Đề xuất nâng mức phạt tối đa 3 tỷ đồng trong hoạt động chứng khoán

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh Quang Khánh
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh Quang Khánh
TPO - Đi kèm với mức phạt tối đa 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi còn đưa hình phạt bổ sung, trong đó có tịch thu các khoản thu lợi bất chính.

Chiều 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Liên quan đến hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo luật quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân. Theo ông Dũng, việc đưa ra quy định này để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Mức phạt này đã được xem xét tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm tới.

Mặc dù vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, một số ý kiến trong ủy ban thẩm tra đề nghị cân nhắc, chỉnh lý theo hướng nâng mức phạt tiền tối đa hơn nữa.

Còn theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp, tinh vi, nên chế tài và mức xử phạt phải phù hợp. Do vậy, việc nâng mức phạt tiền tối đa về xử phạt hành chính là cần thiết.

Song cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định mức xử phạt tối đa dựa trên số tiền gây thiệt hại hoặc quy định các hình phạt bổ sung trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của pháp luật hiện hành liên quan.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, trong quá trình soạn thảo đã rà soát kỹ các luật liên quan trước khi quy định mức phạt hành chính và hình sự. “Mức này chưa đủ sức răn đe, vì thế, dự thảo đưa hình phạt bổ sung, trong đó có tịch thu các khoản thu lợi bất chính”, ông Dũng nói.

Thế nào là khởi nghiệp sáng tạo?

Ban soạn thảo cũng cho biết, việc chào bán chứng khoán riêng lẻ được sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh việc các doanh nghiệp lạm dụng chào bán riêng lẻ thay vì chào bán ra công chúng.

Chính phủ sẽ quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, vấn đề này vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Song đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết xây dựng hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn.

Thế nhưng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với đặc điểm có mức vốn thấp, mức độ rủi ro cao, khó đáp ứng được những điều kiện vay vốn của các ngân hàng nên thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung nội dung mang tính nguyên tắc về điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

MỚI - NÓNG