Dejan Lovren: Từ kẻ nhập cư đến ngôi sao của Liverpool

Lovren (trái) là trụ cột của Liverpool và đội tuyển Croatia hiện nay.
Lovren (trái) là trụ cột của Liverpool và đội tuyển Croatia hiện nay.
Câu chuyện cá nhân của trung vệ đang khoác áo Liverpool có thể xem là nguồn cảm hứng cho những người nhập cư đang mưu cầu sự sống trên khắp hành tinh.

"Khi ấy tôi còn rất nhỏ, chỉ khoảng ba tuổi thôi. Tôi vẫn còn nhớ những lúc chơi đùa với đám bạn, bọn tôi hay đi hái cà rốt trong vườn. Nhưng ký ức mạnh mẽ nhất không được đẹp như thế. Hôm đó, tôi ở nhà với mẹ thì nghe tiếng còi báo động, có một cuộc không kích. Tôi đã rất sợ. Mẹ bồng lên tay, khum người bảo vệ tôi và đưa xuống hầm trú ẩn. Mẹ khóc rất nhiều và tất cả những gì chúng tôi có thể làm được là ẩn nấp. 

Đấy là vùng ký ức mà tôi không bao giờ quên. Làm sao có thể quên khi trải qua cảnh ấy? Không lâu sau đó, chúng tôi lên một chiếc ô tô nhỏ, một chiếc do Nam Tư sản xuất, để một người cậu chở chúng tôi đến Đức. Và thế là tôi đã trở thành một người nhập cư".

Đấy là ký ức của Dejan Lovren, trung vệ của Liverpool. Và anh chỉ là một trong hàng vạn những đứa trẻ phải rời bỏ quê hương để mưu cầu sự sống trong những cuộc chiến tranh ở châu Âu. 

Chỉ sau một biến cố, sự ngây thơ của đám trẻ biến mất, cuộc sống của chúng thay đổi đột ngột mà không hề được dự báo trước, một cảm giác bất lực và sợ hãi. Rồi đột nhiên chúng buộc phải đến một nơi xa lạ. Một cuộc đời mới bắt đầu, với những vết thương mãi không liền da.

Lovren là con của một cặp vợ chồng người Croatia. Anh chào đời tháng 7/1989 ở thành phố Zenica của Bosnia, cách Sarajevo 70km về hướng bắc. Bố mẹ của Lovren, Sasa và Silva, dù rất yêu Zenica nhưng sự an toàn của Lovren là tất cả với họ. Rời quê hương đang chìm lấp trong khói lửa, họ cùng đến Munich, Đức. Bà nội của Lovren đang ở đó.

Lovren nhớ lại: "Tất nhiên là tôi đã nhiều lần hỏi bố mẹ mình về những chuyện đã xảy ra thời gian ấy. Nhưng khi nào đề cập đến là mẹ lại khóc. Chuyện ấy không hề dễ dàng với mẹ. Khi ấy tôi còn quá nhỏ để nhớ chính xác chuyện gì xảy ra, nhưng cảm xúc của mẹ cho tôi biết gia đình mình đã trải qua những khó khăn lớn đến nhường nào.

Sang Đức tị nạn là một quyết định lớn. Chúng tôi đã phải sang đó mà không có bất kỳ hành lý gì, ngoài bộ đồ đang mặc trên người. Không có tài sản, không có túi xách, không gì cả. Bố tôi vẫn phải ở lại Bosnia thêm vài tuần, để giải quyết nốt những việc cuối cùng trước khi cùng sang Đức với chúng tôi. Có lẽ bố đã cố bán cho được cái nhà, để gia đình còn có cái mà dùng ở nơi chốn mới".

Điều hạnh phúc nhất của trẻ con là chúng rất mau quên. Với Lovren, niềm vui khi khám phá một nơi chốn mới mẻ còn đi kèm với cảm giác an toàn. Anh nói: "Tôi chỉ là một đứa trẻ nên không nhận ra sự khác biệt nhiều lắm. Phải đến khi bảy, tám tuổi, tôi mới nhận ra việc chuyển sang sinh sống ở Đức là một quyết định hệ trọng thế nào.

Thời gian ấy, có rất nhiều người vẫn ở lại Zenica, và tôi không thể nói là họ đã quyết định sai. Nhà của họ ở đó, quê hương họ ở đó cơ mà. Nhưng đã quyết định ở lại, nghĩa là quyết định đánh cược với cuộc sống của chính mình. Và nhiều người trong số họ đã phải trả giá. Một người cậu tôi đã chết ở đúng cái nơi mà chúng tôi đã sống chỉ vài tuần trước khi rời đi. Đấy là thực tế. Nó xảy ra với gia đình tôi và rất nhiều người mà chúng tôi biết".

Lovren không sai. Ngày 19/4/1993, 15 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương khi Zenica là tâm điểm của một vụ không kích. Cái suy nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu gia đình mình quyết định ở lại vẫn đeo bám Lovren. "Có lẽ bố mẹ tôi đã chết, và chính tôi cũng thế", Lovren nói. "Thời ấy có rất nhiều chuyện tồi tệ xảy ra. Tôi đã đọc nhiều và xem nhiều phim tài liệu để biết mọi chuyện khủng khiếp thế nào. Những người di cư như bố mẹ tôi đều chỉ mưu cầu sự sống. Họ đâu cần công việc tốt, môi trường tuyệt vời hơn, tất cả những gì họ muốn là một chốn an toàn".

