Đề xuất Tổng Bí thư phụ trách Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Đề xuất Tổng Bí thư phụ trách Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng
Thẩm tra dự luật Phòng chống tham nhũng sữa đổi, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết TƯ 5.

Sáng 26-10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Huỳnh Phong Tranh, qua 5 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu.

Luật kém chế tài "chặn" tham nhũng

Cụ thể, như việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và khi họ trực tiếp hoặc liên đới thực hiện hành vi tham nhũng. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý đối với người đứng đầu.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng còn nhiều vướng mắc trên thực tế. Kết quả sơ kết cũng phản ánh số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn ít, cá biệt có một số địa phương không phát hiện được vụ việc nào.

Công tác kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được triển khai trên diện rộng nhưng còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi, chưa được sử dụng đầy đủ để tăng cường cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, Luật phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện.

Do đó, cho đến nay, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng “công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, có biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.

Không quy định Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trong luật

Ông Huỳnh Phong Tranh cho hay, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng do những bất cập trên, Ủy ban Tư pháp tán thành với các quan điểm và nguyên tắc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng cho hay, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Ở Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban”, Dự thảo Luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Hơn nữa, việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định; đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.

Dự thảo Luật bổ sung cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp có dấu hiệu tham nhũng thì phải tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng.

Qua thẩm tra Báo cáo phòng, chống tham nhũng hàng năm của Chính phủ cũng như qua công tác giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho rằng, tại một số địa phương cho thấy, việc thực hiện các quy định về xử lý trách nhiệm đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm, cụ thể là quy định chưa rõ về khái niệm người đứng đầu.

“Ngay trong dự án Luật có những quy định còn chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay.

Chính vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng, những vấn đề trên đây cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, quy định rõ và cụ thể hơn để góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hiệu quả thấp như hiện nay.

Theo Trúc Linh
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG