Đêm trắng Vĩnh Lộc

Đêm trắng Vĩnh Lộc
TP - Có một ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) với 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) trở thành bất tử. Cũng có một Vĩnh Lộc A ở huyện Bình Chánh, TPHCM với 32 dân công hỏa tuyến hy sinh trên cánh đồng Bưng Láng Sấu tháng 6-1968...
Tượng đài dân công hỏa tuyến Mậu Thân
Tượng đài dân công hỏa tuyến Mậu Thân.


Đêm định mệnh

Đêm Giao thừa 2011, TPHCM quyết định mở thêm một điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh ngay khu di tích tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến Mậu Thân đã hy sinh anh dũng trên cánh đồng Bưng Láng Sấu đêm 15-6-1968 (20-5 Âm lịch năm Mậu Thân). Đây cũng là lần đầu tiên người dân Vĩnh Lộc được chiêm ngưỡng pháo hoa mừng đón năm mới.

Đêm trắng Vĩnh Lộc hiện về lần lượt trong câu chuyện kể ngắt quãng vì nước mắt nghẹn ngào của bà Phạm Thị Tám, Nguyễn Thị Khỏi, Phạm Thị Ôi, Lê Thị Khuynh, Huỳnh Thị Ngao…là những cựu dân công hỏa tuyến Mậu Thân, những người may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần ngày ấy.

…Khoảng 7 giờ tối, ngày 15-6-1968, cả đội gồm 55 dân công hỏa tuyến vùng ven đô Vĩnh Lộc tập trung tại Ngã tư Tân Hòa 1 nhận lệnh chuyển bốn thương binh mặt trận thành phố từ Tân Hòa 1 về Bình Thủy (huyện Đức Hòa- Long An) rồi tải đạn từ Bình Thủy về nơi tập kết.

Đội dân công đi hàng dọc men theo bưng. Có nhiều đoạn sình lầy, nước ngập đến thắt lưng. Gần 9 giờ tối, hai trực thăng Mỹ sà sát, rọi đèn pha cực sáng. Người chỉ huy ra lệnh, tất cả chui nấp vào Đìa Dứa và nằm im… chưa kịp dứt lời, thì hàng loạt đạn rocket, đại liên từ trên máy bay xối xả bắn như vãi trấu xuống đoàn dân công.

Trong phút chốc, máu đổ đỏ cánh đồng.

Nén cơn xúc động, bà Phạm Thị Tám kể: “Lúc đó, tôi đang nằm nín thở, chợt nghe tiếng của Huỳnh Thị Điệp vọng ra từ bụi dứa bên kia: “Tao bị trúng đạn rồi Tám ơi, chắc tao chết! Mày còn sống thì nhớ nói má tao nuôi giùm con tao”. Điệp lịm đi và tôi không còn nghe thêm được gì nữa. Cô vĩnh viễn ra đi ở tuổi 25 cùng người chồng hy sinh trước đó không lâu để lại một bé gái thơ dại vừa lên 3 tuổi.

Chị Trần Thị Hết, hy sinh lúc 31 tuổi, chồng chị là đồng chí Phan Văn Mạng lúc đó đang ở vùng căn cứ miền Đông, hai đứa con gái lớn 11 tuổi, nhỏ 7 tuổi.

Chúng bắn như người ta vãi sỏi xuống mặt nước! - bà Nguyễn Thị Khỏi bồi hồi nhớ lại - Vài phút sau, đứa cháu gái đang nằm cạnh la lên: Cháu trúng đạn rồi, cô ơi! Tôi vội lấy tay sờ vào đầu và người cháu thấy máu chảy ướt cả tay. Chỉ trong một phút là cháu lịm dần không còn nghe tiếng rên hay thở nữa. Lúc đó, bà Khỏi cùng nhiều dân công khác tiếp tục lặn sâu xuống nước Đìa Dứa để tránh đèn pha địch.

Lặn một hồi, ai cũng uống nước no cả bụng ngộp thở trồi lên lấy hơi. Nhiều lần ngụp lặn hết chịu nổi, họ phải ngoi lên mặt nước. Trong một lần ngoi lên, thấy đèn máy bay đang rọi về hướng khác, bà Khỏi nhô lên hét lớn kêu mọi người chạy đi. Bà trườn lên bờ rồi lăn qua đám ruộng, chạy xa lùm dứa nên thoát chết.

Trong giờ phút sinh tử ấy, có dân công nhận ra nếu nằm im như cọc tiêu để cho chúng bắn thì sẽ chết hết không còn một ai, nên đã lao ra và hét lên kêu gọi những ai còn sống bỏ chạy tứ tán, làm loạn mục tiêu tập trung hỏa lực của địch. Nhiều nữ dân công ôm vết thương vượt lửa đạn thoát chết.

Tuổi 20 nằm lại Đìa Dứa

Đêm trắng Vĩnh Lộc đã cướp đi sinh mạng 32 dân công hỏa tuyến, trong đó có 26 nữ dân công tuổi đời 16 đến 20.

Bà Hà Thị Chiều rùng mình: “Đầu tiên, tôi nghĩ là bọn nó nhắm vào các võng thương binh để bắn. Chúng bắn làm mấy chiếc võng tanh bành. Ngay sau đó, hai chiếc máy bay cứ bay vòng quanh lùm dứa gần chạm đất. Một chiếc rọi đèn, còn một chiếc bắn xối xả.

Đội dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (ấp Tân Hòa 1 và Tân Hòa 2) Sài Gòn được giao nhiệm vụ chuyển thương binh về tuyến sau để điều trị và tải đạn cung cấp cho lực lượng quân giải phóng ở ven đô. Cả đội có khoảng 100 người, tuổi đời 15-30. Hễ có lệnh gọi là bỏ cuốc cày lên đường tải đạn, cứu thương. Có những đêm cao điểm, đội đã chuyển trên 30 thương binh về tuyến sau, rồi tải đạn an toàn về điểm tập kết bí mật.

Rạng sáng hôm sau, bất chấp sự cản trở của bọn lính, nhân dân Vĩnh Lộc vẫn tràn ra bưng cứu chữa những người bị thương và đưa xác con em mình về chôn cất.

Ông Phan Văn Do- cha của nữ dân công Phan Thị Tạo kể: Chiều đó thấy mấy đứa bạn đến nhà rủ “tối nay đi nghen” ông biết là tụi nhỏ rủ nhau đi tải thương, tải đạn.

Ở xứ này mấy cái câu như vậy thường xuyên lúc nào chẳng có. Dù biết con gái làm công việc rất nguy hiểm, nhưng là cứu dân cứu nước nên ông chỉ dặn dò cẩn thận. Thấy con gái cười tươi “Ba đừng có lo, con biết mà”, ông an tâm. Đâu ngờ đó là lần cuối cùng ông thấy con gái cười.

Nén cơn xúc động, ông kể tiếp: “Mấy đứa tụi chết, nhưng tay vẫn nắm chặt lấy nhau, che chắn cho nhau. Cứ tìm thấy một đứa là dính chùm mấy đứa với nhau”.

Qua khỏi chợ Vĩnh Lộc, là con đường nhỏ hẹp, bừa bộn người và xe chen chúc nhau mù mịt bụi bặm đến nghẹt thở, tôi rẽ trái theo hướng dẫn của anh cán bộ thuế xã Vĩnh Lộc A, theo đường Quách Liêu, đến một ngã tư thì gặp con đường mang tên “Nữ dân công” hiện ra bên trái.

Băng qua những ruộng lúa xen với nhà cửa xây mới cuối đường thì đến khu di tích tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến Mậu Thân tại ấp 4, Vĩnh Lộc A, nơi ngày xưa là cánh đồng bưng Láng Sấu. Hàng cây và tre xanh mát rượi dọc theo kinh nước Đìa Dứa.

Ngay sau đêm 15-6-1968, dân Vĩnh Lộc đã dựng tạm tại khu vực Đìa Dứa một ngôi miếu nhỏ khoảng 3m2 làm nơi hương khói, tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến. Năm 1996, đồng bào lại tự đóng góp, vận động các Mạnh Thường Quân xây lại ngôi đền đàng hoàng hơn trên nền miếu cũ với tổng trị giá ngày đó ước khoảng 74 triệu đồng.

Vĩnh Lộc, ngày chạm ngõ giỗ lần thứ 43

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.