Dejan Lovren: Từ kẻ nhập cư đến ngôi sao của Liverpool ảnh 1

Lovren đang cùng Liverpool bay cao, với vị trí dẫn đầu giải Ngoại hạng Anh sau bao năm khổ ải.

Munich, nước Đức, cho họ một chốn dung thân như thế. Chỉ vài tuần sau khi đến Đức, Lovren được đến trường mẫu giáo. Quanh Lovren khi ấy là nhiều đứa trẻ cùng trang lứa và cảnh ngộ. Những đứa trẻ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bosnia cũng đến đây theo bố mẹ để tìm sự sống. Và dù cho những đứa trẻ người Đức bản địa có đông hơn, Lovren cũng không cảm thấy quá xa cách.

Sự xa cách ấy được cảm nhận rõ hơn ở nhà. "Khi về nhà, tôi thấy mẹ mình hay khóc hoặc cãi nhau với bố kịch liệt", Lovren nhớ lại. "Bởi vì khi ấy hai người không có tiền, cũng chẳng có việc làm. Bố hay đi từ chỗ này đến chỗ khác để tìm kiếm cơ hội cho mình. Tôi nghĩ đây chính là lúc tôi nhận ra mình không giống với những đứa trẻ người Đức khác".

Trưởng thành từ nhà trẻ Munich, Lovren dần nói thông viết thạo tiếng Đức và trở thành một CĐV của Bayern Munich. Anh vẫn còn giữ những tấm ảnh chụp cùng thần tượng hồi bé của mình là Giovanni Elber và Mario Basler.

Để tị nạn lâu dài ở một quốc gia, những người nhập cư phải đảm bảo được nhu cầu giấy tờ khắt khe của quốc gia sở tại. Bảy năm sau khi đến Đức, gia đình Lovren bị buộc phải rời đi bởi thị thực của họ hết hạn, sau khi người ta phát hiện ra bố anh làm việc với giấy phép lao động chui.

Thành phố Karlovac của Croatia trở thành điểm dừng chân tiếp theo của gia đình Lovren. Và họ chẳng phải rời đi đâu nữa. Sự rộng mở vòng tay của các quốc gia giúp cho Lovren có cái nhìn thương cảm và nhân ái hơn với những người nhập cư sau này. Thành ra khi nhìn thấy dòng người nhập cư từ Syria thời gian vừa qua, phản ứng đầu tiên của Lovren là giúp đỡ họ.

Dejan Lovren: Từ kẻ nhập cư đến ngôi sao của Liverpool ảnh 2

"Người chiến thắng không phải là người chưa từng thất bại, mà là người không bao giờ bỏ cuộc". Lovren chia sẻ quan điểm sống trên mạng xã hội mới đây.

"Tôi biết sẽ luôn có lo ngại về khủng bố", Lovren nói. "Nhưng những gia đình ấy đều có trẻ con, chúng ta không thể mắt lấp tai ngơ. Họ xứng đáng được trao cơ hội, như tôi và gia đình mình ngày ấy. Tôi luôn cảm ơn nước Đức đã rộng vòng tay ngày ấy. Họ cho chúng tôi bảy năm yên ổn, và lẽ ra chúng tôi đã định cư luôn ở đấy nếu không gặp vấn đề về giấy phép. Ngày rời nước Đức, tôi có cảm giác như phải rời quê hương mình vậy".

Bây giờ sống ở Liverpool, Lovren thỉnh thoảng vẫn trở lại quê hương, để thấy Zenica ngày nay đã khác xa lúc anh rời đi. Lovren nói: "Tôi trở lại đấy vào một mùa hè, để thấy không còn nhiều người sống ở đó. Trong năm, tầm bốn hoặc năm dịp gì đó, Giáng sinh hay Halloween chẳng hạn, phải có đến cả chục nghìn người các nơi đổ về. Có người ở Mỹ, Canada, Đức, Australia... Rồi khi lễ hội qua đi, thành phố vắng lặng trở lại. Căn nhà của bà nội vẫn ở đó, tôi vẫn còn một vài bạn bè, nhưng nó đã khác xa ngày tôi rời đi".

Lovren đã 27 tuổi, là tuyển thủ quốc gia và đang cùng Liverpool thi đấu tưng bừng ở Ngoại hạng Anh. Bây giờ Lovren đã cảm thấy thoải mái khi nói về quá khứ, bởi anh biết câu chuyện thật của mình sẽ truyền được cảm hứng, và giúp cho mọi người thấu hiểu hơn nỗi lòng của những người nhập cư.

"Những người bạn thấy trên tivi ấy, họ phải chiến đấu vì sự sống của mình", Lovren nói. "Những người nhập cư không bao giờ muốn mình là một phần của cuộc chiến, một cuộc chiến do người khác gây ra. Họ chỉ muốn rời khỏi đó, họ muốn một cuộc sống bình thường, mong con mình được đến trường. Đấy là lý do họ phải rời bỏ quê hương mình, để trở thành những người nhập cư, như chúng tôi".

Và rộng tay chào đón người nhập cư là biểu hiện của lòng nhân đạo, tình người. Bạn không thể vì những rủi ro mà khép chặt lòng mình. Câu chuyện của Lovren chỉ là tiêu biểu, trong hàng nghìn, hàng triệu con người đang mưu cầu lấy mục tiêu đơn giản nhất của loài người: Sự sống.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG