Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu

0:00 / 0:00
0:00
Vào mùa mưa ở Phú Yên, nấm mối mọc ở miền núi huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Nhiều người nửa đêm đội đèn pin đi nhổ nấm mối vì bán được giá.

Vào mùa mưa ở Phú Yên, nấm mối mọc ở miền núi huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Nhiều người nửa đêm đội đèn pin đi nhổ nấm mối vì bán được giá.

Đã bước vào mùa mưa, ở vùng gò đồi Phú Yên, nấm mối mọc chậm nhưng số lượng rất nhiều. Có người kiếm được cả thúng nấm, không ít người nhổ nấm rừng trúng cả... bao tải.

Vốn được coi là "vua" của các loài nấm, nấm mối không những là món ăn ngon, được nhiều người ưa chuộng mà còn là một vị thuốc bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Vì được nhiều người tin dùng nên giá thành nấm mối rất đắt. Hơn nữa, nấm mối chỉ mọc một năm một lần vào mùa mưa nên thường khan hiếm. Những chỗ nấm mọc thường có tổ mối ở dưới.

Mùa nấm mối vừa qua, dọc lối đi vào chợ thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), hàng chục người bày bán nấm mối. Người mua vây kín.

Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu ảnh 1
Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu ảnh 2

Nửa đêm đội đèn pin đi tìm nấm mối

Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu ảnh 3

Do nắng hạn kéo dài nên nấm mối “nín” lại, đến nửa tháng 10 âm lịch vừa qua mới mọc rộ

Bà Trần Thị Đào ở thị trấn Hai Riêng, cho hay, vì cả năm mới có mùa nấm mối nên ai đi chợ cũng ghé mua. Giá nấm búp là 250.000 đồng/kg, nấm nở 130.000 đồng/kg. Người nào kẹt tiền cũng cố mua nửa ký về cả nhà ăn một bữa.

Theo bà Sô Thị Lang, một người dân địa phương bán nấm mối, mấy năm trước, khi đi tìm nấm mối, bà nhổ được cả rổ hoặc cả nón về đủ cho gia đình ăn. Năm nay, nấm mối xuất hiện nhiều, bà nhổ cả thúng được hơn 6 kg, trong đó 2/3 là nấm nở, bán bỏ túi gần 1 triệu đồng.

Còn tại một góc cạnh ngã tư đường Trần Phú, gần UBND thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), nấm mối bày bán hàng dài. Bà Sô Thị Linh chia sẻ: Mấy năm trước, chỗ này chỉ có vài người bán nấm mối, nhưng nay nhiều gấp đôi.

"Mọi người đi nhổ được nấm mối về sẽ đăng hình ảnh lên Facebook, người trong xóm xem nên ai trúng là biết liền", bà kể. Năm nay nấm mối nhiều, nên người dân vừa có nấm ăn và có bán thu được khoản tiền không nhỏ.

Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu ảnh 4
Nấm mối một năm mọc một lần vào mùa mưa, những chỗ nấm mọc thường có tổ mối ở dưới

Ông Trần Văn Chung cho hay: "Nấm mối ở Sơn Hòa vô tận Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Nấm mối quý hiếm, các gia đình ở đây thường đi nhổ hoặc mua về nấu chín để trong ngăn đá tủ lạnh để gửi đi xa".

Theo nhiều người sành ăn, nấm mối ở huyện Sông Hinh, Sơn Hòa mập hơn nhưng không ngọt nước bằng nấm ở huyện Đồng Xuân, bởi nấm ở đây mọc ở vùng đất đỏ, còn nấm ở Đồng Xuân mọc ở vùng đất sạn cốm, cây nấm ốm hơn nhưng ngọt nước. Ngược lại, số lượng nấm mối ở Đồng Xuân thường ít hơn. Để có nấm, nửa đêm gà gáy, bà con đội đèn pin đi tìm.

Ông Phan Văn Phước, ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), chia sẻ bí quyết tìm nấm mối: Nấm mối mọc núp trong bờ bụi, khi nấm xuất hiện, các gia đình mỗi nhà 2-3 người tìm nấm. Nấm mối mọc thình lình, lúc vừa đội đất lên thì tai nấm nằm sát mặt đất, búp màu đen lại có lá ủ che lấp nên khó thấy.

Cũng theo ông Phước, cây nấm yếu đuối là vậy, nhưng khi đội đất gặp chỗ có đá thì lật cả những hòn đá nhỏ chui lên. Có người nửa đêm, gà gáy rảo khắp vùng gò đồi tìm nhổ nấm, mờ sáng về thì thấy người trong xóm nhổ nấm mọc hàng rào trước cửa ngõ nhà mình.

Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu ảnh 5

Nấm mối là một loại nấm được trời ban cho nên được xem là “vua” của các loài nấm

Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu ảnh 6

Nấm ở huyện Đồng Xuân mọc ở vùng đất sạn cốm, cây nấm ốm hơn nhưng ngọt nước

Đêm soi đèn tìm dấu nấm 'vua', sáng ra mang bán 'hái' tiền triệu ảnh 7

Sơ chế nấm mối

Có người đi tìm sáng mắt chỉ thấy tai nấm mồ côi (một tai duy nhất) “ngồi” trong bờ rào, chân nấm to bằng cổ tay người lớn, còn tai nấm bằng cái tô.

Những ngày qua, vùng gò đồi huyện Đồng Xuân có mưa dầm, trời se lạnh nên nấm mối mọc rộ. Mùa nấm mối nơi đây kéo dài từ đầu tháng 10 âm lịch đến tháng 12, mỗi mùa nấm mối mọc 4-5 đợt.

Năm nay do nắng hạn kéo dài nên nấm mối “nín” lại, đợi đến nửa tháng 10 âm lịch khi có những cơn mưa đầu tiên thì mọc rộ. Người nào trúng thì tìm được cả rổ, thúng nấm, năm nay có người nhổ nấm rừng được cả bao tải.

Ông Nguyễn Văn Tánh, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: "Nửa đêm tôi vào vùng rừng chân đèo Suối Cối, giáp ranh giữa xã Xuân Phước và Xuân Quang 1 nhổ được bao tải nấm (khoảng 20kg), về banh ra một nong tre. Vào mùa nấm, tôi lên đến đây từ tờ mờ sáng, cầm theo đèn pin tìm nấm".


Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/dem-soi-den-tim-nam-ngay-ban-hai-tien-trieu-794996.html?

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG