyết điểm của VFF, từ việc xây dựng chiến lược dài hạn cho bóng đá, công tác điều hành giải đấu đến việc phân công trọng tài... Tất tật!

Dĩ nhiên, không phải ý kiến nào của ông Đức cũng nhận được phản hồi tích cực từ phía VFF, đặc biệt trong những vụ việc liên quan tới chuyện thi đấu của CLB HA.GL. Báo chí dù vậy vẫn thích ông Đức bởi các phát ngôn gây sốc của ông rất hợp “gu” giới truyền thông. Bản thân người viết từng nhiều lần phỏng vấn ông Đức, và hiếm khi phải thất vọng vì “tay không ra về”.

Hồi năm 2012, ông Đức nằm trong nhóm “liên minh” 6 ông bầu đưa ra đề nghị về việc thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Tại Hội nghị 28 CLB diễn ra ở Hà Nội, ông Đức đã đứng lên tuyên bố không chấp nhận “nghe” VFF lý luận nữa, để quyết định thành lập VPF theo ý nguyện của các CLB.

3. Trong số các lãnh đạo chủ chốt của VFF nhiệm kỳ VII, Chủ tịch Lê Hùng Dũng trong quá trình tranh cử luôn coi mình là “người nhà nước”, một đảng viên. Ông Dũng vốn thuộc quyền quản lý của TP Hồ Chí Minh và chỉ nhận trách nhiệm ở Công ty vàng bạc đá quý SJC vì được phân công.

Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn hiện đương hàm Vụ trưởng (Tổng cục TDTT). Ông Tuấn khi từ chức TTK sau SEA Games 2011 (Indonesia) đã được triệu về Tổng cục, phụ trách bóng đá. Người còn lại là Phó chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ vốn cũng đóng vai lớn ở Ủy ban Olympic Việt Nam và Hiệp hội Thể thao dưới nước.

Bầu Đức có thể nói, đậm chất doanh nhân hơn cả.

Giới thể thao thích ông Đức vì vẻ ngoài ít quan cách, các phát ngôn bộc trực cùng sinh hoạt giản dị. Ông Đức, từ vị trí có thể phản biện mọi vấn đề của VFF, sẽ trở thành người chịu trách nhiệm giải quyết tất cả những chuyện trong quá khứ bản thân từng chỉ trích. Một sự đổi ngôi, thay vai có thể gây khó khăn cho bất kỳ ai.

Mọi phát ngôn của bầu Đức lúc này trong bóng đá có thể không còn được gắn với HA.GL mà được nhìn nhận như của một quan chức VFF. Ông Đức có phải vì vậy bỗng trở nên ít nói?

4. Một quan chức VFF nay đã về hưu, trong một lần ấm ức vì bị chỉ trích quá nhiều đã tuyên bố, “chờ xem làm có hơn được không”. Bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều lời hứa hẹn. Đây có lẽ là lúc hơn bao giờ hết, dư luận và người hâm mộ chờ những quyết định tích cực từ bộ máy lãnh đạo mới của VFF. Trong đó có bầu Đức.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.