Đề xuất thu phí xe 'mượn đường' khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

TPO - Theo chuyên gia, để giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cần phải áp dụng biện pháp thu phí xe “mượn” đường mà không vào sân bay.

Tại buổi Hội thảo ‘giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất’ do Viện nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức sáng 7/11, các chuyên gia cho rằng, có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, điều quan trọng cần mở rộng các đường vành đai, thu hồi đất sân golf trả về sân bay, thu phí phương tiện ‘mượn đường’ nhưng không vào sân bay.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay TPHCM có hơn 8 triệu phương tiện trong đó trên 640.000 ô tô, trên 7 triệu xe hai bánh. Trong khi đó, mật độ đường bộ trong thành phố còn rất thấp so với tiêu chuẩn gây quá tải cho cả thành phố nói chung và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng.

Đề xuất thu phí xe 'mượn đường' khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 1

Cửa ngõ Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe.

Đề xuất thu phí xe 'mượn đường' khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 2

Hội thảo tìm giải pháp giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực Tân Sơn Nhất sáng 7/11.

Thời gian qua, thành phố đã tổ chức một số giải pháp cấp bách, cục bộ để giải quyết tình trạng ách tắc ở khu vực sân bay. Tuy nhiên, để chống kẹt xe hiệu quả cho khu vực này còn gặp nhiều khó khăn phức tạp, về lâu dài cần có nhiều biện pháp khác.

TS.Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như lượng hành khách vượt quy hoạch sân bay đến 30%, tình trạng người dân mượn đường Trường Sơn để đi từ Phạm Văn Đồng đi vòng xoay Lăng Cha Cả và ngược lại quá nhiều mà không vào sân bay, thiếu các đường kết nối với trường sơn.

“Hiện nay, có tới 70% xe máy và 62% xe hơi 'mượn' đường Trường Sơn để đi nhưng không ra vào sân bay. Bên cạnh đó, có đến 22 dự án nhằm giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay nhưng không được phân loại vào các nhóm giải pháp. Phải phân loại ra xem có bao nhiêu nhóm giải pháp, giải pháp nào phục vụ nguyên nhân nào thì mới giải quyết triệt để được. Nếu không phân chia giải pháp mà cứ thế thực hiện thì không phát huy được tác dụng”, TS. Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Đề xuất thu phí xe 'mượn đường' khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 3

Chuyên gia đề nghị thu phí xe mượn đường mà không vào sân bay.

Cần giải tỏa hai trục đường gồm Phạm Văn Đồng và Trường Sơn. Đây là hai đầu nối quan trọng từ phía Bắc đi hướng Nam và ngược lại nên lưu lượng giao thông lớn. Nếu mở thêm các cửa ra vào khác ở khu vực này thì sẽ giảm tải cho đường Trường Sơn.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên đề xuất, muốn giải tỏa ách tắc khu vực sân bay thì cần phải áp dụng thu tiền các phương tiện ‘mượn’ đường Trường Sơn mà không vào sân bay trong một thời gian nhất định.

“Thu tiền đường cửa ngõ sân bay trong một thời gian nhất định, khi xe vào sân bay, quay ra sẽ trả lại tiền. Còn xe mượn đường để đi xuyên Bắc - Nam sẽ phải trả tiền, khi đó người dân không có nhu cầu vào sân bay sẽ tìm các đường khác đi để tránh phải nộp phí. Điều này làm giảm lượng xe qua khu vực cửa ngõ sân bay, giải tỏa ách tắc”, ông Nguyên đề xuất.

Đề xuất thu phí xe 'mượn đường' khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 4
Đề xuất thu phí xe 'mượn đường' khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 5

Các biện pháp mở rộng đường vành đai, mượn đất quốc phòng để mở đường cũng được chuyên gia đề xuất.

Còn TS. Võ Kim Cương nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết, áp lực chính là cả vùng đô thị phía Bắc, giao thông từ phía Bắc qua Nam, Đông đi Tây là nhu cầu tất yếu của người dân. Trong khi đó, hiện trạng đường giao thông ở đây không đảm bảo. Như đường Phổ Quang gánh lưu lượng xe ở Trường Sơn nhưng hầu như không được quy hoạch, đường rất nhỏ. Các tuyến đường khác cũng không góp phần giảm tải cho Trường Sơn.

TS. Võ Kim Cương cũng đề xuất cần mượn một phần đất quốc phòng để mở đường nhánh quanh khu vực sân bay nhằm giải tỏa áp lực cho đường Trường Sơn. Đồng thời, tạm ngưng dự án đường sắt (khoảng 50 năm) để làm đường bộ từ Bình Triệu vào trung tâm thành phố, sau đó làm đường sắt trên cao. Nếu có đường bộ đi theo đường sắt hiện tại thì giảm được lượng phương tiện rất lớn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.